Dân Việt

Lô nhôm Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt đi Mỹ: Chưa đủ căn cứ kết luận DN gian lận xuất xứ

Quang Dân 07/07/2020 06:30 GMT+7
Thông tin về vụ việc Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam bị hải quan Mỹ cho rằng gian lận xuất xứ C/O Việt Nam đối với hàng hóa là thép nhập từ Trung Quốc để xuất sang Mỹ trị giá 4,3 tỷ USD, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, cho biết chưa đủ căn cứ kết luận doanh nghiệp vi phạm.

Chiều 6/7, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động kiểm tra, điều tra phòng, chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu của ngành Hải quan.

Tại cuộc họp, trả lời báo chí về kết luận điều tra ban đầu vụ Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (Bà Rịa - Vũng Tàu) bị hải quan Mỹ cho rằng gian lận xuất xứ C/O Việt Nam đối với hàng hóa là thép nhập từ Trung Quốc để xuất sang Mỹ, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, cho biết, vụ việc ban đầu Thông qua đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Tập đoàn thép của Mỹ đã đề nghị Nhà nước Việt Nam phối hợp với công an Bà Rịa - Vũng Tàu để điều tra suốt từ năm 2017.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã thành lập lực lượng hỗn hợp của Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Điều tra sau thông quan, điều tra, xác minh lại vụ việc một lần nữa.

“Có thể nói đến giờ phút này, chúng tôi đã kết thúc quá trình điều tra, vấn đề vi phạm về xuất xứ hàng hoá của DN này chưa đủ căn cứ kết luận DN vi phạm”, ông Lộc khẳng định.

Vụ kho nhôm 4,3 tỷ USD 'đội lốt' đi Mỹ: Chưa đủ căn cứ kết luận DN gian lận xuất xứ - Ảnh 1.

Số nhôm trị giá hàng tỷ USD đang được lưu giữ tại Việt Nam.

Ông Lộc thông tin thêm, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu nhập khẩu nhôm, thậm chí nhôm thành phẩm (nhôm định hình) vào Việt Nam để sản xuất ra hàng xuất khẩu nhưng các nhôm này do điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa thích hợp để xuất sang Mỹ. Do đó DN thực hiện sản xuất lại.

Thành phẩm của công đoạn sản xuất này là nguyên liệu của công đoạn sản xuất khác và vì thế trong quá trình chuyển đổi đó, họ đáp ứng được chuyển đổi mã số. Với nội dụng này, với tinh thần thận trọng, khẩn trương, đoàn kiểm tra kết luận không đủ căn cứ kết luận DN vi phạm (vi phạm gian lận xuất xứ Việt Nam).

“Sắp tới sẽ có báo cáo lên Tổng cục Hải quan để Tổng cục Hải quan thông tin với Hải quan Mỹ về vụ việc.” ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, về một số vấn đề vi phạm khác của doanh nghiệp, ví dụ như doanh nghiệp có bán một số thành phẩm theo chỉ định của khách hàng nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam.

"Cơ quan hải quan vất vả để điều tra nội dung này, theo quy định, hàng hóa của doanh nghiệp xuất bán trên thị trường nội địa doanh nghiệp phải mở tờ khai đối ứng và phải thu thuế. Tuy nhiên, họ không bán trong nội địa, nếu bán cơ quan hải quan sẽ vào cuộc", ông Lộc nói.

Trước đây có thông tin DN tồn nhôm ước tính 4,3 tỷ USD, tuy nhiên theo ước tính của cơ quan hải quan, tổng số nhôm ước tính phải 5 tỷ USD. Đây là nhôm dự trữ để DN sản xuất, theo báo cáo tài chính của DN, do khó khăn của DN xuất khẩu đi bắc Mỹ. 

"Khi tìm hiểu, cơ quan hải quan Mỹ thấy công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu vi phạm Luật Cạnh tranh của phía họ nên đã áp đặt mức thuế cao đối với cả công ty này chứ không chỉ nhắm vào mặt hàng thép", ông Lộc cho hay.

Trước đó, thông tin tại cuộc họp liên ngành với các cơ quan chức năng ngày 28/10/2019, Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết lực lượng hải quan đã phát hiện và bắt giữ lô hàng nhôm trị giá khoảng 4,3 tỷ USD có dấu hiệu giả mạo xuất xứ tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo tiết lộ của Hải quan cũng như báo giới Mỹ, công ty có liên quan trực tiếp đến số nhôm này là Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu, có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cuối năm 2016, báo Mỹ là The Wall Street Journal đã có cuộc điều tra về số nhôm nói trên và xác định đứng đằng sau dự án trên là Tập đoàn lớn về nhôm của Trung Quốc có tên là China Zhongwang.

Đây là công ty do tỷ phú nhôm Trung Quốc Liu Zhongtian đứng sau. Tại Việt Nam, theo điều tra của The Wall Street Journal, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu do hai người mang quốc tịch Úc (gốc Trung Quốc) là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong góp vốn làm chủ đầu tư.

Được biết, đây là dự án sản xuất nhôm được cấp phép từ năm 2011, có thời hạn 37 năm, công suất hơn 200.000 tấn/năm, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Số vốn mà hai cá nhân trên đứng ra thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam là gần 5.000 tỷ đồng.

Theo điều tra năm 2016 của báo Mỹ nói trên, hơn 500.000 tấn nhôm đùn, nguyên liệu để sản xuất nhôm đã được chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Việt Nam, có liên quan tới doanh nghiệp này.

Theo báo The Wall Street Journal, sau khi bị Mỹ áp thuế cao đối với nhôm Trung Quốc, phía doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm mọi cách để bí mật chuyển hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia như Việt Nam và Mexico để tẩy xuất xứ nhằm né thuế.

Mức thuế mà Mỹ đánh vào nhôm Trung Quốc theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết là hơn 374%, trong khi đó nhôm Việt Nam vào Mỹ chỉ phải chịu mức thuế 15%, thuế chênh gần 25 lần. Thực tế, ngay sau khi phát hiện vụ việc, hải quan Việt Nam đã thông báo với hải quan Mỹ, Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng đến Việt Nam để điều tra vụ việc nói trên.