Dân Việt

Giật mình về sức khỏe tình dục của nhóm phụ nữ, trẻ em gái dễ bị tổn thương

Diệu Linh 30/06/2020 14:53 GMT+7
Nhóm phụ nữ, vị thành niên dễ bị tổn thương được khảo sát bao gồm người bán dâm, người sử dụng ma túy, sống chung với HIV, trẻ em đường phố... 42,9% phụ nữ được khảo sát từng mang thai và gần 67% trong số đó từng nạo hút thai, có người nạo hút tới 4 lần dù đang ở độ tuổi 20.

“Đa phần..người em quen thì thường là họ sẽ không dùng bao cao su tại vì chúng nó thực sự là còn bé chưa có tiền để phục vụ mấy cái đấy, có người thì họ không quan tâm, họ chỉ cần làm thế để kiếm tiền, hoặc là sung sướng với người yêu mình chứ họ không suy nghĩ gì đến hậu quả sau này, thì có nhiều bạn em giới thiệu đến nhóm làm thì nó sẽ biết được nhiều thêm, nó tránh, còn những người mà không đến thì sẽ không biết gì kiến thức để phòng tránh..”(Bạn nữ 17 tuổi, người sử dụng ma túy, Hà Nội) chia sẻ.

Còn H, một bạn tình của người sử dụng ma túy (25 tuổi ở Nghệ An) cũng tâm sự: "Uống thuốc tránh thai thì em cũng sợ, uống hàng ngày thì lại quên, với cả chồng em cũng đi xa nên uống thì cũng không phù hợp. Viên khẩn cấp thì sợ tác dụng phụ. Tốt nhất thì vẫn là dùng bao cao su, nhưng chồng em không chịu". 

Giật mình về sức khỏe tình dục của nhóm phụ nữ, trẻ em gái dễ bị tổn thương - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

"Liều mạng" quan hệ tình dục bất chấp hậu quả, hoặc biết nhưng "bất khả kháng" để bảo vệ mình là tâm sự của nhiều chị em phản ánh tại Nghiên cứu định tính: "Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tình dục trong nhóm phụ nữ trẻ và trẻ em gái vị thành niên dễ bị tổn thương" do Nguyễn Thuỳ Linh (Quản lý Chương trình Trẻ em và Thanh niên Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng SCDI) thực hiện. 

Nghiên cứu này đã khảo sát 168 phụ nữ, vị thành niên gái đặc thù, dễ bị tổn thương từ 16-25 tuổi (bao gồm: người sống chung với HIV, người bán dâm, người sử dụng ma túy, gia đình lao động nghèo nhập cư, trẻ em đường phố) ở 4 tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, TP.HCM và tiến hành 38 cuộc phỏng vấn sâu. Nghiên cứu này được SCDI phối hợp thực hiện với nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển xã hội ISDS. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm phụ nữ và trẻ em gái này có rất nhiều nguy cơ bị tổn thương về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản. 42.9% chị em tham gia khảo sát cho biết họ đã từng mang thai, trong đó 66.7% người từng mang thai đã từng nạo hút thai. Tỷ lệ nạo hút thai từ hai lần trở lên chiếm khoảng 20%, có người đã từng nạo thai tới 4 lần. Tỷ lệ đi khám thai đủ 3 lần thấp và giảm dần với các lần sinh sau (con đầu – 67,4%; con thứ hai – 30,8%, con thứ ba – 16,7%). 

Đáng nói, hầu hết các chị em chưa có hiểu biết sâu hoặc đầy đủ thế nào là tình dục an toàn. "Về mục đích quan hệ tình dục có 54,2% là để sinh con, 45,8% cho rằng để duy trì quan hệ nhưng có tới 39,3% chị em nghĩ rằng đó là "nghĩa vụ"", bà Nguyễn Thùy Linh cho biết. 

Đồng thời,  định kiến giới thể hiện rất rõ ràng trong quan điểm ai nên là người chủ động thực hiện các biện pháp an toàn tình dục (chủ động mua bao cao su (nam 55.4%, nữ 9.5%), mua thuốc tránh thai (nam 15.5%, nữ 56.6%). Tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái trong khảo sát chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân là 45.8%, cao hơn tỷ lệ 30% trong SAVY2.

Giật mình về sức khỏe tình dục của nhóm phụ nữ, trẻ em gái dễ bị tổn thương - Ảnh 2.

Khảo sát cho thấy tỷ lệ quan hệ tình dục sớm (quan hệ với nhiều người) trong nhóm khảo sát khá cao

Tỷ lệ quan hệ tình dục ở nhóm này cũng khá cao. Có đến 35,3% trẻ em 16 tuổi đã từng quan hệ tình dục, thậm chí 19,3% các em từng có quan hệ tình dục với 3 người trở lên. Tỷ lệ này cao hơn ở nhóm 17-22 tuổi (63,%% từng có quan hệ tình dục, 40,2% quan hệ tình dục với 3 người trở lên), còn nhóm từ 23 tuổi trở lên có tỷ lệ là 92,3% và 70,4%. 

