Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, các bếp ăn tự tổ chức, suất ăn sẵn, căng - tin trường học… là những điểm dễ bị ngộ độc, do việc trà trộn thực phẩm kém chất lượng vào khâu chế biến vì mục tiêu lợi nhuận. Bữa ăn của học sinh không chỉ đơn thuần là đảm bảo đủ lượng và chất mà còn phải sạch.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, toàn TP có 2.355 cơ sở giáo dục; trong đó có 1.381 trường mầm non, 498 trường tiểu học, 278 trường THCS và 198 trường THPT, cùng với 30 trung tâm giáo dục thường xuyên quận, huyện. Trong đó có 1.396 trường có bếp ăn bán trú tự tổ chức; 334 trường sử dụng suất ăn sẵn do các cơ sở cung cấp thực phẩm; 1.081 đơn vị có căng - tin trong trường học.
Theo đánh giá của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, hầu hết các đơn vị trong trường học có xây dựng hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm, có quyết định tự kiểm tra và có biên bản kiểm tra định kỳ bếp ăn tập thể, căng- tin đang hoạt động.
Ông Lê Minh Hải - Phó Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP cho biết, quy mô các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học có giảm. Trong thời gian từ năm 2015 đến 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 22 vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học với 196 người mắc. Nguyên nhân do trong quá trình chế biến, vận chuyển suất ăn bị vi sinh vật xâm nhập gây ngộ độc.
Từ đầu tháng 5 đến nay, sau khi các trường học hoạt động trở lại, Ban quản lý an toàn thực phẩm thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục, ngành y tế kiểm tra công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh cũng như yêu cầu các trường phải kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng - tin trường học…
Thông qua kiểm tra bếp ăn tập thể và một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong trường học, Ban quản lý an toàn thực phẩm phát hiện một số đơn vị vi phạm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, như một số trường phát hiện có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập vào khu vực sơ chế và chế biến thực phẩm; căng - tin một số trường sử dụng nước đá uống chưa có bao bì kín khi vận chuyển đến trường; chưa bố trí được bếp ăn cũng như khu vực ăn uống cho học sinh…
Nhằm cải thiện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể, căng - tin trong trường học, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã ký kết với Sở GD-ĐT kế hoạch liên tịch số 1008, về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, yêu cầu lãnh đạo các trường học phải kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn.
Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường công khai các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, nguyên liệu cho bếp ăn đến cha mẹ học sinh vào đầu năm học, nếu có thay đổi đơn vị cung cấp thì phải thông báo công khai để cha mẹ học sinh được biết.
Đồng thời, phối hợp cha mẹ học sinh giám sát cơ sở chế biến để đảm bảo bữa ăn học đường an toàn. Đặc biệt, thủ trưởng đơn vị trường học chịu trách nhiệm trước cha mẹ học sinh, cơ quan quản lý, cơ quan thẩm quyền trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.