Dân Việt

Lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận những diễn biến gần đây trên Biển Đông

V.N 23/06/2020 19:46 GMT+7
Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tới sẽ thảo luận về vấn đề Biển Đông - theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng.

ASEAN không chọn bên nào trong cạnh tranh Mỹ - Trung

Tại cuộc họp báo quốc tế chiều 23/6 về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sắp tới, trả lời câu hỏi về việc Việt Nam sẽ thảo luận những diễn biến gần đây trên Biển Đông như thế nào, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Trong nội dung họp của các lãnh đạo có nội dung về tình hình khu vực và quốc tế, các nhà lãnh đạo không né tránh và những gì diễn ra trong thực tế sẽ được đặt lên bàn thảo luận.

Cho dù dịch Covid-19, tình hình Biển Đông vẫn có nhiều diễn biến phức tạp từ đầu năm tới nay với những hành động chèn ép của Trung Quốc. Tàu Trung Quốc đã 2 lần đâm tàu cá Việt Nam trên Biển Đông, hất các ngư dân Việt Nam xuống biển, làm hỏng tàu thuyền và trang thiết bị của họ. Tàu khảo sát của Trung Quốc cũng đi vào vùng biển Việt Nam và Malaysia, Trung Quốc còn tuyên bố thành lập các quận hành chính kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.   

Về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Rất đáng tiếc do Covid-19 nên từ đầu năm chưa có cuộc họp nào về COC. Cuộc họp gần nhất là vào tháng 10/2019 tại Đà Lạt, lúc đó các nước sẵn sàng đi vào vòng đàm phán về đọc văn bản dự thảo về COC, nhưng đến nay chưa có cuộc họp như vậy.

Thứ trưởng tiết lộ: Vào 1/7 tới sẽ có họp các quan chức cao cấp (SOM) giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó COC là một nội dung hai bên sẽ bàn thảo. Giữa hai bên có nhiều cơ chế bao gồm cả cơ chế riêng về COC. Cuộc họp SOM tới là cơ hội để tính toán khởi động lại COC vào lúc nào.

Thứ trưởng cho rằng, bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng căng thẳng đã gây khó khăn ứng xử cho cả thế giới và nhiều trung tâm, không chỉ ASEAN. Sự cạnh tranh đó có thể đặt ra những sự chia rẽ với các nước, đặt ra nguy cơ cho các nước. Song Thứ trưởng nhấn mạnh: "ASEAN và các nước thành viên có lẽ cũng vậy, ASEAN không chọn bên nào mà chọn lợi ích của ASEAN. Với quan điểm rõ ràng như vậy, ASEAN có lập trường riêng với các vấn đề quốc tế và khu vực".

ASEAN thực hiện nhiệm vụ kép

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ diễn ra bằng hình thức trực tuyến vào ngày 26/6 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế tại Hà Nội.

HNCC sẽ rà soát lại công việc của ASEAN từ HNCC lần thứ 35 tiến triển thế nào và đưa ra chỉ đạo với công tác xây dựng cộng đồng ASEAN trong thời gian tới, đặc biệt cho 6 tháng cuối năm. 

Lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận những diễn biến gần đây trên Biển Đông - Ảnh 2.

Hà Nội đã sẵn sàng cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Các nhà lãnh đạo cũng cho ý kiến về quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm

Đặc biệt chắc chắn một trọng tâm mà các nhà lãnh đạo không thể không tập trung là tiếp tục ứng phó dịch Covid-19 và làm sao có được sự phục hồi sớm nhất của ASEAN.

Thời gian qua, Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN đã cùng các thành viên khác thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tập trung phòng chống dịch vừa tiếp nối các nỗ lực xây dựng cộng đồng.

Việc chuyển sang họp trực tuyến là một thay đổi quan trọng của HNCC ASEAN 36. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dung cho biết, ASEAN từ lâu ước mơ tăng cường họp online để giảm việc đi lại và chi phí vì có quá nhiều cuộc họp. Nhiều năm qua đã có nhiều cố gắng về kỹ thuật nhưng chưa thực hiện. "Năm nay có Covid-19 nên buộc phải thực hiện, hóa ra chúng ta làm được và làm tốt" – Thứ trưởng nói. "Dù không thể gặp gỡ bắt tay, nhưng những gì muốn chuyển tải thi các phương tiện kỹ thuật đều làm được, vẫn tương tác, trao đổi, không khác họp trực tiếp". Được biết mỗi năm ASEAN có hàng trăm cuộc họp.

Thứ trưởng cũng cho biết, có một khó khăn của hình thức họp trực tuyến là thời gian. ASEAN họp riêng thì đơn giản hơn  vì múi giờ chỉ lệch 1 – 1,5 tiếng. Họp với các đối tác khác như trong  khuôn khổ cấp cao Đông Á, các đối tác như Mỹ thì thời gian sắp xếp khó khăn hơn và phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật, không chỉ nước chủ nhà mà các nước khác cũng phải làm tốt.  Thứ trưởng ca ngợi Bộ Thông tin Truyền thông và các công ty công nghệ của Việt Nam làm rất tốt để hỗ trợ các hội nghị trực tuyến của ASEAN cho tới nay.