Giữ tài sản không lập biên bản và đòi 150 triệu đồng
Ngày 1/6 vừa qua, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vừa bắt quả tang thiếu úy Võ Quốc Cường, là cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương khi người này nhận tiền của một nạn nhân ở phường Đông Hòa.
Đáng nói, để bắt được quả tang hành vi nhận tiền trên, một phóng viên của báo Pháp Luật Việt Nam là anh Nguyễn Hoài Nam đã có quá trình theo dõi và phối hợp với Cơ quan điều tra VKSND Tối cao.
Kể về hành trình này với Dân Việt, phóng viên Nguyễn Hoài Nam cho biết, tháng 4 vừa qua, một người quen ở TP.Dĩ An nhắn tin cho anh qua Facabook và cho biết thiếu úy Võ Quốc Cường bắt giữ tài sản của ông V.T.H nhưng không lập biên bản. Thấy trong điện thoại của ông H có nhắn tin đánh đề nên Cường hù dọa và đòi 150 triệu đồng.
Sau khi nhận được thông tin, phóng viên Hoài Nam trực tiếp đến phường Đông Hòa gặp ông H để nghe rõ câu chuyện. Tại đây, ông H kể mình là bảo vệ của một khách sạn, vợ đi lau nhà thuê. Chủ khách sạn thương nên bán cho ông H chiếc xe du lịch cũ để hành nghề kiếm cơm. Nhưng vì muốn sửa phòng cho con gái lớn nên ông đành bán chiếc xe được 250 triệu đồng.
Ngày 30/3, ông H đang ngồi chơi cùng mấy người bạn ở gần khách sạn B.N thì thiếu úy Cường đi cùng khoảng 5, 6 người, bịt khẩu trang kín (đang trong thời gian xảy ra dịch Covid-19) đến quát "ai cho tụ tập đông người".
Tiếp đến, thiếu úy Cường thu giữ và mang đi toàn bộ tài sản gồm một xe honda, một giỏ xách (trong giỏ xách có 20 triệu đồng), một ví da (trong đó có 7 triệu đồng) và 1 ĐTDĐ. Đáng nói dù thu giữ tài sản của ông H nhưng thiếu úy Cường không lập biên bản.
Chiều cùng ngày, Cường gọi điện cho ông H ra quán cà phê MX (khu vực Đại học Quốc gia, thuộc TP.Dĩ An) lấy xe về, riêng giỏ sách và ví da cùng ĐTDĐ thiếu úy Cường không trả. Đồng thời, Cường yêu cầu buổi tối ông H phải mang 150 triệu đồng đưa cho Cường, vì phát hiện trong ĐTDĐ của ông H có tin nhắn "chơi số đề".
Lo sợ bị xử lý, ông H nói chỉ mượn được 100 triệu đồng. Cường đồng ý nhận trước 100 triệu đồng.
Khoảng 19h tối 30/3, ông H cầm theo 100 triệu đồng, nhờ người quen chở đi gặp Cường. Trên đường đi, ông H đưa cho người quen giữ 20 triệu đồng vì nghĩ trong giỏ xách có 20 triệu đồng mà thiếu úy Cường đang giữ, chỉ mang đưa cho Cường 80 triệu đồng là đủ 100 triệu đồng.
Nhưng khi đưa 80 triệu đồng cho thiếu úy Cường, người này vẫn kêu ông H đi mượn thêm 20 triệu đồng đưa cho mình thì mới trả giỏ xách và ví da kèm theo giấy tờ tùy thân và ĐTDĐ.
Không còn cách nào khác, ông H chạy ra nói người quen đưa 20 triệu đồng mang vào đưa cho Cường. Tổng cộng, thiếu úy Cường nhận của ông H 127 triệu đồng, gồm 100 triệu đồng mới đưa, trong giỏ xách có 20 triệu đồng và trong ví da có 7 triệu đồng. Lúc này thiếu úy Cường mới trả giỏ xách, ví da và ĐTDĐ cho ông H.
Cứ tưởng Cường nhận số tiền đó sẽ thôi không đòi nữa, nhưng đến giữa tháng 4, Cường liên tục điện thoại yêu cầu ông H đưa hết 20 triệu còn lại. Ông H nói qua lễ 30/4 sẽ đưa, Cường đồng ý. Nhưng vì không vay được tiền nên ông H không liên lạc với Cường nữa.
