Trước hết, bằng những nỗ lực của Đại sứ quán Mỹ và Văn phòng của CIA ở Léopoldville, Patrice Lumumba - người theo chủ nghĩa dân tộc hiện lên trong con mắt Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổng thống Eisenhower như một cái gai. Do vậy, chuyến đi hồi tháng 7/1960 tới Mỹ của Lumumba, nơi ông tìm kiếm sự tiếp xúc với Chính phủ Mỹ và hy vọng nhận được sự ủng hộ của Mỹ, đã bị thất bại.
Ngày 18/8/1960, Văn phòng của CIA thông báo cho Giám đốc CIA: "Đại sứ quán và Cơ quan điệp báo cho rằng, Congo đang là mục tiêu của những mưu toan lật đổ chính phủ, và mặc dù hiện giờ vẫn còn khó xác định những yếu tố ảnh hưởng nhất và khó dự đoán kết cục của cuộc đấu tranh giành quyền lực sẽ như thế nào, nhưng rõ ràng giai đoạn quyết định của cuộc đấu tranh này đang đến gần.
Lumumba hoặc đích thực là một người cộng sản, hoặc đang tiến hành đường lối cộng sản nhằm củng cố ảnh hưởng đang tăng lên của mình. Các lực lượng thù địch chống phương Tây ngày càng ủng hộ tích cực hơn chính quyền Congo. Do vậy, cần phải hành động ngay lập tức để loại trừ Lumumba".
Ngày 25/8/1960, Giám đốc CIA Allen Dulles tổ chức một cuộc họp của Nhóm Đặc biệt (một ủy ban đặc biệt thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về thực hiện các chương trình hành động bí mật). Một số phương án đã được thảo luận, trong đó có việc thúc giục biểu quyết bất tín nhiệm đối với Lumumba ở Quốc hội Mỹ.
Gordon Grei, Trợ lý Tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia đã chuyển đến những người có mặt tại cuộc họp quan điểm của Tổng thống: "Tổng thống tin tưởng sâu sắc vào sự cần thiết phải tiến hành các hành động kiên quyết, táo bạo để trở thành người làm chủ tình hình. Tổng thống bày tỏ sự băn khoăn liệu các kế hoạch hiện nay có đảm bảo đạt được mục tiêu này hay không". Kết quả cuộc họp của Nhóm Đặc biệt là: Kế hoạch hành động ở Congo đương nhiên không được gạt bỏ khả năng thủ tiêu Lumumba.
Ngày 26/8/1960, Dulles trực tiếp ký bức điện gửi tới Léopoldville: "Lãnh đạo Cục đã đi đến quyết định, nếu Lumumba bảo vệ được địa vị của mình, thì kết quả tất yếu là con đường giành quyền lực của những người cộng sản sẽ được mở ra ở Congo với những hậu quả tai hại đối với thể diện của Mỹ cũng như đối với lợi ích của thế giới tự do nói chung. Chính vì thế chúng tôi đã quyết định, việc loại bỏ Lumumba phải trở thành nhiệm vụ cấp thiết và trọng yếu trong tình hình hiện nay.
Mục tiêu này phải trở thành ưu tiên trong kế hoạch các hành động mật của chúng ta". Trong bức điện Dulles dặn, nếu cần tư vấn thì nhờ sự giúp đỡ của đại sứ, nhưng nếu không cần cho những hành động đặc biệt và thời gian không cho phép liên lạc với ông ta thì có thể hành động theo sự quyết đoán của chính mình. Như vậy, trong những điệp vụ đặc biệt, CIA được quyền hành động độc lập mà không cần bàn bạc với Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ngay từ đầu, việc gây sức ép và ám sát những người đối lập chính trị đã trở thành nét đặc trưng của bầu không khí xã hội Congo. Ngày 6/9/1960, sau khi Tổng thống Congo Kasavubu bãi chức Thủ tướng của Lumumba, các nhân viên của CIA đã gửi về Trung ương bức điện: "...Ở vị trí đối lập Lumumba vẫn nguy hiểm như khi còn nắm quyền lực. Nhà hoạt động chính trị Congo cho biết, ông ta hiểu rõ tình hình và sẵn sàng cho việc thủ tiêu Lumumba".
Washington đồng ý cho văn phòng của CIA trừng phạt Lumumba. Chi tiết của vụ mưu sát Lumumba được tiến hành soạn thảo trong tháng 9/1960. Những hành động này được thực hiện theo một số hướng. Thứ nhất, xem xét các vấn đề giúp đỡ kỹ thuật của CIA để thủ tiêu vị cựu Thủ tướng thông qua các phần tử đối lập chính trị. Ngày 17/9, nhân viên của CIA gặp một trong số những thủ lĩnh của Thượng viện Congo.
Trong bức điện gửi về Washington có đoạn: "(Thượng nghị sĩä Congo) đề nghị bí mật cung cấp cho ông ta vũ khí nhẹ để trang bị cho phân đội được phái tới vùng Léopoldville... (Thượng nghị sĩ) đã đồng tình nhưng tỏ ra tương đối thận trọng: Lumumba phải biến mất hoàn toàn. Ông ta không tin tưởng (thủ lĩnh Congo khác), nhưng sẵn sàng hợp tác với người ấy trong mục tiêu loại bỏ Lumumba". Cơ quan gián điệp tỏ ý sẵn sàng tham gia vận chuyển vũ khí cho những kẻ thù của Lumumba từ căn cứ quân sự gần nhất, nếu chính quyền Mỹ đồng ý.
