Năm 1945, Sukarno trở thành Tổng thống đầu tiên của Indonesia sau khi lãnh đạo phong trào đòi độc lập từ tay thực dân Hà Lan. Ông lên nắm quyền với sự ủng hộ rộng rãi và được mọi người xem như là anh hùng dân tộc.
Việc Sukarno có mối quan hệ chặt chẽ với Liên Xô và Trung Quốc đã khiến Mỹ lo lắng và lên kế hoạch lật đổ ông. "Thủ tướng Anh Macmillan và Tổng thống Mỹ Kenedy cùng đồng ý phải loại bỏ Sukarno, khi có điều kiện và cơ hội", một bản ghi nhớ của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) năm 1962 có đoạn, theo Independent.
Trước đó từ lâu, CIA đã sử dụng nhiều phương thức nhằm lật đổ Tổng thống Indonesia. Cơ quan tình báo này đã đổ hàng triệu USD nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử ở nước này vào năm 1955 nhưng thất bại, theo sử gia Evan Thomas.
CIA sau đó vũ trang và huấn luyện cho 10.000 quân nổi loạn và lính đánh thuê nước ngoài chống lại chính quyền của Sukarno. Mỹ sử dụng tàu ngầm và máy bay B-26 cung cấp vũ khí, nhu yếu phẩm, hậu cần cho phiến quân, ngoài ra còn tiến hành không kích và oanh tạc các lực lượng của quân đội chính phủ Indonesia.
Nhưng khi phi công Allen Lawrence Pope của CIA bị quân đội Indonesia bắn hạ và bắt giữ với các tài liệu bất lợi cho CIA và chính phủ Mỹ, cơ quan này chấm dứt chiến dịch và quân nổi loạn thất bại.
Khi âm mưu loại bỏ Sukarno bằng bạo lực phá sản, CIA tìm phương án khác. Trong thời gian này, xuất hiện tin đồn Sukarno có quan hệ tình ái với một nữ tiếp viên hàng không Liên Xô. Sukarno đã đi cùng nữ tiếp viên tóc vàng này khi ông đến Moscow năm 1956 và chính tiếp viên này sau đó tháp tùng Kliment Voroshilov, một quan chức Liên Xô, tới Indonesia và bị bắt gặp đi cùng Sukarno nhiều lần, theo sử gia William Blum. CIA muốn lợi dụng điều này để chống lại ông.
"Thông tin Sukarno gian díu với tiếp viên hàng không xuất hiện trên mặt báo khắp thế giới", Joseph Burkholder Smith, chỉ huy chiến dịch của CIA ở Indonesia giai đoạn 1956-1958, viết trong hồi ký. "Đây được coi là một trong những nguyên nhân làm khởi phát phong trào nổi loạn được CIA hậu thuẫn nhưng thất bại".
CIA tin rằng khi dựng lên câu chuyện Sukarno bị nữ điệp viên Liên Xô "tống tình", nó sẽ châm ngòi cho một cuộc nổi dậy lớn hơn. "Họ tìm cách tạo ra một băng hình hay chí ít là vài hình ảnh đóng giả Sukarno và cô bạn gái Liên Xô đang 'vui vẻ'", theo Blum. "Do các băng hình trong kho của Sở Cảnh sát Los Angeles không có cặp nam nữ nào giống Sukarno (da ngăm đen và hói) và một phụ nữ Liên Xô tóc vàng xinh đẹp, CIA quyết định tự mình làm ra bộ phim đó".
Tuy nhiên, CIA không thể tìm thấy diễn viên nào giống Sukarno và nữ tiếp viên Liên Xô. Do đó, họ quyết định chế tạo một mặt nạ mô phỏng gương mặt lãnh đạo Indonesia, Blum cho biết. Mặt nạ này sau đó được gửi đến Los Angeles, nơi cảnh sát phải trả tiền cho diễn viên phim cấp ba đeo nó trong khi diễn.
Dù không có đoạn quay cận cảnh nào, bộ phim với tựa đề "Những ngày hạnh phúc" cuối cùng cũng được hoàn thành. Nhưng việc phát hành một bộ phim người lớn trong thời đại chưa có Internet, thậm chí chưa có cả sóng truyền hình, là một thách thức với CIA.
Việc đưa phim đi chiếu rạp không phải là một công cụ tuyên truyền hiệu quả đến công chúng, nhất là khi bộ phim đó chẳng làm ai quan tâm. "Những ngày hạnh phúc" rơi vào quên lãng với nỗ lực vô vọng của CIA.
Với sự giúp sức từ cơ quan tình báo MI6 của Anh, CIA cuối cùng cũng thành công trong việc lật đổ chính phủ của Sukarno và thay thế bằng chính phủ Suharto thân phương Tây vào năm 1967. Đây được coi là một trong những cuộc đảo chính thành công nhất có sự can dự của MI6, theo một cựu điệp viên hoạt động trong các chiến dịch tuyên truyền ở Indonesia.