Dân Việt

Biên kịch hé lộ những góc khuất khi viết kịch bản “Lựa chọn số phận”

Hà Tùng Long 19/06/2020 20:05 GMT+7
“20 năm cộng tác với Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam, chưa có kịch bản nào viết vất vả như phim “Lựa chọn số phận”, biên kịch Đặng Minh Châu nói.

Bộ phim “Lựa chọn số phận” vừa lên sóng tập đầu tiên vào ngày 17/6 trên kênh VTV1. Đây là bộ phim chính luận duy nhất từ trước tới nay trên màn ảnh tập trung phản ánh đời sống và công việc của người thẩm phán.

Phim xoay quanh nhân vật Cường (Hà Việt Dũng) - một thẩm phán trẻ, giỏi nghề, điển trai và cá tính. Cường nối nghiệp người cha quá cố làm thẩm phán - nghề luôn phải đứng trước những sự lựa chọn và đưa ra quyết định có tính định đoạt cả số phận của người khác.

Biên kịch hé lộ những góc khuất khi viết kịch bản “Lựa chọn số phận” - Ảnh 1.

Cảnh trong phim "Lựa chọn số phận" với sự xuất hiện của Hà Việt Dũng, Huỳnh Hồng Loan.

Tuy nhiên, những uẩn khúc trong cái chết của cha Cường luôn là nỗi day dứt với mẹ anh - bà An (NSƯT Thanh Quý). Vì vậy, bà dùng mọi cách để phản đối con trai theo nghề của cha. Sự ngăn cấm ấy khiến hai mẹ con luôn ở trạng thái đối đầu căng thẳng…

Biên kịch Đặng Minh Châu chia sẻ: “Từ trước đến nay, trên truyền hình chưa có bộ phim nào về đề tài toà án. Chúng ta có phim về cảnh sát hình sự, kiểm sát, luật sư… nhưng chưa có phim về toà án, thẩm phán. Vì thực sự là nghề thẩm phán rất quan trọng trong xã hội nhưng để đưa lên phim thì không có gì để đưa cả. Nghề thẩm phán chỉ loanh quanh trong toà án, nghiên cứu hồ sơ và ra toà xét xử.

Nghề này nghiệt ngã ở chỗ không được tiếp xúc với đương sự, không được tiếp xúc với luật sự… mọi việc đều làm theo “án tại hồ sơ”. Do đó, phim bên cảnh sát hình sự còn có hành động, còn phim bên toà án chỉ có ra vào rồi ngồi nghe bên luật sư, bên viện kiểm sát nói qua nói lại là xong. Nhiều khi một ngày, các thẩm phán xét xử bao nhiêu vụ, cả ly hôn lẫn án hình sự.

Áp lực của chúng tôi khi xây dựng kịch bản “Lựa chọn số phận” là rất lớn. Làm thế nào để xây dựng được hình tượng một người thẩm phán mà thuyết phục được người xem tin rằng, trong xã hội ngày nay có các thẩm phán như thế. Một thẩm phán vừa đẹp trai, cao to, giỏi võ, đi xe phân khối, chung tình... như nhân vật Cường trong phim liệu có thực ngoài đời?

Hiện nay khán giả rất đón nhận phim truyền hình nhưng chủ yếu ở những mảng đề tài “hot” về tình yêu, gia đình, đời sống… còn phim chính luận về đề tài ngành nghề rất khó để cuốn hút khán giả”.

Biên kịch hé lộ những góc khuất khi viết kịch bản “Lựa chọn số phận” - Ảnh 2.

Nhà biên kịch Đặng Minh Châu.

Theo biên kịch Đặng Minh Châu, tất cả các vụ án được đưa vào phim đều lấy chất liệu từ rất nhiều vụ án đã xét xử, được đông đảo công chúng quan tâm thời gian qua. Tuy nhiên, phim không phải là đời thực. Rất nhiều chi tiết, nội dung được hư cấu. Nhưng để sát thực và thuyết phục, đúng với tính chất nghề thẩm phán, ê-kíp đã phải nhờ đến một tổ gồm 9 thành viên, là những người đã, đang gắn bó với ngành tòa án để tư vấn trong suốt quá trình xây dựng kịch bản, sản xuất phim.

“Cái khổ của nhà biên kịch khi xây dựng kịch bản phim này đó là phải nghiên cứu rất kỹ các điều luật vì luật của chúng ta thay đổi liên tục. 20 năm cộng tác với Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam, chưa có kịch bản nào viết vất vả như kịch bản phim này”, biên kịch Đặng Minh Châu nói.

Đạo diễn Mai Hồng Phong cho rằng, anh đã bàn rất kỹ với biên kịch Đặng Minh Châu khi đưa các vụ án vào phim cần phải có sự cố vấn của bên toà án. Và ê-kíp chỉ lựa chọn một số vụ án để đưa vào phim chứ không phải đưa hết được tất cả.

“Tôi cũng là người rất hay theo dõi diễn biến các vụ án trên báo chí nên hiểu khá nhiều về lĩnh vực này. Tuy nhiên, quan điểm của tôi khi làm phim là với tư cách công dân chứ không phải người làm trong ngành. Tôi mong muốn mang đến những cái nhìn mang tính xây dựng để đưa đến cho người xem những góc nhìn, hành động… về ngành toà án”.

Biên kịch hé lộ những góc khuất khi viết kịch bản “Lựa chọn số phận” - Ảnh 4.

Đạo diễn Mai Hồng Phong và diễn viên Huỳnh Anh.

Đạo diễn Mai Hồng Phong cho rằng, ở một khía cạnh nào đó, bộ phim này còn hấp dẫn hơn “Quỳnh búp bê” ông từng làm hồi năm 2018. Khán giả sẽ bị cuốn hút vào những tình tiết rất đặc trưng của nghề thẩm phán, những lắt léo, nút thắt, tình huống kịch tính đến nghẹt thở trong từng vụ án. Đan xen là câu chuyện về tình yêu, tình bạn, tình đồng nghiệp, những ứng xử rất “đời” trong gia đình và xã hội.

Đạo diễn Mai Hồng Phong cũng cho biết, trước đây khi làm phim “Lời ru mùa đông”, ông đã nghiên cứu, tiếp xúc với công việc của những người công tác trong ngành tòa án để có thể dàn dựng sống động tuyến nhân vật liên quan đến công việc này.