Chị K.T đã có thời gian dài đằng đẵng đầy đau đớn, mệt mỏi để "tìm kiếm" một đứa con. Chị cho biết, vợ chồng sinh kết hôn từ tháng 3/2012, chồng chị là bộ đội biên phòng bảo vệ biên giới ở Lào Cai. 5 năm đầu kết hôn, chị đã 4 lần mang thai nhưng thai cứ đến tuần thứ 6, thứ 8 thì bị thai lưu.
Hai vợ chồng đã xuống Hà Nội, tìm hết bệnh viện nọ, cơ sở y tế kia để tìm nguyên nhân, cố sinh một đứa con. Kết quả chẩn đoán, bác sĩ cho biết chị K.T có nhân xơ trong tử cong nên đã ảnh hưởng đến quá trình thụ thai.
Đến cuối năm 2019, chị K.T làm thụ tinh ống nghiệm, đã mang thai nhưng chưa kịp vui mừng thì thai lại ngoài tử cung, phải mổ xử lý. Cùng đó, phát hiện khối u trong tử cung đã rất lớn nên bác sĩ chỉ định mổ và cắt toàn bộ tử cung. Nhưng chị K.T không muốn vì nếu cắt bỏ tử cung có nghĩa cả đời này chị không thể mang thai, làm mẹ.
Chần chừ mãi nhưng cũng không thể để trong người khối u quá lớn, với hy vọng "còn nước còn tát", tháng 5/2020, hai vợ chồng quyết định về Hà Nội tới Bệnh viện Phụ sản Thiện An để khám và điều trị vô sinh.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương – Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, chuyên gia cao cấp tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An đã trực tiếp thăm khám và điều trị cho chị T.
Sau khi siêu âm, phát hiện khối lạc nội mạc tử cung nằm ở thành sau cơ tử cung. GS Tiến quyết định phẫu thuật khối u xơ tử cung bằng phương pháp mổ mở. Đồng thời, GS Tiến cũng cho biết, u xơ tử cung chính là nguyên nhân gây ra tình trạng sảy thai, thai chết lưu của chị T.
Theo GS Tiến, ca mổ của chị T đã thành công tốt đẹp, khối u lấy ra nặng chừng 100gram. Đồng thời, tử cung của chị T không hề bị ảnh hưởng "đẹp như thuở ban đầu" chưa có khối u. 6 tháng sau mổ, chị T sẽ được kiểm tra và thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Với tử cung không có khối u, chị T sẽ tránh được nguy cơ thai chết lưu trong lần mang thai tới.
Hiện nay, tỷ lệ vô sinh đang gia tăng. Vô sinh do rất nhiều nguyên nhân, vô sinh do cả vợ, cả chồng. Không ít trường hợp hai vợ chồng lấy nhau không có con, đến khi ly hôn, dựng vợ gả chồng với người khác lại có con. Hiện nay, vô sinh do nữ chiếm khoảng hơn 40%, vô sinh do nam giới chiếm khoảng hơn 40% còn 20% còn lại vô sinh do cả nam và nữ.
"Muốn điều trị vô sinh cho bệnh nhân cần phải tìm được căn cơ nguyên nhân gây vô sinh. Nếu vô sinh do: viêm nhiễm, tắc ống dẫn trứng, bất thường cơ quan sinh sản (có vách ngăn tử cung)... thì cần phải phẫu thuật để khắc phục nguyên nhân này thì bệnh nhân sẽ có con tự nhiên", GS Tiến khẳng định.
Theo GS Tiến, điều trị vô sinh hiếm muộn có nhiều biện pháp, chọn phương pháp nào phù hợp sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây vô sinh. Với một số trường hợp vô sinh ở các cặp vợ chồng có thể áp dụng cả phẫu thuật và thụ tinh trong ống nghiệm. Rất nhiều bệnh nhân làm thụ tinh trong ống nghiệm không thành công nhưng sau đó mổ nội soi thì bệnh nhân lại có thai tự nhiên.
"Không phải trong trường hợp vô sinh nào cũng cần thụ tinh ống nghiệm. Tôi cũng đã gặp nhiều cặp vợ chồng nóng lòng sốt ruột, mới 6 tháng 1 năm chưa có con đã vội đi làm thụ tinh ống nghiệm mà không tìm hiểu nguyên nhân. Điều này là sai lầm", GS Tiến khuyến cáo.