Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản, về mặt khách quan thể hiện ở các dấu hiệu như có hành vi đe dọa dùng vũ lực, được hiểu là hành vi của người phạm tội đe dọa sẽ dùng vũ lực gây thiệt hại cho bị hại. Mục đích của hành vi đe dọa này là làm cho bị hại sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nếu không để cho lấy tài sản.
Giữa thời điểm đe dọa sẽ dùng vũ lực với thời điểm dùng vũ lực có khoảng cách nhất định về thời gian. Người bị đe dọa có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để quyết định hành động, họ vẫn có thời gian để lựa chọn giữa việc kháng cự hay chấp nhận giao tài sản.
Việc đe dọa dùng vũ lực có thể thực hiện thông qua hình thức trực tiếp như thực hiện các hành vi đe dọa bằng lời nói, cử chỉ, hành động… trực tiếp, công khai với bị hại hay gián tiếp.
"Thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thường là dọa sẽ hủy hoại tài sản nếu chủ sở hữu, người quản lý tài sản không giao tài sản như dọa đốt nhà, đốt xe, dọa đập phá tài sản…Dọa sẽ tố cáo hành vi sai phạm hoặc những bí mật đời tư của bị hại mà họ không mong muốn cho ai biết. Bịa đặt, vu khống cho người có trách nhiệm về tài sản hay giả danh cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, hải quan, thuế… để bắt giữ, kiểm tra, khám người có trách nhiệm về tài sản buộc họ phải giao nộp tài sản" - Luật sư Đào Định (Văn phòng Luật sư Thanh Ngân, Hà Nội) cho biết.
Cũng theo luật sư Định, tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Việc người thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần người khác có chiếm đoạt tài sản hay không không ảnh hưởng đến việc định tội danh.
Theo Luật sư Định, hình phạt với tội danh này có 4 khung chính: Khung 1, phạt tù từ 1 năm đến 5 năm áp dụng đối với người phạm tội không có tình tiết tăng nặng định khung hình phạt; Khung 2, quy định hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tái phạm nguy hiểm. Khung 3, phạt tù từ 7 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
"Thông tin có được, nhóm người tạo dựng clip, tung lên mạng có 1 lái xe dịch vụ, 1 lao động tại KKT Nghi Sơn, 1 người từng công tác trong lực lượng vũ trang đã xuất ngũ… nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên sẽ hình phạt rất nặng ở khung còn lại là khung 4 phạt tù từ 12 đến 20 năm" - Luật sư Đào Định khẳng định.
Chia sẻ thêm quan điểm với Dân Việt, luật sư Phan Văn Tính (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói: "Do có hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền… Như vậy, nhóm người này còn có dấu hiệu của tội vu khống theo Điều 156 Bộ Luật hình sự 2015".
Liên quan tới clip "Phó Chủ tịch thị xã nhận tiền", 4 người đã bị bắt gồm Lê Xuân H (42 tuổi), Lê Tiến Đ (32 tuổi), Lê S (48 tuổi, cùng trú xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa) và Nguyễn Quốc H (41 tuổi, Hà Nội). Nhóm đối tượng này ngoài "đòi" ông Hồ Đình Tùng - PCT Thị xã Nghi Sơn đã định dùng thủ đoạn tương tự với một số lãnh đạo khác với số tiền lớn hơn nhiều.