Dân Việt

Ông Phan Đình Trạc: Ban Nội chính T.Ư nghiên cứu, tham mưu cho Ban Bí thư vụ án Hồ Duy Hải

PVCT 03/07/2020 15:58 GMT+7
Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, Ban Nội chính Trung ương sẽ tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Ban Bí thư về vụ án Hồ Duy Hải.

Sáng 3/7, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Trong phát biểu, khi nói về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Ban tập trung hoàn thành 5 Đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. 

Ông Phan Đình Trạc: Ban Nội chính T.Ư nghiên cứu, tham mưu cho Ban Bí thư vụ án Hồ Duy Hải - Ảnh 1.

Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương (ảnh noichinh.vn).

Tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, thẩm định, tham mưu đề xuất về một số vấn đề lớn trong các dự án luật, văn bản quan trọng nội chính, phòng chống tham nhũng; tham gia công tác cán bộ, nhất là nhân sự Đại hội Đảng các cấp theo thẩm quyền và theo đề nghị của các cơ quan chức năng.

Đáng chú ý, ông Phan Đình Trạc cho biết thêm, Ban Nội chính Trung ương tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Ban Bí thư về vụ án Hồ Duy Hải. Phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan để tham mưu cho Ban Bí thư chỉ đạo xử lý tình trạng khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự tại khu vực trụ sở Trung ương và các cơ quan Trung ương.

Trước đó, vào ngày 16/6/2020, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải, đa số ý kiến phát biểu của các thành viên đã đồng ý xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với vụ Hồ Duy Hải.

Sau khi kết thúc phiên họp, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã phát phiếu xin ý kiến toàn bộ thành viên Ủy ban để có cơ sở trình tiếp lên cấp trên.

Về lý do mở phiên họp toàn thể, sau khi có quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải thì mẹ của bị án là bà Nguyễn Thị Loan có đơn kiến nghị, đồng thời, một số ĐBQH như Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Đà Nẵng kiến nghị mở phiên họp.

Đồng thời, có yêu cầu của các cấp và dựa trên nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Tư pháp nên cơ quan này đã tổ chức phiên họp toàn thể. 

Trong một diễn biến khác, ông Đỗ Văn Đương, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), đã có báo cáo bằng văn bản gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, nói về vụ án Hồ Duy Hải.

Nói về lý do gửi báo cáo này, ông Đỗ Văn Đương cho biết: Sau khi kết thúc phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, thấy dư luận có những ý kiến khác nhau về vụ án, với tư cách là đại biểu Quốc hội khóa XIII, là thành viên trong Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật"; là người đã nghiên cứu hồ sơ, đã vào gặp và hỏi Hồ Duy Hải trong trại tạm giam của Công an tỉnh Long An cách đây 6 năm (2014) nên ông thấy có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước xung quanh vụ án này.

Trong văn bản báo cáo, ông Đương đã thuật lại nội dung vào gặp và hỏi Hồ Duy Hải; ông cũng nêu ra một số vấn đề liên quan đến tố tụng trong vụ án; đồng thời nêu quan điểm đồng tình với quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.