Đến cuối tháng 5, thấy ông H không thực hiện lời hứa, Cường liên tục điện thoại yêu cầu ông H đưa hết số tiền còn lại, ông H xin đưa 10 triệu còn lại thì thôi, nhưng Cường không đồng ý.
Lên kế hoạch bắt quả tang
Nhận thông tin của ông H, phóng viên Hoài Nam rất bức xúc. Anh lập tức lên kế hoạch để vào cuộc điều tra và thu thập chứng cứ theo hướng của hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Bởi, nếu hướng theo hành vi "nhận hối lộ", số tiền mà thiếu úy Cường đã nhận, ông H sẽ không được trả lại.
Sau khi có đầy đủ bằng chứng, giữa tháng 5, phóng viên Hoài Nam báo cáo lãnh đạo cơ quan để xin phối hợp với Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao tổ chức bắt quả tang thiếu úy Cường.
"Ngày 2/6, ông H hẹn Cường để đưa nốt số tiền còn lại. Địa điểm chính là quán cà phê mà thiếu úy Cường thường xuyên ngồi, đây cũng là địa điểm để tổ chức bắt quả tang. Quán này chỉ có một cổng ra, hai phía là ao nên đề phòng tình huống Cường nhảy xuống ao tẩu thoát", phóng viên Hoài Nam kể.
Đúng 16 giờ, đích thân Phó thủ trưởng Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao chỉ huy nhiều trinh sát bủa vây vòng trong, vòng ngoài. Ngay cổng chính, một trinh sát giỏi võ được giao nhiệm vụ áp sát Cường, quật ngã khi Cường có biểu hiện chống đối. Phía trong quán, phóng viên Hoài Nam và 1 phó phòng điều tra ngồi uống cà phê để quan sát thái độ, động tĩnh và chỉ bắt khi Cường đã nhận tiền.
16h40, chiếc xe ô tô màu trắng kem của Cường đến và đậu ở cổng quán cà phê. Cường mặc áo phông đen, quần xám hồ hởi xuống xe đi vào quán, ngồi đối diện ông H. Sau vài 3 câu chuyện, ông H đưa phong bì, Cường cầm và đút nhanh vào túi quần.
Ngay lập tức, trinh sát được phân công đứng dậy tiếp cận và dùng tay kẹp cổ thiếu úy Cường, đồng thời thông báo thiếu úy Cường đã bị bắt. Cường có biểu hiện hoảng sợ nên nhanh chóng bị quật ngã. Sau đó, tất cả trinh sát ập đến, khống chế còng tay Cường.
Sau khi kiểm tra tang vật, Cường được đưa về VKSND TP.Dĩ An để đọc lệnh bắt quả tang. Khi thủ tục bắt giữ hoàn tất, Cường được đưa về trại giam K35 (trại giam quân đội) ở quận Gò Vấp tạm giam. Hiện, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đang khẩn trương điều tra mở rộng vụ án.
Phóng viên Nguyễn Hoài Nam (bút danh Hoài Nam) là tác giả của nhiều loạt bài điều tra rúng động xã hội như: Rút ruột dầu máy bay; Thâm nhập đường dây hàng lậu Móng Cái; Người ghi hình lâm tặc phá rừng; Giấy kiểm dịch bán như rau; Kinh hoàng heo siêu nạc; Tinh luyện dầu ăn bằng chất tẩy rửa; Nông dân vượt biên đánh bạc; Hãi hùng công nghệ trồng rau muống; Cảnh sát trật tự cơ động làm luật…
Năm 2009, Nguyễn Hoài Nam cũng là phóng viên đầu tiên và duy nhất được Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng phối hợp với Ban chỉ đạo TP.HCM về phòng, chống tham nhũng tuyên dương vì có thành tích đấu tranh chống tham nhũng.
Năn 2017, Trưởng ban Nội chính Trung ương đã trao bằng khen của Ban Nội chính Trung ương cho phóng viên Nguyễn Hoài Nam do có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác phòng, chống tham nhũng.