Dân Việt

Con rối phủ bụi, làng rối nước làng Đào Thục gặp khó

Hữu Thi – Phương Thảo 23/06/2020 16:13 GMT+7
Làng Đào Thục được coi là đất tổ của nghề rối nước, nhưng nghề múa rối này không nuôi sống được các nghệ nhân. Mùa dịch Covid-19, làng nghề càng khó khăn hơn, con rối nước phủ bụi suốt thời gian dài.

Nằm dưới bờ đê sông Cà Lồ, làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) -, lọt thỏm giữa những cánh đồng Bắc Bộ ngút ngát tầm mắt. Con đường làng trải bêtông phẳng mịn lộng gió. Ngay đầu làng có một ngôi chùa và cạnh đó là thủy đình – sân khấu của những tiết mục rối nước.

Con rối phủ bụi, làng rối nước làng Đào Thục gặp khó - Ảnh 1.

Thủy đình làng Đào Thục

Đón chúng tôi là anh Đinh Hoàng Vân - Phó phường phụ trách biểu diễn của làng rối nước Đào Thục. Ấn tượng đầu với anh là ngoại hình với làn da rám nắng, thân hình vạm vỡ và đặc biệt, anh rất hay cười. Gặp chúng tôi, anh có vẻ rất vui và niềm nở khiến cho khoảng cách cuộc trò chuyện ngày càng gần lại, từ đó chúng tôi biết thêm được nhiều điều thú vị từ nghề múa rối nước.

Con rối phủ bụi, làng rối nước làng Đào Thục gặp khó - Ảnh 2.

Anh Đinh Hoàng Vân - Phó phường phụ trách biểu diễn

Tâm sự với chúng tôi, anh kể rằng: "Từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho tới bây giờ, làng khá vắng vẻ vì ít du khách đến xem múa rối. Một phần vì dịch mà phải ngừng diễn, phần nữa là do phường chưa cho phép làng nhận biểu diễn. Thỉnh thoảng anh em nghệ nhân cũng nhớ nghề, thế là lại tụ tập nhau trò chuyện, múa hát để khuây khỏa nỗi nhớ".

Con rối phủ bụi, làng rối nước làng Đào Thục gặp khó - Ảnh 3.

Bậc thang tại thủy đình đã lâu chưa có du khách ghé thăm

Theo anh Vân chia sẻ thì nghề múa rối nước ở làng chỉ đông khách vào mùa đông, các dịp cuối năm và đầu năm. Thời điểm đấy 1 tháng có từ 15-20 suất diễn. Còn mùa hè như hiện tại thì rất ít, hiếm lắm mới có đoàn về xem biểu diễn.

Đoàn múa rối làng Đào Thục ngoài nhận biểu diễn qua đặt hàng còn nhận diễn từ các tour du lịch, đặc biệt là tour có du khách nước ngoài. Du khách nước ngoài đến đây hầu như đều tò mò về loại hình nghệ thuật dân gian thú vị này. Tuy nhiên, trường hợp hủy biểu diễn của các tour vẫn thường diễn ra.

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng thủy đình, anh Vân tâm sự: "Nghề múa rối này không nuôi sống được các nghệ nhân. Tất cả nghệ nhân của làng đều phải làm những nghề khác như thợ mộc, bán bảo hiểm… thì mới kiếm được tiền. Còn về múa rối, ai cũng xác định biểu diễn là để giữ lại truyền thống của cha ông, giữ lại ngọn lửa đam mê thôi".

Mà để có được một buổi diễn rối nước cần khá nhiều người. Anh Vân kể: "Tụi anh hầu như không diễn tuồng như các nhà hát lớn mà ở đây chỉ diễn 17 trò cổ, mỗi trò là một trích đoạn. Khi diễn, bên dưới thủy đình cần từ 6-7 người điều khiển rối, bên trên cần 13-15 người để hát và phụ trách âm thanh".

Con rối phủ bụi, làng rối nước làng Đào Thục gặp khó - Ảnh 4.

Không gian sân khấu biểu diễn rối nước

Trời dần về trưa, nắng cũng bắt đầu gắt, anh Vân dẫn chúng tôi vào khu nhà truyền thống. Nhà truyền thống theo anh Vân kể lại được xây 2 năm trước, còn thủy đình được xây từ năm 2001 và tu sửa vào năm ngoái. Nhà truyền thống có rất nhiều con rối như tiều phu, nông dân, lính, ngựa… từ mới cho tới đã hỏng. Từ đầu năm đến nay, tất cả con rối đã nằm mãi ở đấy mà chưa có cơ hội được mang ra biểu diễn.

Con rối phủ bụi, làng rối nước làng Đào Thục gặp khó - Ảnh 5.

Những con rối mới được hoàn thiện chưa có dịp được biểu diễn

Con rối phủ bụi, làng rối nước làng Đào Thục gặp khó - Ảnh 6.

Những con rối bám đầy bụi và có vẻ cũ kĩ

Anh Vân chia sẻ: "Làm nghề này còn có khó khăn nữa là làm con rối. Mỗi con rối chỉ giữ được từ 1-2 năm là hỏng, phải làm lại. Làm một con rối rất kì công và mất hơn 1 tuần thì mới hoàn thành được".

Khi được hỏi về hỗ trợ của Nhà Nước cho múa rối ở làng, anh Vân tâm sự: "Nhà nước không hỗ trợ gì nhiều, hầu như là phường tự duy trì. Nhà nước chỉ tài trợ một chút về cơ sở vật chất, thỉnh thoảng thì âm thanh, ánh sáng. Nếu nhiều khi thiếu tiền thì phải xin thêm".

Anh Vân cũng buồn buồn chia sẻ rằng, giới trẻ ngày nay ít quan tâm về loại hình nghệ thuật này. Lớp trẻ ở làng Đào Thục có người học được 1-2 năm thì bỏ, có người định hướng học nhưng vì một số lý do cũng không chọn đi theo con đường này.