Dân Việt

"Nóng" tại hội nghị góp ý xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Không đồng tình quy đổi giải thưởng, huy chương

Thanh Hà 25/06/2020 18:40 GMT+7
Tại Hội nghị góp ý sửa đổi, bổ sung xét tặng danh hiệu NSND NSUT, rất nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình trong việc quy đổi các giải thưởng, huy chương khiến cho bầu không khí tại Hội nghị trở nên "nóng" hơn bao giờ

Ngày 25/6/2020, Hội nghị - Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải, giám đốc các nhà hát các tỉnh, địa phương cùng hàng trăm nghệ sĩ.

"Nóng" với những ý kiến tại hội nghị góp ý xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT - Ảnh 1.

NSND Thuý Mùi chia sẻ với Dân Việt. Ảnh: Thanh Hà

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu không đồng tình về việc quy đổi các giải thưởng, huy chương trong tiêu chí xét tặng danh hiệu nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ song cũng tránh hiện tượng "cào bằng", hạ thấp tiêu chí làm giảm giá trị của danh hiệu.

NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ: "Tôi đồng thuận với việc mở, sửa đổi, bổ sung Nghị định 89 về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, nhưng chúng ta không được quá dễ dãi. Bởi hiện nay dư luận cũng đang thấy rằng danh hiệu NSND, NSƯT rất nhiều, trong khi thực tế một số loại hình nghệ thuật sân khấu đang đi xuống, nên sẽ có nhiều ý kiến của nhân dân không đồng thuận. 

Tôi đọc dự thảo thì thấy rằng tiêu chuẩn xét tặng 2 huy chương vàng hoặc 1 vàng 2 bạc đối với hồ sơ NSND, NSƯT là hơi "thấp". 

Tôi nghĩ việc xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND là phải mang dấu ấn cá nhân, phải dành cho những tài năng xuất chúng, vì thế những yêu cầu về các tiêu chuẩn huy chương vàng cá nhân nên là tiêu chí bắt buộc.

Trước đây, tiêu chí về số huy chương như vậy là để phù hợp với trường hợp các nghệ sĩ cao tuổi, không có cơ hội tham gia nhiều cuộc thi, nhiều hội diễn. Nhưng qua hai đợt xét tặng vừa rồi, những trường hợp đặc biệt đó đã được xét linh động, hầu như không còn các trường hợp đặc biệt đó nữa. Hiện tại, đối tượng xét tặng chủ yếu là các nghệ sĩ trẻ, những nghệ sĩ có lợi thế và cơ hội được  tiếp cận nhiều với các hội diễn, cuộc thi, do vậy nên chăng "siết" chặt hơn, đưa ra yêu cầu cao hơn về thành tích để họ phấn đấu, rèn luyện".

"Nóng" với những ý kiến tại hội nghị góp ý xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT - Ảnh 2.

NSND Hoàng Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Hà

Ngược quan điểm với NSND Thuý Mùi, NSND Hoàng Dũng cho hay: "Tôi thấy văn bản này hiện nay chặt chẽ hơn, nhưng khi chặt chẽ lại nảy sinh một vài lỗ hổng. 

Tại bản thảo sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực sân khấu, tiêu chuẩn xét tặng NSND phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia, trong đó phải có 1 giải vàng của cá nhân. Đối với một đạo diễn xét theo tiêu chuẩn này là rất khó và không khả thi, bởi trong quy chế chấm giải thưởng của Bộ VHTTDL không có giải thưởng dành cho đạo diễn. Cùng lắm tại hội diễn, các cuộc thi có khoảng 30 tiết mục thì sẽ chọn ra một đạo diễn xuất sắc nhất và như thế được tính là một huy chương vàng. Như vậy những đạo diễn còn lại sẽ rất thiệt thòi.

Trong một hội diễn một vở có tới 3 huy chương vàng, nhưng đạo diễn không được quy đổi để tính thành giải cá nhân. Vậy thì đạo diễn muôn đời không có giải thưởng cá nhân. Trong khi mỗi tác phẩm nghệ thuật vai trò đạo diễn rất quan trọng, sự thành công hay thất bại, tác phẩm hay hay không hay một phần quan trọng ở vai trò đạo diễn".

Nghệ sĩ Bùi Công Toại - Giám đốc Nhà hát chèo Hải Dương cũng khá gay gắt và bày tỏ không đồng tình trong việc quy đổi các giải thưởng, huy chương.

Đạo diễn Lê Hồng Chương cũng đưa ra góp ý quy đổi giải thưởng, huy chương trong lĩnh vực điện ảnh. "Theo bản thảo sửa đổi, bổ sung về tiêu chuẩn, xét tặng danh hiệu NSƯT phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia hoặc 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia. Nhưng ở lĩnh vực điện ảnh, giải thưởng cá nhân không có giải bạc. Vì vậy tôi mong ban soạn thảo cũng nên xem xét về vấn đề này", đạo diễn Lê Hồng Chương nói.

NSƯT Xuân Bắc nhận định rằng NSND, NSƯT là danh hiệu cao quý của Nhà nước trao tặng, do đó chỉ nên dành cho các nghệ sĩ xuất sắc. Không cần và không nên tính tới việc quy đổi huy chương với xét tặng những danh hiệu cao quý này. Cái gì khó, đắt, thì mới quý - NSƯT Xuân Bắc nhấn mạnh. 

Góp ý cho dự thảo nghị định, NSƯT Xuân Bắc cũng cho rằng bên cạnh các hoạt động chuyên môn cũng cần xét tới yếu tố tham gia tích cực với cộng đồng. Các nghệ sĩ cần có ý thức và trách nhiệm đưa ảnh hưởng của cá nhân của mình để phục vụ cộng đồng. Đây cũng nên là một trong những tiêu chí cần bổ sung vào việc xét tặng.

Ngoài những ý kiến tạo nên bầu không khí "nóng" tại hội nghị, thì cũng có nhiều ý kiến chia sẻ về thành phần đề nghị quy đổi như bỏ qua thành phần là nhạc công, chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn âm thanh, ánh sáng.

NSƯT Quang Thập - Giám đốc Nhà hát chèo Ninh Bình phát biểu: "Trong bản dự thảo sửa đổi, bổ sung của bảng quy đổi giải thưởng tại lĩnh vực sân khấu, tôi thấy rằng thành phần đề nghị quy đổi đang không hợp lý. Hiện nay trường Đại học Sân khấu Điện ảnh đang đào tạo ngành đạo diễn âm thanh, ánh sáng, tới nay là khoá thứ 3. Vậy trong thành phần đề nghị quy đổi lại không có thành phần này. Chưa kể đến bất cứ một tác phẩm nghệ thuật thì vai trò âm thanh, ánh sáng là rất quan trọng. Vậy thì đây là mâu thuẫn, cũng như là một thiệt thòi cho những người được đào tạo ở ngành này.

Một điều nữa khiến các nghệ sĩ khá sốc, đó là thành phẩn quy đổi bỏ qua vai trò chỉ đạo nghệ thuật. Theo tôi bất cứ một đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thì không thể thiếu một người đảm nhận vai trò chỉ đạo nghệ thuật. Một người phải am tường về nghệ thuật. Người chỉ đạo nghệ thuật sẽ phải là người tiếp cận tác phẩm đầu tiên. Cũng là người chỉ đạo làm việc giữa tác giả kịch bản, đạo diễn, hoạ sĩ, êkíp âm thanh, ánh sáng… để rồi mới ra một tác phẩm nghệ thuật và đến được với khán giả. Vì vậy tôi nghĩ ban soạn thảo nên cân nhắc về những vấn đề tôi đã nêu".