Trung Quốc đang hứng chịu mưa lũ lịch sử kéo dài gần 1 tháng khiến hàng triệu người dân điêu đứng, phần nào phản ánh mức độ ngày càng phức tạp và cực đoan của thiên tai trên toàn thế giới, đặc biệt trong năm 2020.
Ở Việt Nam, khi bước sang tháng 7, nhiều người lo ngại về tình hình mưa lũ, thiên tai do nửa cuối năm là thời điểm hoạt động của những hình thái cực đoan trên Biển Đông như áp thấp, áp thấp nhiệt đới và bão.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo Khí hậu (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết mùa bão năm nay đến muộn. Dù Biển Đông vừa đón bão số 1, nhưng bão số 2 khó có khả năng hình thành trong tháng 7.
Cuối tháng này, Biển Đông chỉ có thể xuất hiện các vùng nhiễu động gây mưa dông, gió giật trên biển; ít khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới.
"Đến tháng 8, xu hướng, tần suất bão và áp thấp nhiệt đới tăng lên. Chúng tôi nhận định bão xuất hiện dồn dập vào cuối năm, đặc biệt từ tháng 9 đến nửa đầu tháng 12", ông Hưởng thông tin.
Theo đó, 11-13 cơn bão có khả năng hình thành trên Biển Đông trong giai đoạn tháng 8 đến tháng 12, trong đó có 5-6 cơn tác động trực tiếp đến đất liền nước ta. Khu vực từ Trung Bộ xuống phía nam được dự báo là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Trưởng phòng dự báo Khí hậu lo ngại trong các tháng cuối năm, mưa lũ xuất hiện dồn dập ở Trung Bộ và các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của các hình thái trên Biển Đông. Đặc biệt, những cơn bão có khả năng ảnh hưởng liên tục đến các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ, gây hiện tượng lũ chồng lũ khi các đợt mưa lớn nối tiếp nhau.
Trong khi đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn từng đưa ra số liệu thống kê về các năm hạn nặng và lũ lớn trong khoảng 20 năm qua. Số liệu này đã cho thông tin ban đầu về diễn biến mùa lũ năm nay.
Cụ thể, các thông số ghi nhận được cho thấy mối liên hệ nhất định giữa các năm lũ lớn xuất hiện vào mùa lũ ngay sau năm có hạn hán nặng. Đặc biệt, trong 15-20 năm qua, cả nước xuất hiện 4 đợt hạn nặng với chu kỳ lặp lại khoảng 5 năm và sau đó đều xuất hiện lũ lớn diện rộng là các năm: 2006, 2010, 2016.
Với thống kê này, cơ quan khí tượng cho rằng có cơ sở để nhận định về tính phức tạp theo hướng lũ lớn trên các hệ thống sông trong mùa lũ năm nay và năm 2021.
Nhắc đến sự kiện mưa lũ lịch sử kéo dài gần 1 tháng đang tiếp diễn ở Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết đợt mưa này xảy ra do tác động của một dải mây tên là Front Mei-yu.
Theo nghiên cứu của các nhà khí tượng, dải mây này chủ yếu gây mưa cho khu vực phía đông và phía nam Trung Quốc, Nhật Bản; không ảnh hưởng đến Việt Nam.
Thời gian qua, nhiều người lo ngại việc đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử xả lũ có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết sông Dương Tử chảy ra khu vực biển giáp với Nhật Bản, cách rất xa Việt Nam.
"Do đó, người dân không cần lo ngại việc đập Tam Hiệp xả lũ có ảnh hưởng đến nước ta hay không", ông Hưởng nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng cho biết do độ ẩm trong bầu khí quyển luôn cân bằng, nên nếu mưa lớn ở nơi này thì nơi khác sẽ nóng. Có thể lấy ví dụ trong tháng 6, nếu như Trung Quốc mưa rất nhiều thì miền Bắc ở Việt Nam lại rất nóng. Do đó, mưa lớn cực đoan đang xảy ra tại Trung Quốc không tác động đến tình hình mưa lũ ở Việt Nam.
Hiện, nhiều nơi ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đang trải qua một đợt mưa lớn diện rộng kéo dài từ ngày 1/7 đến 5/7. Việc này xảy ra do tác động của rãnh áp thấp tây bắc - đông nam và hội tụ gió trên 5.000 m, không liên quan đến mưa lũ ở Trung Quốc.
Chuyên gia khí tượng dự báo đến giữa tháng 7, nắng nóng có khả năng quay lại Bắc Bộ và Trung Bộ. Tuy nhiên, cường độ nắng nóng trong những ngày này không quá gay gắt, cũng không kéo dài như những ngày tháng 6.
"Chúng tôi nhận định khoảng cuối tháng 7 sẽ có những đợt mưa rào và dông tái xuất hiện và nắng nóng giảm dần vào giai đoạn này", Trưởng phòng dự báo Khí hậu thông tin.
Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, tháng 7 vẫn là giai đoạn mùa mưa nên khu vực sẽ có nhiều ngày mưa dông trên diện rộng. Thời gian mưa tập trung vào chiều và tối.
Chuyên gia cũng cảnh báo khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có thể xảy ra hiện tượng lốc xoáy. Trong khi đó, mưa lớn vào chiều và tối có khả năng gây ra hiện tượng ngập úng cục bộ ở các thành phố lớn là Cần Thơ, TP.HCM và Bình Dương.