Cái gọi là "phương án địa phương" (kẻ ám sát là người châu Phi) được cụ thể hóa. Ngày 28/10, Cơ quan gián điệp thông báo, người Congo cho biết sẽ cố tổ chức cuộc ám sát nhưng lại bổ sung rằng việc đó cực kỳ khó vì đóng vai này phải là một người Phi không có bất kỳ tiếp xúc nào với người da trắng.
Tuy nhiên phương án chính mà CIA đồng ý lại là phái tên giết người có mật danh "Dzo - Parizanin" từ châu Âu sang.
Để thực hiện đặc vụ này, CIA đã chuyển qua đường bưu điện ngoại giao sang Léopoldville găng tay cao su, mặt nạ bảo vệ và bơm tiêm để sử dụng dung dịch độc tố. Hắn có nhiệm vụ thâm nhập vào giới thân cận của "Anh trai lớn" (ám hiệu của Léopoldville và Washington chỉ Lumumba) và bí mật bỏ độc tố vào đồ ăn uống hoặc trộn vào thuốc đánh răng. Còn có các phương án khác như: dùng súng trường có kính ngắm quang học, sử dụng các chất độc khác...
Cho đến trước thời điểm cuối cùng, tên giết người "Dzo - Parizanin" hoàn toàn không biết được nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9, sự quan tâm đến phương án này suy giảm bởi: Thứ nhất, việc cài cắm điệp viên ám sát vào giới thân cận của Lumumba được bảo vệ bởi các phân đội của Liên Hiệp Quốc dường như cực kỳ khó khăn và mạo hiểm. Thứ hai, Lumumba đã bị loại khỏi trò chơi chính trị và đã xuất hiện các phương án mới thủ tiêu ông ta bằng bàn tay của chính những nhân vật cánh hữu Congo. Thứ ba, dung dịch độc tố tới thời điểm đó đã mất hiệu nghiệm.
CIA nghĩ ra phương án mới: phái tiếp một điệp viên từ một nước khác tới Congo để phối hợp với một quan chức đã được CIA tuyển mộ thuộc Lực lượng Mũ nồi xanh của Liên Hiệp Quốc đang làm nhiệm vụ bảo vệ tính mạng của Lumumba, bí mật đưa Lumumba ra khỏi dinh thự, song song với việc đó, Cơ quan gián điệp sẽ soạn thảo một "kịch bản những người Congo bắt giữ Lumumba và sau đó đưa ông ta ra tòa".
Sau khi bàn đi tính lại, ngày 15/10/1960, CIA đã chỉ thị cho nhân viên chuẩn bị chi tiết kế hoạch thủ tiêu Lumumba bằng bàn tay của cánh hữu Congo, trong đó nhấn mạnh "ủng hộ việc bao vây hay bắt giữ, nhưng bất cứ hành động nào cũng phải hoàn toàn xuất phát từ phía Congo" để che đậy sự dính líu của Mỹ.
Khi Lumumba chạy khỏi Léopoldville, CIA cử điệp viên tới Stenlivin để thủ tiêu ông ta. Việc Lumumba chạy trốn không phải là bất ngờ đối với lãnh đạo CIA. Ngày 14/11/1960, Văn phòng CIA Léopoldville đã gửi cho Trung ương CIA bức điện về kế hoạch này: "Các bạn chính trị của Lumumba ở Stenlivin muốn ông ta được giải vây và sau khi tới thành phố này bằng ôtô sẽ bước vào cuộc đấu tranh chính trị...
Kế hoạch này chắc sẽ được thực hiện khẩn trương, cơ quan điệp báo sẽ có tin kịp thời từ điệp viên của mình. Ngày 28/11/1960, gửi về bức điện: "Cơ quan điệp báo đang phối hợp với Chính phủ Congo phong tỏa các con đường và bố trí lực lượng ngăn chặn cuộc chạy trốn". Mobutu, người giành quyền lực sau đó không lâu thực hiện cùng việc truy bắt Lumumba. Người Mỹ xác định đúng hướng Lumumba chạy (vùng cảng Phranki) và đã đưa trực thăng của Đại sứ Mỹ tới đó để chuyển Lumumba đi.
Sự phối hợp chặt chẽ của chiến dịch bí mật loại bỏ Lumumba của CIA với hành động ngoại giao chính thức của Đại sứ quán Mỹ ở Léopoldville trước chính quyền của nước Katanga láng giềng đã chứng minh hùng hồn việc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của nước Cộng hòa Congo trẻ tuổi. Tình báo đối ngoại Liên Xô có trong tay tài liệu do Trombe, kẻ theo chủ nghĩa phân lập ở Katanga ký ngày 15/1/1961 về việc đồng ý cho phép Mỹ chuyển Lumumba sang Elizabethville.
Thực chất, đó là bản án tử hình đối với Lumumba, được nhào nặn bởi sự giả dối và bao biện cho nhau của các nhà chính trị cánh hữu Congo, với sự tham gia trực tiếp của các cơ quan đặc biệt Mỹ, Bỉ, Pháp. Sau hai ngày, Lumumba và các đồng chí của ông không còn nữa. Cả 3 người đã bị hạ thủ bởi bàn tay tên đao phủ Trombe ngay sau khi chiếc máy bay chở tù nhân tới Elizabethville.
Vụ sát hại Lumumba đã bôi nhọ uy tín của phương Tây ở các nước châu Phi cũng như trong cộng đồng quốc tế, mở ra kỷ nguyên quặt quẹo đối với ngành ngoại giao Mỹ ở châu Phi và trên diễn đàn quốc tế. Nhiều nước Á - Phi không công nhận chế độ của Mobutu, người giành được quyền lực sau đó không lâu ở Congo, và tiếp tục ủng hộ Chính phủ Ghigienghi với tư cách là người kế tục hợp pháp Lumumba.