"44.9% phụ nữ và trẻ em gái chúng tôi khảo sát đã từng có quan hệ tình dục để lấy tiền hoặc ma túy và 34.1% đã từng có quan hệ tình dục trong trạng thái say rượu hoặc phê ma túy. Phụ nữ bán dâm, sử dụng ma túy hoặc làm công việc nhạy cảm là các nhóm có tỷ lệ thực hiện những hành vi này cao hơn cả. Ngoài ra, 14.7% số trẻ em gái (con em các nhóm dễ bị tổn thương) và người di cư có sử dụng ma túy trong lần quan hệ tình dục gần nhất và khoảng 1/5 số em có uống rượu bia trong lần quan hệ tình dục đó.", bà Linh cho biết.

Qua khảo sát, hơn 50% chị em được hỏi cho biết, họ “đã từng bị một người khác có hành động vuốt ve, sờ mó hoặc hôn vào những bộ phận cơ thể gây cảm giác sợ hãi hoặc khó chịu”. 

72% đã từng gặp vấn đề SKSS: rối loạn kinh nguyệt (52.1%); đau ngứa bộ phận SD (40.7%); nghi ngờ nhiễm phụ khoa (34.7%) hoặc nghi ngờ nhiễm STI (15%) hoặc muốn nạo hút thai (12.6%). Tuy nhiên, chỉ 38.8% đến cơ sở y tế nhà nước, còn lại tìm đến phòng khám tư, bác sĩ quen, hoặc thậm chí không đi khám, tự mua thuốc về uống. 

“Bọn em làm nghề thì mong muốn khỏi bệnh càng nhanh càng tốt chứ không là chết đói, chứ ai nuôi đâu chị. Nên các cơ sở nào mà chữa ở đó nhanh khỏi, khám nhanh, thì bạn em hay giới thiệu, cứ thế giới thiệu nhau thôi chị", một người bán dâm 22 tuổi ở Nghệ An chia sẻ. 

Một em khác cũng cho biết, khi em có thai đi khám tại cơ sở y tế nhà nước, nhân viên y tế cứ hỏi: "Mới tuổi này sao có thai, quan hệ với ai mà có thai, có chồng hay chưa mà có thai?", cứ hỏi mình tới tấp vậy trong khi đó mình mới mười mấy tuổi mình đâu có biết đường trả lời..". 

"Rào cản khiến họ không tìm đến các cơ sở y tế an toàn là do thu nhập thấp hoặc sống lệ thuộc gia đình. Một số dịch vụ, thí dụ nạo phá thai yêu cầu có ý kiến của người bảo trợ, hoặc đòi hỏi chi phí cao khiến nhiều em gái e ngại. Một số chị em không quan tâm tới sức khỏe và cuộc sống của chính mình (đặc biệt là với nhóm sử dụng ma tuý)", bà Linh phân tích. 

Nhận định về nghiên cứu của mình, bà Linh cho biết, nhóm phụ nữ và trẻ em gái được khảo sát là những người có đặc thù về hoàn cảnh sống, hành vi xã hội, như trình độ văn hóa thấp hơn, công việc thu nhập thấp trong lĩnh vực phi chính thức. Họ đã có nhiều trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, hành vi nguy cơ như uống rượu bia, sử dụng ma túy, cờ bạc, quan hệ tình dục trước hôn nhân... Nhiều người trong số họ bị kỳ thị, bị sự phân biệt đối xử và nhận sự coi thường của xã hội do đó họ ít quan tâm đến quyền và luật pháp. 

"Dù có hành vi không khuôn mẫu nhưng họ lại có những quan niệm nặng về khuôn mẫu giới truyền thống như: dễ chấp nhận vai trò thụ động của mình trong thương thuyết tình dục, dẫn tới việc họ chấp nhận những hành vi nguy cơ cao. Họ có trải nghiệm về quan hệ tình dục nhiều và sớm, nhưng hiểu biết về hành vi tình dục, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, bạo lực tình dục lại kém. Những mâu thuẫn này khiến họ chịu đựng nhiều tổn thương hơn", bà Linh chia sẻ. 

Nghiên cứu khuyến nghị nên xây dựng các mô hình can thiệp sớm cho nhóm trẻ em gái là con em của người có hành vi dễ bị tổn thương (bán dâm, sử dụng ma túy...) và người di cư, bao gồm cả truyền thông và nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ/người bảo trợ về nguy cơ bị quan hệ tình dục và xâm hại tình dục. 

Đồng thời, xây dựng mạng lưới, các nhóm cộng đồng hỗ trợ phụ nữ trẻ và trẻ vị thành niên nhằm triển khai các hoạt động can thiệp nâng cao nhận thức về tình dục an toàn và các nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV; Rủi ro khi sử dụng các chất kích thích và ma túy tổng hợp; Giới, bạo lực giới, bạo lực tình dục và mối liên hệ với các vấn đề sức khỏe tình dục; Kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình, phòng tránh bạo lực tình dục và quan hệ tình dục; cưỡng ép tình dục trong hẹn hò; Kỹ năng sống nâng cao sự tự tin; kỹ năng... 

Ngày 30/6, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) phối hợp với vụ sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức hội thảo: "Phổ biến kết quả nghiên cứu về dịch vụ sức khỏe sinh sản thân thiện với các nhóm thanh niên đặc thù, dễ bị tổn thương". Đã có nhiều báo cáo được chia sẻ về thực trạng sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong nhóm phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương.