Báo Dân Việt vừa nhận được đơn tố cáo của người dân về việc ông Võ Văn Chính - Giám đốc Sở Tư pháp TP.Cần Thơ bổ nhiệm ông Lê Văn Hận giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước sai quy trình và không đủ chuẩn.
Theo đơn tố cáo, tháng 12/2018, ông Chính ký quyết định bổ nhiệm ông Hận giữ chức Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp. Tuy nhiên, thời điểm này, ông Hận vẫn là viên chức, chưa có quyết định của UBND TP.Cần Thơ tiếp nhận các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức.
Mãi đến 1 năm sau, tức là tháng 12/2019, UBND TP.Cần Thơ mới phê duyệt kết quả tiếp nhận 22 trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, trong đó có ông Hận. Sau đó, Sở Nội vụ mới ra thông báo bố trí ông Hận về Sở Tư pháp làm Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
"Như vậy, ông Chính đã bổ nhiệm ông Hận trước khi có văn bản của các cơ quan có thẩm quyền 1 năm. Trình tự bổ nhiệm này là sai theo quy định tại điểm 3, khoản 3, điều 1, thông tư 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ" - đơn tố cáo nêu.
Người tố cáo nói rõ thêm với phóng viên: "Theo thông tư 03/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ thì quy trình tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển đối với ông Hận được thực hiện phải đồng thời với quy trình công tác bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, chứ không phải làm trước 1 năm".
Theo công văn của Sở Nội vụ TP.Cần Thơ gửi Sở Tư pháp mà phóng viên có được, Sở Nội vụ đề nghị rất rõ, là sau khi tiếp nhận trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức đối với ông Hận, Sở Tư pháp bố trí, phân công ông làm Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, thực tế, ông Hận đã giữ chức vụ trên từ 1 năm trước.
Ở khía cạnh khác, theo người tố cáo, một trong những căn cứ để Sở Tư Pháp TP.Cần Thơ ra quyết định bổ nhiệm ông Hận làm Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là Quyết định số 20/2012/QĐ-UBND ngày 9/8/2012 của UBND TP.Cần Thơ (Quyết định số 20). Tuy nhiên, Sở Tư pháp đã không thực hiện đúng quy định tại quyết định này.
"Theo Quyết định số 20, thành phần lấy phiếu tín nhiệm phải là toàn thể công chức, viên chức tại phòng, ban nơi nhân sự dự kiến bổ nhiệm đang công tác. Tuy nhiên, Sở chỉ lấy phiếu tín nhiệm của các phó giám đốc trung tâm, các trưởng phòng và trưởng chi nhánh của trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, các chuyên viên không được mời tham dự" - người tố cáo nói.
Làm việc với phóng viên Dân Việt về vấn đề trên, ông Chính cho biết, mình bổ nhiệm đúng quy trình, việc UBND TP.Cần Thơ sau đó 1 năm mới ra quyết định phê duyệt tiếp nhận trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức đối với ông Hận, sau đó Sở Nội vụ mới ra thông báo tiếp nhận và bố trí về Sở Tư pháp là phần của lãnh đạo cấp trên.
"Khi chúng tôi làm (ý nói là Sở Tư pháp bổ nhiệm - PV) thì chúng tôi đã có văn bản gửi các cơ quan có liên quan, sau đó việc thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức là phần của lãnh đạo cấp trên (ý nói là lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ), tôi không thể hôm nay trình lên, kêu ngày mai chủ tịch ký được" - ông Chính nói.
Ông Chính còn cho rằng, việc bổ nhiệm ông Hận không phải theo các quyết định hay nghị định của Chính phủ mà nó còn gắn với nghị định, quyết định chuyên ngành về trợ giúp pháp lý, có rất nhiều văn bản điều chỉnh, chi phối.
Phóng viên Dân Việt đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Hoàng Ba - Giám đốc Sở Nội vụ TP.Cần Thơ để làm rõ hơn về quy trình bổ nhiệm trên. Tuy nhiên, ông Ba cho biết do bận họp nên chưa thể tiếp được.
Liên quan đến vụ việc trên, lãnh đạo Sở Tư pháp một tỉnh ở ĐBSCL cho biết, theo đúng quy trình, UBND tỉnh hoặc thành phố phải tiếp nhận rồi mới giao cho Sở Nội vụ phân công vị trí công tác. Việc Sở Tư pháp bổ nhiệm rồi 1 năm sau UBND tỉnh hoặc thành phố tiếp nhận, Sở Nội vụ mới phân công là "không đúng". "Sở Tư pháp bổ nhiệm hết rồi thì đi làm công tác tuyển dụng đặc biệt làm chi nữa, có thể đây là cách chữa cháy" - lãnh đạo Sở Tư pháp một tỉnh ở ĐBSCL nói.
Phóng viên Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.