Dân Việt

Dịch bạch hầu bùng phát tại Tây Nguyên: Khoảng trống trong tiêm chủng

Theo Bộ Y tế, từ tháng 6/2020 đến nay, Tây Nguyên (bao gồm các tỉnh Đăk Nông, Kon Tum, Gia Lai) đã ghi nhận 31 ca bệnh bạch hầu, trong đó 3 ca tử vong. Theo điều tra dịch tễ, hầu hết các ca mắc bệnh đều không tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu hoặc quên mũi nhắc lại.

Bệnh lây lan nhanh, nguy hiểm

Ngày 5/7 vừa qua, bệnh nhi V (4 tuổi, trú tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) đã tử vong vì bệnh bạch hầu. Gia đình cho biết, sau khi đi thăm người thân trở về nhà ngày 28/6, bé V bị sốt, ho, đau họng. Gia đình mua thuốc cảm thông thường cho con uống nhưng không đỡ. Khi thấy bé quá nặng, sáng 3/7, gia đình mới đưa bé V đến Trung tâm Y tế huyện Đăk Đoa khám và điều trị, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Gia Lai. Tuy nhiên, bệnh nhi V đã không qua khỏi.

Chẩn đoán cho thấy, bệnh nhi bị bệnh bạch hầu thanh quản ác tính, biến chứng đa phủ tạng. Người nhà cho biết, bệnh nhi V đã tiêm đủ 3 mũi Quinvaxem 5 trong 1 (có thành phần ngừa bệnh bạch hầu), sau đó nhắc lại mũi 4 khi 18 tháng tuổi.

Dịch bạch hầu bùng phát tại Tây Nguyên: Khoảng trống trong tiêm chủng - Ảnh 1.

Các tỉnh Tây Nguyên lập các chốt kiểm tra để ngăn chặn bạch hầu. Đ.V – LĐ

Trước đó, hai bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) là S.T.H (nữ, 9 tuổi) và G.A.P (nam, 13 tuổi) cùng ngụ tại tỉnh Đăk Nông cũng tử vong vì bệnh bạch hầu ác tính. Hai ca tử vong đều không tiêm vaccine phòng bạch hầu.

Chia sẻ về nguy hiểm của bệnh bạch hầu. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Vi khuẩn này tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Vì khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

"Biểu hiện của người mắc bệnh bạch hầu rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản như sốt nhẹ, ho, chảy nước mũi, đau họng. Hơn nữa, do đa số trẻ đã được tiêm phòng, bệnh bạch hầu hiếm gặp nên có thể ít người sẽ nghĩ đến việc trẻ mắc bệnh bạch hầu, chủ quan không đưa con đi khám hoặc tự mua thuốc về điều trị cho con. Do đó, không ít trường hợp khi cha mẹ tự cho con uống kháng sinh, thuốc cảm cúm mãi không khỏi mới đưa con đi viện thì đã muộn"- PGS Dũng nói.

PGS Dũng cũng cho biết, bệnh bạch hầu nguy hiểm vì dễ gặp các biến chứng khó lường, cấp tính. Thứ nhất là gây khó thở khi các giả mạc bạch hầu bám chặt vào các tổ chức viêm như hầu, họng, thanh quản, gây khó thở. Nếu không được cấp cứu kịp thời, các giả mạc có thể bít chặt đường thở khiến bệnh nhân tử vong. Biến chứng thứ 2 còn nguy hiểm hơn là vi khuẩn gây viêm cơ tim, làm rối loạn nhịp tim khiến trẻ tử vong rất nhanh, cấp cứu rất khó khăn.

"Hiện nay, hầu hết mọi người đã được tiêm phòng vaccine bạch hầu nên kháng thể của mọi người rất cao. Nếu như vì lý do nào đó em bé chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ và nhiễm bệnh sẽ rất nguy hiểm, vì kháng thể của em bé đó yếu, vi khuẩn có độc tố cao sẽ rất dễ gây biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng"- PGS Dũng chia sẻ.

Dịch bùng phát ở nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong thời gian từ tháng 6 đến nay, dịch bạch hầu đã xuất hiện tại 3 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai (10 ca, trong đó có 1 tử vong), Kon Tum (19 ca) và Đăk Nông (có 2 ca tử vong), ngoài ra TP.HCM có 1 ca.

Ông Võ Văn Thanh - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, từ đầu năm đến Kon Tum phát hiện 10 ổ dịch bạch hầu, với 23 ca dương tính (tháng 6 có 19 ca), không có trường hợp tử vong. Ông Thanh cho biết, nguyên nhân khiến bệnh bạch hầu khởi phát ở một số địa phương là do một bộ phận người dân chưa được tiêm chủng vaccine bạch hầu, đặc biệt là những người dân ở vùng xa, vùng khó khăn. Hơn nữa, miễn dịch của vaccine bạch hầu có giới hạn duy trì được 10 năm và giảm dần theo thời gian nếu không được tiêm bổ sung. Ngoài ra, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, ý thức chăm sóc sức khỏe và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế còn hạn chế... cũng là một nguyên nhân quan trọng.

"Cha mẹ khi thấy con chưa được tiêm phòng vaccine bạch hầu, mà lại có hiện tượng viêm họng, mũi, thanh quản, họng đỏ, nuốt đau, da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ thì phải đưa con đi khám ngay, đồng thời khai báo tiền sử bệnh với bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời".

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng

Còn tại Đăk Nông, điều tra dịch tễ các trường hợp mắc bệnh bạch hầu thời gian qua cho thấy, bệnh đã xuất hiện ở nhiều trường hợp trẻ trong độ tuổi vừa bước qua tuổi tiêm chủng mũi bạch hầu. Trong khi đó, nếu những trẻ này được tiêm chủng chắc chắn sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh.

Theo Bộ Y tế cho biết, từ năm 2019, các ca bạch hầu có dấu hiệu gia tăng. Các tỉnh xảy ra dịch bạch hầu đều là các vùng có tỷ lệ tiêm phòng mũi vaccine 5 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Hib gây ra) thấp. Theo Cục Y tế dự phòng, khu vực có ổ dịch tại Đăk Nông có tỷ lệ tiêm chủng thấp chỉ 48-52% trẻ trong độ tuổi tiêm phòng được tiêm.

TS Đặng Thị Thanh Huyền-Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng quốc gia cho biết, thời gian gần đây bệnh bạch hầu đã có dấu hiệu tăng lên; riêng trong năm 2019, Việt Nam cũng đã ghi nhận 50 trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở 7 tỉnh, thành. Dự kiến trong năm nay sẽ còn ghi nhận thêm các ca bạch hầu lẻ tẻ ở các địa phương. Theo TS Huyền, điều tra ở các ca bệnh bạch hầu cho thấy, hầu hết các ca mắc là những trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên cũng có ca đã tiêm 3-4 mũi những vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là do các trường hợp này sau một thời gian, miễn dịch đã giảm xuống.

"Năm 2019 tỷ lệ tiêm chủng vaccine 5 trong 1 (có chứa thành phần bạch hầu) bị ảnh hưởng và nhóm những người ở độ tuổi lớn có thể chưa tiêm vaccine trước đây hoặc đã tiêm nhưng quá lâu nên khả năng miễn dịch đã giảm xuống. Vì vậy tỷ lệ mắc bệnh ở những người lớn đang có dấu hiệu tăng lên"- TS Huyền phân tích.