Dân Việt

Tình trạng hàng Trung Quốc “đột lốt” Việt Nam vẫn “nóng”

Thanh Phong 07/07/2020 15:03 GMT+7
Mới đây, lực lượng Hải Quan đã tịch thu gần 3.600 xe đạp Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ. Sự việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng hàng hóa Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan.

Cụ thể, vừa qua, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải Quan) phối hợp với Hải Quan Bình Dương kiểm tra các doanh nghiệp (DN) lắp ráp xe đạp xuất khẩu sang Mỹ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện 4 DN lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu đi Mỹ đều vi phạm xuất xứ hàng hóa.

Theo đó, các thức các DN này sử dụng là nhập khẩu đầy đủ các bộ phận, linh kiện của xe đạp, xe đạp điện ở dạng chưa lắp ráp (hoặc tháo rời) về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh.

"Các bộ phận, linh kiện nhập khẩu không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào khác hoặc chỉ trải qua các công đoạn gia công đơn giản không làm thay đổi bản chất hàng hóa.

Sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh không đủ điều kiện đạt xuất xứ "Việt Nam" theo tiêu chí chuyển đổi mã số (CTC, CTSH) và tiêu chí phần trăm của trị giá (LVC) theo quy định tại Nghị định số 31/2018 và Thông tư số 05/2018 của Bộ Công Thương", đại diện Tổng cục Hải quan thông tin.

Tình trạng hàng Trung Quốc “đột lốt” Việt Nam vẫn “nóng” - Ảnh 1.

Kho xe đạp Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu Mỹ bị phát hiện thời gian vừa qua.

Sau quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp là tang vật vi phạm, truy thu hơn 33 tỷ đồng.

Điều đáng nói, hiện tượng hàng Trung Quốc "đột lốt" xuất xứ Việt Nam không mới. Thực trạng này gây tổn hại tới nền kinh tế, suy giảm uy tín của sản phẩm, thương hiệu "Made in Viet Nam".

Theo lý giải từ phía Tổng cục Hải quan, sở dĩ tình trạng trên vẫn còn tiếp diễn và có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn là do, một số DN gian lận để hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu.

Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia trên thế giới. Qua đó, hàng hóa với xuất xứ Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan.

Bên cạnh đó, từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt bổ sung các mức thuế (gồm thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp xuất khẩu) với nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Theo đó, mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc từ 7,5% – 285% tùy theo từng mặt hàng dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa từ Việt Nam và hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Do tình trạng bị hàng Trung Quốc "đột lốt", nhiều ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch tăng đột biến như đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ gỗ nội thất,…

Nói về phương án ứng phó với tình trạng trên, ông Trần Mạnh Cường, Cục phó Cục Kiểm tra sau thông quan cho hay, vấn đề căn bản cần làm là nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của DN để ngăn chặn từ xa các hành vi vi phạm.

Qua đó, ngăn chặn tình trạng lợi dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với các nước, đặc biệt là Mỹ. Tránh tình trạng vi phạm các cam kết quốc tế, dẫn tới mất uy tín với các thị trường lớn. Nghiêm trọng hơn, nếu không kiểm soát tốt, hàng hóa xuất xứ Việt Nam có thể bị áp dụng một số biện pháp trừng phạt từ các nước nhập khẩu.