Dân Việt

Người Mỹ đã khóc hận ra sao vì điệp viên siêu hạng của Trung Quốc?

Xuân Tiến (Theo Sina, ANTG) 03/07/2020 20:30 GMT+7
Người Mỹ sẽ không bao giờ biết được anh ta là điệp viên có vỏ bọc kín đáo nhất trong lịch sử CIA, nếu bi kịch không xảy ra vào năm 1985!

Năm 1938, Kim Vô Đài làm phiên dịch cho cơ quan lãnh sự quán của Mỹ tại thành phố Thượng Hải. Năm 1944, Kim Vô Đài được Cơ quan Tình báo Trung Quốc chính thức tuyển mộ. Trong thời kỳ Trung Quốc kháng chiến, Kim làm công tác phiên dịch tại Phòng Liên lạc liên quân Mỹ và Trung Quốc; từ năm 1945 đến năm 1952 là phiên dịch của lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Công và quân đội Mỹ ở Triều Tiên. Sau năm 1952, làm việc cho bộ phận tình báo đối ngoại của  Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), sau đó chuyển sang Hồng Công và trở thành nhân viên tình báo  Mỹ hoạt động ở Hawaii.

Người Mỹ đã khóc hận ra sao vì điệp viên siêu hạng của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Sau khi kết hôn với nữ phát thanh viên, một người đẹp có tiếng ở Đài Loan, Kim Vô Đài trở thành sĩ quan liên lạc giữa CIA và Cơ quan Tình báo Đài Loan. Trong suốt thời gian đó, Kim đều đặn và bí mật chuyển giao những thông tin tình báo của quân đội Mỹ cho Cơ quan Tình báo Trung Quốc.

Trong thời gian chiến tranh ở Triều Tiên, anh đã chuyển cho Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Trung Quốc rất nhiều tin tình báo của quân đội Mỹ, trong đó có bản danh sách những chiến sĩ quân tình nguyện bị bắt làm tù binh đã phản bội Tổ quốc, đó là tài liệu để phía Trung Quốc yêu cầu Mỹ phải trao trả toàn bộ số người bị bắt. Các quan chức cao cấp của Chính phủ Mỹ và CIA đều chua xót thừa nhận rằng, sự “phản bội” của Kim là nguyên nhân làm cho cuộc chiến tại Triều Tiên kéo dài.

Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Kim đã cung cấp cho Trung Quốc những thông tin có giá trị về sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc, tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết trước được ý đồ của Mỹ và có đối sách thích hợp. Tháng 10/1970, Kim đã chuyển về nước một bản tài liệu tuyệt mật, có nội dung là người đứng đầu Nhà Trắng Richard Nixon muốn nối lại quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, nhờ đó Chính phủ Trung Quốc đã kịp thời thay đổi chính sách đối ngoại có lợi cho mình.

Trong số những thông tin tình báo mà Kim gửi về, có một số thông tin có liên quan đến chiến lược của Mỹ đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, cũng đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc chuyển giao cho Việt Nam để nghiên cứu.

Theo dòng thời gian, Kim từng bước trở thành chuyên gia về vấn đề Trung Quốc tại CIA. Chức vụ cũng thăng tiến dần, từ phiên dịch viên trở thành chuyên gia phân tích, rồi được bổ nhiệm phụ trách Ban châu Á của CIA, cuối cùng trở thành ứng viên chức Phó giám đốc của CIA.

Vỏ bọc được giữ kín

Trong thời gian làm việc cho CIA, Kim đã nắm được bản danh sách những tình báo viên của Mỹ và Đài Loan đang hoạt động ở Đại lục, kể cả danh sách những người Trung Quốc  thoái hóa biến chất, phản bội Tổ quốc đã bán tài liệu cho Mỹ, tạo điều kiện cho Cơ quan Phản gián Trung Quốc có biện pháp kịp thời loại trừ hậu quả.

Là chuyên gia phân tích và là một trong số ít người thông hiểu Hán ngữ trong CIA, Kim có điều kiện nắm được và chuyển về nước các loại thông tin về tình báo của Mỹ hoạt động ở Trung Quốc và một số quốc gia Đông Á, sơ lược lý lịch và danh tính các nhân viên thuộc dạng cơ mật quan trọng trong CIA, tin tức về một vài tình báo viên Trung Quốc  bị sa ngã, mua chuộc, v.v...

