Cù Lao Xanh là xã đảo Nhơn Châu thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, nằm cách thành phố Quy Nhơn 17km, cách xã Xuân Hòa (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) 9km. Đi trên quốc lộ 1D (đoạn ranh giới giữa Quy Nhơn - xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu) nhìn ra biển thấy đảo Cù Lao Xanh rất gần. Cù Lao Xanh còn có tên là đảo Vân Phi, diện tích 365ha, dân số 2.300 người, gồm các thôn: Thôn Tây (trung tâm), Thôn Trung, Thôn Đông.
Năm 1955, tôi 14 tuổi. Năm ấy, có ghe ngoài đảo vào rước nội ra đảo trị bệnh, nội cho tôi đi theo. Nhà nội tôi ở làng (thôn) Tuyết Diêm, xã Xuân Lộc (nay là xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) có con sông phía sau chảy ra đầm Cù Mông nên ghe ngoài đảo vào tới nơi rất tiện. Hôm ra đảo, trời im gió lặng nên ghe không giong buồm mà phải chèo tay (thời bấy giờ ghe không có gắn máy như ngày nay).
Khi ghe ra tới cửa biển Cù Mông thì mặt trời sắp lặn. Người lực lưỡng chèo suốt đêm tới gần sáng rõ mới tới đảo. Tôi nằm dưới lòng ghe vừa để ngủ và để không nhìn biển sẽ đỡ bị say sóng - may là trời lặng gió ghe chạy lướt êm trên mặt biển, tôi không ói mửa, không bị say sóng. Hôm đó gần đảo có chiếc tàu hàng đề tên Phú Quốc đậu ở phía trước làm cho tôi thích thú thêm vì lần đầu nhìn thấy tàu thủy neo ở đây.
Lên bờ vào đảo, đầu tôi cứ ngật ngù, quay tròn, nhưng không nôn ói, người ở đảo nói đó là hiện tượng "say sóng đất" với người chưa quen đi biển.
Khác với nông thôn ở đất liền, Cù Lao Xanh nhà cửa xây cất san sát nhau vì ở đảo đất hẹp. Mấy ngày liền tôi được người quen dẫn lên tham quan ngọn hải đăng của đảo, ra chơi ở bãi biển bắt những con ốc có hình dáng đẹp và được "chiêu đãi" nhiều món ăn hải sản, nhưng chỉ vài ngày là ngán không ăn được nữa. Ở đây nhiều loại cá, mực… do người dân đánh bắt ngoài biển, họ tự đem vào đất liền bán lấy tiền mua gạo, nhu yếu phẩm, hoặc người từ đất liền ra đảo mua cá và bán các mặt hàng thiết yếu.
Nội tôi có uy tín với người dân ở đảo Cù Lao Xanh này vì rất nhiều người được ông trị hết bệnh. Họ rất kính trọng ông. Ngày ghe chở đưa nội trở về đất liền, nhiều thân chủ gửi theo nhiều quà tặng, nào mực, cá, toàn các thứ hải sản quý. Cù Lao Xanh là nơi đánh bắt được nhiều loại cá như cá thu, cá ngừ, cá chuồn (con cá chuồn có đôi cánh trên lưng, nó thường bay là là trên mặt nước). Con cá này đã được đưa vào thơ ca:
"Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên".
Câu ca dao trên nói lên sự gắn bó giữa người ở vùng biển với người ở miền núi. (Cá chuồn của người ở biển, mít non của người miền núi).
Mực thường phải phơi vài nắng, cá thu, cá ngừ đã hấp chín chứ không giữ được cá tươi vì thời đó chưa có đá lạnh như bây giờ.
Cá được người ta biếu, bà nội tôi không dùng hết ngay mà để dùng dần dần cả tháng. Tôi chăn bò cho nội, mỗi khi về chưa có cơm, đói thì nói nội cho khúc cá ngừ đã hấp chín ăn đỡ. Cá hấp này đã phơi thêm vài nắng nhưng vẫn giữ được vị ngọt, ăn rồi uống nước là cảm giác gần no như sau khi ăn cơm.
Cù Lao Xanh trực thuộc Quy Nhơn. Có lần tôi hỏi ông nội Cù Lao Xanh gần tỉnh mình mà sao thuộc Quy Nhơn? Ông nội cho biết: Chính quyền thời Pháp thuộc có tổ chức một cuộc đua ghe xuất phát từ Quy Nhơn và Cù Mông để chọn đảo phải trực thuộc tỉnh nào. Kết quả ghe phía Quy Nhơn đến trước, nhờ xuôi gió nên chạy nhanh hơn, còn phía Phú Yên gần nhưng ngược gió nên đến sau. Từ đó xã đảo Nhơn Châu trực thuộc Quy Nhơn.
Thời trước năm 1975, Cù Lao Xanh trực thuộc Phú Yên, sau giải phóng lại trở về với Quy Nhơn. Đưa Cù Lao Xanh thuộc Quy Nhơn, xã đảo này mua bán hàng hóa hai chiều thuận lợi hơn trực thuộc phía Phú Yên, vì Quy Nhơn là thành phố, mãi lực lớn, hàng hóa nhiều, rẻ hơn.
Có chi tiết thú vị này: 9 năm kháng chiến chống Pháp, Phú Yên, Bình Định là vùng độc lập dưới sự quản lý của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên đảo Cù Lao Xanh cũng nằm trong vùng ta quản lý, có Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã đảo trực thuộc thị xã Quy Nhơn. Nhưng ở giữa biển, tàu thủy của Pháp và ngụy quân thường ghé lại đảo này bất thường. Ta tổ chức một Ban Hội tề, tạo thế hợp pháp, mỗi khi có tàu giặc đến thì Ban Hội tề ra đón tiếp, tranh thủ những điều có lợi cho ta. Cái hay là suốt 9 năm kháng chiến không bị địch gây khó khăn gì cho cuộc sống người dân trên đảo. Một kinh nghiệm quý về đấu tranh chính trị, binh vận của đảo Cù Lao Xanh được các đảo khác học tập.
Ngày nay, việc đi lại giữa đất liền với đảo rất tiện vì có tàu gắn máy đưa khách ra vào hàng ngày, nhanh chóng. Xã đảo ngày nay thay da đổi thịt, nhà cửa lợp ngói, xây tường khang trang, đẹp đẽ, nhiều nhà lầu cao, các dịch vụ phục vụ phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu người dân. Đặc biệt Cù Lao Xanh bây giờ không chỉ làm nghề đánh bắt cá ngoài biển mà là nơi có tour du lịch biển khá hấp dẫn du khách. Có tour xuất phát từ Quy Nhơn đi về trong ngày, có tour lưu trú 2-3 ngày, có xe điện đưa khách tham quan quanh đảo. Du khách tắm biển, lặn ngắm san hô, câu mực đêm… Rồi đây người dân Cù Lao Xanh nhà nhà sẽ có điện thắp sáng như ở thành phố, vì đang được nước ngoài tài trợ thực hiện dự án năng lượng gió phục vụ dân cư và sản xuất.
Cù Lao Xanh xinh tựa như bức tranh. Bức tranh ấy mang màu xanh bất tận, ngút ngàn. Du khách du lịch Cù Lao Xanh say cảnh nơi đây. Kìa là ngọn hải đăng trầm mặc và dày dạn gió sương, nhân chứng sống của lịch sử. Này là cột cờ Tổ quốc đánh dấu cột mốc chủ quyền của dân tộc. Những tảng đá xếp chồng lên thành bãi, thành lũy như núi ngất trời. Hòn Ông già, đá mặt người tô điểm cho bức tranh biển đảo quê hương thêm đặc sắc hơn.
Cù Lao Xanh có những món ăn đặc sản như cua đá, ốc mặt trăng, mực lá, nhum biển…, có cả món ăn dân dã ở các cửa hàng như bánh canh, bánh xèo, bún… để du khách thưởng thức.
Nước ta từ Bắc vào Nam có nhiều đảo ngoài biển, nhiều hòn đảo nằm xa đất liền, đi lại phải mất nhiều thì giờ. Riêng đảo Cù Lao Xanh nằm gần đất liền nên đời sống, sinh hoạt của người dân có thuận lợi, việc bảo vệ đảo cũng dễ dàng hơn.
Có dịp đến Quy Nhơn, xin mời bạn hãy dành thì giờ mua tour du lịch (hoặc tự đi theo tàu đò) tham quan Cù Lao Xanh cho biết làng đảo xanh của quê hương miền Trung đầy nắng và gió biển này.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!