Đại tá, BS Trần Quốc Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, kết quả xét nghiệm mới nhất của bệnh nhân đã âm tính với vi khuẩn bạch hầu. Bệnh nhân đáp ứng tốt với quá trình điều trị, hiện đã hết sốt, hết đau họng và sưng đau vùng cổ, chưa có biểu hiện biến chứng của bệnh bạch hầu.
Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau họng hai ngày nên đến bệnh viện khám vào ngày 19/6, sau đó được chuyển qua khám chuyên khoa Tai mũi họng. Tại đây, các bác sĩ phát hiện trong thành họng bệnh nhân có giả mạc nghi ngờ bạch hầu nên đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả soi thấy vi khuẩn bạch hầu. Bệnh viện đã thông báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng và gửi mẫu qua Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm lại.
Khi hai mẫu xét nghiệm của bệnh viện và Viện Pasteur đều khẳng định bệnh nhân mắc bạch hầu, bệnh viện đã nhanh chóng khử khuẩn, xác định người tiếp xúc gần với bệnh nhân tại bệnh viện và nơi bệnh nhân học tập ngay trong đêm.
16 người tiếp xúc gần với bệnh nhân tại nơi học tập được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả đều âm tính.
42 nhân viên y tế thuộc các khoa Khám bệnh, Tai mũi họng, Chẩn đoán hình ảnh, Truyền nhiễm đã được uống thuốc dự phòng và xét nghiệm. Tất cả các trường hợp này đều âm tính. Hiện tại, không có ca bạch hầu mới tại bệnh viện cũng như nơi sinh hoạt và học tập của bệnh nhân.
Theo đại tá Việt, đây là bệnh rất hiếm xuất hiện nên bệnh viện không có dự trữ sẵn nguồn huyết thanh, một số cơ sở phía Nam cũng không có thuốc hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng. Bệnh viện phải liên hệ một cơ sở ở Hà Nội và nhờ đơn vị này gửi huyết thanh vào bằng đường hàng không để điều trị cho bệnh nhân.
Hiện tại, để sẵn sàng có huyết thanh kháng độc tố bạch hầu điều trị trong thời gian sắp tới, bệnh viện đã nhập 10 liều thuốc về dự trữ sẵn.
Bệnh bạch hầu được đánh giá có mức độ nguy hiểm truyền nhiễm thuộc nhóm B. Nếu không được tiêm phòng, phát hiện trễ có thể để lại các di chứng nặng nề như tổn thương thần kinh, tim, thận; liệt các cơ hô hấp hoặc gây tử vong.
Đại tá Việt lưu ý, vi khuẩn bạch hầu lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Tuy nhiên, khối lượng của vi khuẩn này nặng gấp nhiều lần virus nên khó lây hơn virus SARS-CoV-2 và thường nằm ở bề mặt.
Do đó, nguyên tắc phòng ngừa vi khuẩn bạch hầu cũng giống như phòng ngừa virus bằng cách rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, vệ sinh bề mặt các vật dụng, nhất là đồ chơi của trẻ em.
Đồng thời, trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm phòng vaccine đầy đủ để phòng bệnh. Người lớn cũng vẫn có thể tiêm nhắc lại vaccine phòng bạch hầu nếu cần thiết.