Thời điểm thoát khỏi ảnh hưởng dịch bệnh
Thị trường khách nội địa vẫn chiếm 2/3 số du khách đến TP.HCM hàng năm và là thị trường trọng điểm của các tỉnh, thành ĐBSCL. Theo cơ cấu tổng thu từ khách du lịch đến TP.HCM năm 2019, mặc dù chi tiêu khách quốc tế bằng 1,8 lần chi tiêu của khách nội địa, nhưng thu từ khách du lịch nội địa chiếm gần 60% trong tổng thu từ khách du lịch của TP. HCM. Đối với du lịch 13 tỉnh, thành ĐBSCL thì đây vẫn là nguồn thu chính.
Chính vì thế, trong 2 ngày 3-4/7, hội nghị sơ kết du lịch 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2020 tại Cần Thơ có sự tham dự của lãnh đạo 14 tỉnh, thành. Tại đây, TP.HCM đã ký kết phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành ĐBSCL nhằm tạo ra sản phẩm mới thu hút khách nội địa.
Theo các chuyên gia du lịch, nếu làm bài toán hoán đổi, 1/3 của 10 triệu dân TP.HCM về du lịch ở ĐBSCL và ngược lại 1/3 của 20 triệu dân của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đến du lịch ở TP. HCM, thì kết quả là góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp.
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng sâu và toàn diện đến mọi mặt kinh tế xã hội và đời sống, trong đó có ngành du lịch. Số lượng khách cũng như doanh thu du lịch đã có sự sụt giảm nghiêm trọng. Tăng trưởng của ngành du lịch quý I giảm sâu, và phục hồi chậm trong quý II, đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh, thành.
Cụ thể, tổng khách du lịch đến TP. HCM 6 tháng đầu năm đạt 9,4 triệu lượt, giảm 54,7%, trong đó khách quốc tế đến TP. HCM 6 tháng ước đạt 1,3 triệu lượt (chủ yếu của 3 tháng đầu năm), giảm 69,3% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt 8,1%, giảm 50,9% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch 6 tháng ước đạt 34.099 tỷ đồng, giảm 49,6% so với cùng kỳ.
Chưa có giai đoạn nào du lịch TP.HCM sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ như lúc này. Tương tự, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khách du lịch đạt 12,9 triệu lượt, giảm 51% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 10.300 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ.
Trong đó số khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm Đông ĐBSCL đạt 436.890 lượt, giảm 41,6% so với cùng kỳ; số lượt khách du lịch nội địa đạt 2,7 triệu lượt, giảm 48,3%. Số khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm Tây ĐBSCL chỉ đạt 289.814 lượt, không tăng không giảm so với năm ngoái, tương tự đối với khách du lịch nội địa (là 9,6 triệu lượt).
Các doanh nghiệp lữ hành phải chịu tác động kép - giảm khách và bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị huỷ. Ngành lữ hành bị tác động kéo theo sự khó khăn của các dịch vụ khác như vận chuyển, lưu trú… Ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó khả năng tự "chống chọi" khi có rủi ro thấp. Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm 95% đến 100% so với cùng kỳ năm nước. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa.
"Bật trở lại" mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới
Lần đầu tiên, liên kết du lịch vùng được chính quyền các địa phương ký kết thỏa thuận hợp tác, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong kết nối và tháo gỡ các khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Để tìm lối ra vực dậy ngành, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức Hội nghị kết nối chương trình kích cầu du lịch thành phố và các tỉnh, thành ĐBSCL nhằm đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa trong 6 tháng cuối năm 2020 với 3 chương trình du lịch: Những nẻo đường phù sa; Sắc màu vùng biên; Non nước hữu tình.
Các doanh nghiệp lữ hành của TP.HCM đã xây dựng 52 chương trình du lịch kích cầu từ thành phố đi đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Toàn bộ các chương trình này đều được chào bán và đăng công khai rộng rãi trên website kích cầu du lịch của Thành phố tại địa chỉ www.kichcaudulichtphcm.vn.
Trong 2 tháng (không dịch) của 6 tháng đầu năm, 5 doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã khai thác thành công các chương trình tour mới với 50.000 du khách từ TP. HCM đến ĐBSCL. Thời gian lưu trú của khách ở một số tỉnh, thành dài hơn. Liên kết cũng giúp thu hút được du khách từ miền Bắc và Trung vào với vùng ĐBSCL.
Tại buổi ký kết, ban tổ chức phối hợp tổ chức khoá bồi dưỡng cho 80 đại diện doanh nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước của 14 địa phương về phát triển sản phẩm du lịch địa phương, quản lý mô hình khách sạn nhỏ và homestay.
Bên cạnh đó, cần thiết xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung quảng bá giới thiệu du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, tổ chức khảo sát 3 tuyến du lịch kết nối TP và 13 tỉnh, thành và tọa đàm góp ý hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ du lịch để kết nối với các doanh nghiệp lữ hành.
Ngoài ra, các bên còn phối hợp xây dựng phim quảng bá du lịch chung 14 tỉnh, thành về liên kết phát triển du lịch vùng và triển khai chiến dịch lan toả phim quảng bá chính thức về du lịch vùng đến các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó là Hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch vào TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cùng 5 tỉnh Đông Nam Bộ.
Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL có vai trò đáng kể trong phát triển du lịch trở thành đòn bẩy kinh tế xã hội của các địa phương, và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tập trung phát triển du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới.