Dân Việt

Đồng Nai: Sẽ có cơ chế riêng hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Nha Mẫn 30/06/2020 18:18 GMT+7
Đồng Nai là một địa phương có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động với gần 39.000 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 87% và đây là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng sau đợt dịch Covid-19 vừa qua nên tỉnh đang lên phương án có cơ chế riêng để hỗ trợ.

Khó khăn chồng chất

Theo báo cáo của Cục Thống kê Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) trên địa bàn tỉnh (giá so sánh 2010) đạt trên 103.000 tỷ đồng, tăng 5,8%. Mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2019 tăng 9,07%) và thấp hơn mục tiêu đề ra cả năm (mục tiêu 8 - 9%).

Đồng Nai sẽ có cơ chế riêng hỗ trợ tài chính, nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp có quy mô nhỏ gặp khó khăn về vốn, nguồn lao động sau dịch Covid-19.

Cũng trong 6 tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đều giảm. Xuất khẩu đạt 8,87 tỷ USD, giảm 4,59% và nhập khẩu đạt 6,93 tỷ USD, giảm trên 11% so cùng kỳ. Đây là mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các thị trường xuất khẩu cũng như thị trường cung cấp nguyên liệu của Việt Nam đều gặp khó khăn.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải hoạt động cầm chừng, thậm chí phá sản. Có đến hơn 100.000 lao động bị ảnh hưởng do mất việc, tạm ngừng việc, giảm giờ làm.

Trước những khó khăn thực tế mà các doanh nghiệp gặp phải, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì thời gian qua Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực. Trong đó tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp, đề ra nhiều phương án, giải pháp trợ giúp doanh nghiệp để mọi hoạt động khởi sắc hơn vào giai đoạn 6 tháng cuối năm.

Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai đang xây dựng đề án hỗ trợ các doanh nghiệp này đến năm 2025. Và hiện tại Đồng Nai cùng các sở ngành liên quan đang xây dựng và tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, sắp tới sẽ trình lên HĐND tại kỳ họp tới.

Đồng Nai sẽ có cơ chế riêng hỗ trợ tài chính, nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều mong muốn nhận được hỗ trợ.

Theo đó, đến cuối năm 2019, Đồng Nai có gần 33.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng vốn đăng ký trên 107.000 tỷ đồng, chiếm trên 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đem đến cho người lao động nguồn thu nhập trên 21.200 tỷ đồng/năm.

Dự kiến kinh phí thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong năm 2020 và từ 2021-2025 sẽ nằm ở mức trên 13 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Theo UBND tỉnh, những năm qua, Đồng Nai cũng đã xác định được vai trò của các doanh nghiệp này nên luôn ra sức hỗ trợ, giúp đỡ. Và nhất là sau đợt dịch bệnh, các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng nhất là về mặt bằng, vốn, nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm… Do đó Đồng Nai tiếp tục có nhiều phương án để đồng hành cùng doanh nghiệp đi qua những giai đoạn này.

Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đề cập đến 9 nhóm vấn đề với rất nhiều nội dung. Trong đó, nhóm chính sách hỗ trợ chung bao gồm: Hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Giúp nâng cao chất lượng lao động, hỗ trợ sử dụng các dịch vụ, hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục…

Hiện nay, Sở KH-ĐT được UBND tỉnh giao chủ trì xây dựng dự thảo đề án đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện. Chính sách hỗ trợ bao gồm nhiều nội dung, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tạo niềm tin cho doanh nghiệp

Mục tiêu cụ thể của đề án là số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng 9% hằng năm, tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 năm là trên 30.000 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mới thành lập từ ngày đề án được phê duyệt tạo ra khoảng 300.000 việc làm mới cho lao động trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Quân, giám đốc công ty TNHH Minh Quân cho biết, ông rất vui vì tỉnh Đồng Nai có đề án quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Thật sự sau dịch Covid-19, công ty làm ăn nhỏ như chúng tôi cũng như nhiều công ty vừa và nhỏ khác gặp rất nhiều khó khăn. Tôi thấy Đồng Nai đưa ra đề án chú trọng đến 3 lĩnh vực chính đang vướng mắc nhiều nhất hiện nay là mặt bằng sản xuất, nguồn vốn tín dụng và đào tạo cán bộ quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên chúng tôi cũng chưa biết cách thức hỗ trợ ra sao. Nhưng thấy có quan tâm là chúng tôi đã phấn khởi rất nhiều”, ông Quân chia sẻ.

Đồng Nai sẽ có cơ chế riêng hỗ trợ tài chính, nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 3.

Doanh nghiệp xây dựng, bất động sản,... cũng gặp khó khăn.

Còn ông Hoàng Văn Hùng, giám đốc Công ty TNHH Hùng Dũng cũng chia sẻ rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu gặp khó khăn về vốn, nhân lực… nên việc hỗ trợ là rất cần thiết. Ông Hùng mong muốn ông và các doanh nghiệp khác đều cùng nhận được những hỗ trợ thiết thực. “Tôi nghĩ đề án này cần triển khai sớm, nhất là khi dịch Covid-19 đang tạm lắng để doanh nghiệp sớm ổn định, phục hồi sau dịch. Như vậy, những ý kiến, kiến nghị, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp mới được tháo gỡ, giải quyết.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm nói rằng Đồng Nai là địa phương có số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ khá nhiều.

Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai khuyến khích và tiếp tục ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp, hội viên trực thuộc để tham vấn chính sách cho tỉnh. Ngay cả khi chính sách đã có hiệu lực, nhưng còn những vấn đề còn vướng mắc từ phía doanh nghiệp cũng sẽ được các ngành liên quan kiến nghị sửa đổi cho phù hợp.