Theo yêu cầu của Bộ GDĐT, SGK lớp 1 phải được cung ứng đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15/8. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, năm học 2019 - 2020 phải kéo dài nên vẫn còn đó nhiều băn khoăn xung quanh việc sử dụng SGK lớp 1 mới.
Giáo viên mong mỏi được tập huấn sử dụng SGK
Cô Bùi Thu Hương (trường tiểu học T.S - TP.Thanh Hóa) cho biết, sau nhiều năm dạy học, thì năm nay là lần đầu tiên trong quá trình giảng dạy có sự thay đổi lớn. Trong suốt quá trình chọn lựa SGK mới, cô và các đồng nghiệp đã phải tự tìm hiểu rất kỹ về chương trình mới, theo đó lấy tiêu chí hình thành và phát triển năng lực làm trọng tâm.
"Bên cạnh việc tự tìm hiểu, giáo viên chúng tôi nóng lòng được các NXB trực tiếp tổ chức tập huấn sử dụng SGK mới. Giáo viên không chỉ cần hiểu về chương trình GDPT mới mà còn cần được tập huấn cách thức tổ chức và phương pháp dạy học trong chương trình GDPT mới" - cô Thu Hương chia sẻ.
Cô giáo Đỗ Thu Hà (giáo viên tiểu học tại Hà Nội) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc dạy thử nghiệm bằng SGK mới của giáo viên sẽ gặp khó khăn. "Việc thử nghiệm SGK mới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không ít bởi dịch Covid-19. Chúng tôi mong muốn các NXB sớm triển khai tập huấn cho giáo viên. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng cần được tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với tác giả của các bộ sách để hiểu được kỹ càng nội dung, ý tưởng của tác giả".
Theo thông tin từ NXB Giáo dục Việt Nam, nền tảng Tập huấn cung cấp các tư liệu cần thiết cho GV trong quá trình sử dụng các bộ SGK mới bao gồm: Các phiên bản điện tử của SGK, SGV; tài liệu thuyết minh SGK; các slide và video bài giảng tập huấn GV của tác giả sách; video tiết học minh họa; giải đáp các câu hỏi thường gặp... NXB Giáo dục Việt Nam sẽ triển khai kế hoạch tập huấn theo hai phương thức trực tiếp và trực tuyến.
Mới đây, Bộ GDĐT đã gửi công văn yêu cầu Sở GDĐT các tỉnh chủ động phối hợp với các NXB xây dựng kế hoạch tập huấn sử dụng SGK cho giáo viên dạy học lớp 1 năm học 2020-2021. NXB có trách nhiệm chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để triển khai bồi dưỡng. Công tác tập huấn này phải được hoàn thành trước ngày 30/7 dưới sự giám sát của Bộ GDĐT.
Giá SGK phải phù hợp với thu nhập
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, giá SGK lớp 1 mới cao hơn khoảng 3 lần so với bộ SGK hiện tại. Các bộ SGK mới được NXB định giá từ 179.000 đồng tới 199.000 đồng. Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, đây là mức giá tương đối cao, đặc biệt là đối với các gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bộ SGK lớp 1 năm học 2019-2020 theo chương trình hiện nay giá chỉ là 54.000 đồng, thấp hơn nhiều so với sách mới.
Mới đây, tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI, đại biểu của TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết đã bày tỏ băn khoăn về giá SGK.
“Theo thông tin mà tôi nhận được, SGK lớp 1 mới sẽ đẹp hơn, giấy in chất lượng hơn và giá SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 cao hơn ít nhất 2,2 lần so với giá SGK lớp 1 năm học 2019-2020, mặc dù đã được các nhà xuất bản giảm giá do dịch bệnh.
Tôi ủng hộ việc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền trong việc biên soạn, xuất bản SGK. Tuy nhiên, việc này phải bảo đảm mang lại SGK với chất lượng tốt, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục mới nhưng giá phải phù hợp với đại đa số thu nhập của các hộ gia đình” - đại biểu nhận định.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, việc tăng giá SGK sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng là học sinh và phụ huynh. "Trong cơ chế thị trường thì không thể nói rằng giá của bộ sách mới không thể vượt giá bộ sách hiện hành. Thế nhưng theo tôi Bộ GDĐT cần thành lập Hội đồng thẩm định giá SGK mới, bên cạnh các Hội đồng thẩm định nội dung, hình thức".
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng lưu ý Bộ GDĐT cần tính toán để có SGK phù hợp với vùng dân tộc thiểu số và phải đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các em học sinh.