Theo quy định nội bộ của CIA, các điệp viên đều mang tên giả nhưng dựa vào tài liệu do Kim cung cấp, có thể phán đoán ra nơi làm việc và cấp bậc của những người này, từ đó Cơ quan Phản gián Trung Quốc điều tra, tìm ra sự thật.

Việc giao, nhận tài liệu, chỉ thị đều thông qua một đường dây bí mật, đó là người liên lạc họ Lý tại một siêu thị ở nước thứ 3 và mỗi lần gặp nhau không quá 5 phút. Với tài hoạt động tình báo bẩm sinh, trong mấy chục năm hoạt động Kim không hề để xảy ra sai sót. Để tạo vỏ bọc hoạt động, Trung Quốc đã chuyển cho Kim hàng triệu USD, và Kim đã dùng số tiền đó đầu tư vào lĩnh vực nhà đất. Nhờ đó mà CIA không mảy may nghi ngờ con người thật của Kim.

Mặc dù đã có quyết định nghỉ hưu năm 1981 nhưng CIA vẫn giao cho Kim một số công việc quan trọng. Lẽ ra người Mỹ sẽ không bao giờ biết được anh ta là điệp viên có vỏ bọc kín đáo nhất trong lịch sử CIA, nếu bi kịch không xảy ra vào năm 1985!

Không che giấu vai trò của mình sau khi bị bắt

Thực ra ngay từ năm 1982, Cục Điều tra liên bang (FBI) và Bộ Tài chính Mỹ đã để mắt tới Kim, song nhờ sự khôn khéo và cẩn trọng trong mọi hoạt động, việc điều tra không có kết quả nên đã đình chỉ điều tra từ lâu.

Năm 1985, một người Trung Quốc tự nhận mình là Du Cường Sinh gọi điện tới Văn phòng CIA xin được đầu thú. Nhận được tin này, CIA rất mừng nhưng rất băn khoăn bởi Du Cường Sinh là Vụ trưởng Vụ Tình báo phụ trách vùng Bắc Mỹ, Cục trưởng Cục Đối ngoại của Bộ An ninh Trung Quốc. Một nhân vật cao cấp như vậy chạy sang Mỹ đầu hàng là việc hiếm thấy. Dù sao CIA cũng cử ra một nhóm người có trách nhiệm để săn sóc và tranh thủ khai thác.

Do sự phản bội của Du, Kim đã bị nhà cầm quyền Mỹ bắt giam. Trong ngục tù, khi bị CIA thẩm vấn, Kim chỉ thừa nhận mình là điệp viên của Trung Quốc mang bí số 20, người có công trong việc nối lại bang giao giữa 2 nước Trung Quốc và Mỹ - trong việc Tổng thống Richanrd Nixon sang thăm Bắc Kinh. “Tất cả việc tôi làm là vì lợi ích của nước Mỹ, tôi muốn 2 nước trở thành bạn của nhau” - Kim nói.

Việc Kim Vô Đài bị bắt chẳng những gây chấn động dư luận Mỹ mà các cơ quan tình báo Đài Loan, Nhật Bản và ngay cả nhiều quan chức CIA khi biết anh là điệp viên của Trung Quốc đều không tránh khỏi ngạc nhiên. Không thể nào tin được một người suýt nữa trở thành Phó giám đốc Cơ quan CIA lại là gián điệp. Biết mình khó có thể trở về Tổ quốc Trung Hoa, nếu không bị tuyên án tử hình cũng mang án chung thân, vì thế Kim đã tự vẫn để bảo toàn những điều bí mật của một điệp viên.

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, một quan chức cấp cao của Cơ quan Tình báo Mỹ đã đánh giá: tổn thất cho nước Mỹ do sự phản bội của điệp viên Kim bằng tất cả các vụ án gián điệp mà Mỹ đã phá được, sự phản bội đó góp phần làm thay đổi tiến trình của lịch sử

Phạm Xuân Tiến (Theo Tân Quân sự)