Dân Việt

Cứu sự sống mong manh của bé gái bị u bít kín đường thở, chỉ còn một lá phổi

Bạch Dương 25/06/2020 15:03 GMT+7
Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM vừa phối hợp với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cứu sống bé gái 12 tuổi chỉ còn một bên phổi, bị u phế quản bịt gần kín đường thở, xâm lấn sang phổi, nguy cơ tử vong cận kề.
Cứu sự sống mong manh của bé gái bị u bít kín đường thở, chỉ còn một lá phổi - Ảnh 1.

Bé gái hồi phục kỳ diệu sau ca mổ.

Chị Trần Thị Thanh, mẹ bé T.T.Q.N (12 tuổi, ngụ Đồng Nai) cho biết 2 năm trước, bé ho nhiều, đi khám bác sĩ nói viêm họng và cho uống thuốc nhưng tình trạng ho của bé vẫn kéo dài kèm khó thở. Đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ cho biết bé có u phổi bên trái gây xẹp phổi hoàn toàn, phải phẫu thuật cắt một bên phổi trái.

2 năm sau khi cắt phổi trái, các triệu chứng ho, khó thở tiếp tục xuất hiện, gia đình đưa bé đi khám tiếp thì phát hiện khối u đã xâm lấn sang phổi bên phải. Không thể cắt tiếp lá phổi này, bé được chuyển sang Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để tìm phương pháp điều trị khác.

Bệnh nhi nằm hơn 20 ngày trong khoa ICU Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, sau đó tiếp tục chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bé lúc nào cũng khó thở, liên tục phải thở oxy do suy hô hấp. Kết quả chụp CT Scan cho thấy, trong phế quản bên phải có khối u bịt gần kín đường thở, đồng thời xâm lấn sang khí quản và thùy trên của bên phổi còn lại. Nguy cơ tử vong của bé rất cao.

Sau khi nội soi, hội chẩn liên khoa và liên viện với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, ngày 12/6, các bác sĩ quyết định mổ cho bé. Ca mổ kéo dài 5 giờ đồng hồ để cắt bỏ thùy trên của phổi phải, cắt phế quản gốc bên phải và phần thấp nhất của khí quản, nối lại khí quản vào thùy dưới và thùy giữa của phổi phải qua phế quản trung gian.

BS Hiếu chia sẻ: "Lúc mới tiếp nhận ca này, chúng tôi không biết có cứu được không bởi bé chỉ còn 1 bên phổi và bên phổi này cũng đã bị u xâm lấn phần thùy trên. Bé hầu như không thở được vì khối u bịt gần kín phế quản. Chúng tôi quyết định mổ cho bé, mặc dù không đảm bảo ca mổ thành công nhưng nếu không phẫu thuật, chắc chắn bé tử vong. 

Rất may ca mổ diễn ra suôn sẻ. Bé đã vượt qua được giai đoạn hậu phẫu đầy cam go khi nguy cơ tử vong lên đến 90% nếu khí quản bị bít bởi đàm, nhớt, dịch sau mổ".

Hiện tại phổi phải của bé đã hoạt động tốt. Kết quả kiểm tra cho thấy khối u trong phế quản là bướu nguyên bào sợi cơ viêm. Đây là dạng u ác tính, có nguy cơ tái phát nên sau phẫu thuật, bé sẽ được chuyển sang Bệnh viện Ung bướu để điều trị thêm vì loại bướu này đáp ứng tốt với hóa chất, có thể dùng hóa trị liệu để khống chế.

BS Hiếu cho biết: "Đây là loại bướu rất hiếm gặp và là ca rất khó đối với chúng tôi. Bé đã mất một bên phổi, bên phổi còn lại phải cắt đi 1/3 nên khả năng hô hấp của bé sẽ kém hơn rất nhiều trẻ khác. Bé phải hạn chế tối đa các vận động nặng, hoạt động mạnh và hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư".