Đó là quan điểm của TS Nguyễn Trí Hiếu (ảnh) - chuyên gia tài chính ngân hàng khi bàn về giải pháp phát triển lành mạnh của thị trường tài chính tiêu dùng.
Cách thu hồi nợ các CTTC thông qua dịch vụ thu hồi nợ đang khiến dư luận bức xúc bởi hành vi đe dọa, uy hiếp khách hàng. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
- Tôi lên án tất cả các hành động mang tính "xã hội đen" để đòi nợ bất kể người thuê đòi nợ là tổ chức cho vay chính thức hay phi chính thức. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tình trạng đòi nợ theo kiểu xã hội đen đã xảy ra nhiều năm nay. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ thuê ngày càng biến tướng, móc nối với các băng nhóm côn đồ hoặc tuyển dụng nhân viên là những thành phần bất hảo, có tiền án tiền sự,…; hành vi đòi nợ thì phản cảm, gây rối, thậm chí sử dụng những thủ đoạn uy hiếp, đe dọa, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của con nợ,… với mục đích thu hồi nợ bằng mọi giá.
Cũng có lẽ vì vậy, Quốc hội Việt Nam mới đây đã thông qua việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.
Việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê liệu có loại bỏ được những sự việc đau lòng như việc một khách hàng của CTTC nhảy sông tử tự không?
- Quả thực đó là một sự việc đau lòng. Trên thực tế, tất cả các khoản nợ quá hạn, nợ xấu đều được các CTTC ủy quyền hoặc bán thẳng cho các công ty, tổ chức thu hồi nợ. Đó chính là lý do dịch vụ đòi nợ thuê tồn tại trong suốt những năm qua.
Thế nhưng, việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới chỉ là phần ngọn của vấn đề. Nghĩa là, bài toán về rủi ro phát sinh khi cho vay tiêu dùng hay người vay phải tử tự vì bị siết nợ sẽ không bao giờ giải được. Nếu như cấm thì các tổ chức tín dụng và CTTC sẽ phải tự thực hiện đòi nợ. Chuyện đòi nợ thuê hay tự thực hiện thu hồi nợ là hậu quả của việc người đi vay không trả được nợ vì một lý do nào đó, thậm chí cố tình không trả nợ.
Vậy giải bài toán này, chúng ta phải làm như thế nào, thưa ông?
- Các công ty cho vay trong đó có CTTC cần phải được điều chỉnh để thu hồi nợ đúng pháp luật và nhân bản hơn, phải cẩn trọng khi cho vay. Người đi vay, phải đi vay 1 cách có trách nhiệm. Nếu như vay bừa bãi thì chính họ đặt vào 1 cái bẫy của tín dụng đen hay thu hồi nợ bất hợp pháp. Cơ quan chức năng không được buông lỏng quản lý.
Và quan trọng hơn cả theo tôi muốn tín dụng tiêu dùng sẽ phát triển lành mạnh phải có dữ liệu công dân.
Như bên Mỹ, cho vay tiêu dùng có một đặc biệt đó là, hầu như người dân đều có điểm xếp hạng tín dụng. Người nào đã có vay ở ngân hàng và CTTC đều đã có điểm tín dụng từ 400 cho tới 800 điểm. Tất cả các ngân hàng hay CTTC đều dựa vào đó để cho vay như điểm đánh giá về công ăn việc làm, nhà ở, lịch sử vay mượn, ngay cả người nào có án lệnh cũng đi vào trong bộ xếp hạng tín dụng đó.
Việt Nam chúng ta chưa làm được điều đó. Do đó, để kiểm soát được hoạt động cho vay tiêu dùng thì phải có cơ sở dữ liệu về khách hàng thật tốt, phân loại, xếp hạng khách hàng…
Hiện NHNN cũng đã có cơ quan đánh giá xếp hạng tín dụng cho doanh nghiệp, khách hàng cá nhân nhưng còn rất hạn chế. Nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về khách hàng sẽ tránh được trường hợp những người không có khả năng trả nợ mà các CTTC vẫn cho vay hoặc "ép" vay vì vấn đề thị phần, lợi nhuận.
Xin cảm ơn ông!