Cú ra tay của HLV Hứa Hiền Vinh đã khiến làng túc cầu chao đảo. Có lẽ, ít người dám nghĩ đến kịch bản nhà cầm quân này "ra đòn" với một cầu thủ ngay trong trận đấu, trước ngàn vạn con mắt. Và càng đáng nói hơn, cầu thủ khiến nhà cầm quân này không kiềm chế nổi bản thân lại là một học trò cũ, một cầu thủ lớn lên dưới mái nhà PVF, do chính các ông thầy của đội bóng này ngày đêm đào tạo.
Có rất nhiều những ý kiến sau hành động rất đáng quên của HLV Hứa Hiền Vinh. Thậm chí, trên mạng đã nổi lên một cuộc tranh luận giữa một bên là những người cho rằng ông Vinh vi phạm “đạo làm thầy” và một bên tỏ ra thông cảm, phải dạy dỗ đứa học trò ngang ngược.
Nhưng, chẳng cuộc tranh luận nào đi đến hồi kết. Chẳng có ai chiến thắng trong những cuộc cãi vã bởi mỗi bên có hàng vạn lý do để bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng, những cuộc tranh luận ấy lại dẫn đến một thất bại cay đắng. Đó là thất bại về hình ảnh một ông thầy, một học trò, một đội bóng và đi xa hơn nữa là những giá trị căn bản trong cuộc sống khi những quan niệm mà chúng ta mặc nhiên là đúng đang bị vi phạm.
Tôi cho rằng, sự cố mà ông Vinh và cả cậu học trò Văn Huy vừa trải qua là bài học đau đớn. Cho chính họ. Cho bóng đá. Cổ nhân từng dạy: “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, hay “xấu chàng thì hổ ai”, “thượng bất chính thì hạ tắc loạn”… Bạn không thể lấy một cái sai để xử lý một cái sai. Bạn không thể vi phạm những nguyên tắc về đạo đức dù nhân danh đạo đức. Bạn cũng chẳng thể đổ lỗi cho người khác làm nảy sinh những cái sai của mình.
Tôi nghĩ, hơn ai hết, HLV Hứa Hiền Vinh có cảm giác mất mát sau những gì đã xảy ra. Đó là bài học đắt giá trong hành trình nhà cầm quân này tiến vào sân chơi chuyên nghiệp. Nhưng, đẩy cao vấn đề, bi kịch hóa một sự cố trong bóng đá cũng không phải là việc nên làm. Bóng đá là sự ganh đua. Bóng đá có cả tiểu xảo. Bóng đá mà ở đây, một quý ông có thể bị biến thành gã khờ, một người hùng nhanh chóng sắm vai tội đồ và người ta chấp nhận nó như là một phần tất yếu trong cuộc chơi này. Vấn đề là bạn thích ứng với thất bại đó như thế nào? Bạn có đủ bản lĩnh để chấp nhận thực tại, chấp nhận sai lầm và tìm cách sửa chữa, hoàn thiện bản thân.
Tôi cho rằng, cách mà HLV Hứa Hiền Vinh xử lý khủng hoảng truyền thông không thể tốt hơn. Xin lỗi công luận vì hành động lệch chuẩn của mình. Xin lỗi học trò bởi lấy cái sai ứng phó cái sai. Xin lỗi đội bóng, bởi sự bột phát của bản thân đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh mà họ đã dày công gây dựng. Không ai đánh kẻ chạy lại. Bạn chẳng kém đi nếu biết mình sai và sửa chữa. Mỗi thất bại là một bài học. Mỗi sai lầm là cơ hội để nhận diện bản thân. Vậy nên, những chuyện buồn, nếu có, hãy khép lại để ngày vui sớm đến. Bóng đá là cuộc chơi mà người ta chỉ nhớ đến chiến thắng.