Tại buổi hội chẩn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Tổng lãnh sự Anh, đại sứ quán Anh đã đến thăm và nắm được tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân mong muốn về quê nhà. "Việc đưa bệnh nhân này về nước chỉ thực hiện khi đảm bảo các yêu cầu an toàn đủ sức khỏe ra khỏi phòng hồi sức, an toàn trong quá trình vận chuyển và sự chuẩn bị đón tiếp/tiếp nhận bệnh nhân của bệnh viện phía quê hương đảm bảo an toàn", Thứ trưởng Sơn khẳng định.
Báo cáo của bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân phi công người Anh hiện tỉnh, dung nạp thức ăn tốt, các xét nghiệm đánh giá nhiễm trùng của bệnh nhân âm tính. Bệnh nhân đã cai hoàn toàn máy thở từ ngày hôm qua, tự thở khí phòng 24/24h. Chức năng phổi của bệnh nhân phục hồi gần 90%.
Đánh giá sơ bộ cho thấy, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, giao tiếp tốt bằng lời nói, sức cơ 2 tay bình thường, sức cơ 2 chân cải thiện 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy.
Về chức năng tiêu hoá, bệnh nhân tự ăn uống qua miệng. Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường. Bệnh nhân đã ngưng thuốc kháng nấm truyền tĩnh mạch và dùng thuốc kháng nấm uống; kháng đông dự phòng huyết khối đường uống xarelto. Hiện các bác sĩ tiến hành cho bệnh nhân tập vật lý trị liệu ngày 2 lần. săn sóc vết loét cùng cụt.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân cho biết, tâm lý của bệnh nhân vui buồn thường xuyên, có lúc khóc, các nhân viên y tế phải động viên, dỗ dành. Bệnh nhân có nguyện vọng trở về quê nhà.
Đề xuất về chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy, có thể cho bệnh nhân xuất khoa, ra khỏi khu vực hồi sức cấp cứu, chuyển phục hồi chức năng để tiếp tục hồi phục hồi chức năng cho bệnh nhân, bao gồm tập thở, tập vận động, giao tiếp và chức năng sinh hoạt hàng ngày...
Nhận định về "cuộc chiến" cam go khi điều trị cho bệnh nhân 91, GS.TS Nguyễn Gia Bình, chuyên gia Hồi sức tích cực cho biết: "Trải qua 96 ngày, rất nhiều lần chúng ta hết hy vọng về bệnh nhân nhưng bằng trí tuệ tập thể, đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ điều trị trực tiếp của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy. Thành công đến thời điểm này không chỉ cứu sống bệnh nhân mà đó còn là thể hiện tính nhân văn của chúng ta trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân người nước ngoài”.
Nam phi công người Anh, 43 tuổi, cao 1,83m, nặng 100kg (chỉ số khối cơ thể là 30.1 - có yếu tố béo phì). Bệnh nhân nhập viện điều trị ngày 18/3 tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong quá trình điều trị, bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ.
Bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho nam bệnh nhân này. Bệnh nhân cũng phải sử dụng ECMO từ ngày 6/4.
Bệnh nhân phi công người Anh cũng sử dụng nhiều dịch vụ khác như lọc máu liên tục, thở máy... Đến nay, bệnh nhân đã trải qua 96 ngày điều trị tại bệnh viện, trong đó giai đoạn từ ngày 22/5 (thời điểm bệnh nhân chuyển điều trị từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sang Bệnh viện Chợ Rẫy chưa xác định được chi phí.
Bệnh nhân 91, nam phi công người Anh là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này. Đây cũng là bệnh nhân Covid-19 nằm viện dài nhất, có chi phí điều trị lớn nhất khoảng 3,5 tỷ đồng (toàn bộ chi phí này đã được nhà cung cấp bảo hiểm chi trả).
Trước đó, bệnh nhân 19, bệnh nhân Covid-19 nặng nhất ở miền Bắc cũng có chi phí điều trị khoảng 1,5 tỷ đồng sau hơn 2 tháng điều trị.