Như Dân Việt đưa tin, vào khoảng 8h sáng 8/7, tổ tuần tra kiểm soát Đội CSGT số 4 (Công an TP. Hà Nội) làm nhiệm vụ tại ngã tư Giải Phóng - Trường Chinh, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân.
Lúc này, lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô mang BKS 90A- 071.35 do tài xế L.X.H (SN 1984, quê ở Hà Nam) có hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư này.
Trung úy Vũ Văn Quang đã ra hiệu lệnh kiểm tra hành chính, anh H. đã chấp hành. Tuy nhiên, khi xe ô tô vừa dừng lại thì anh H. vội tăng ga cho xe lao thẳng vào người Trung úy Quang và bỏ chạy.
Trong quá trình tài xế H. tăng ga bỏ chạy đã kéo lê Trung úy Quang hàng chục mét trên mặt đường nhựa. Hậu quả khiến chiến sĩ CSGT bị rách cảnh phục, xây sát và chấn thương ở phần lưng, bả vai.
Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho biết, hành vi vượt đèn đỏ, tăng ga bỏ chạy khi thấy hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông là hành vi bất chấp, coi thường pháp luật của tài xế lái xe ô tô.
Đặc biệt, việc lái xe tông trúng và kéo lê cán bộ cảnh sát giao thông khiến cán bộ này bị thương nghiêm trọng là hành vi đáng lên án, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Hành vi này hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của người thi hành công vụ.
Do vậy, luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc này cơ quan điều tra cần nhanh chóng vào cuộc, điều tra, làm rõ hành vi của lái xe gây ra vụ việc để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Theo đó, cần làm rõ hành vi, khả năng quan sát, nhận thức, mục đích của lái xe ô tô, làm rõ hậu quả và các yếu tố khác để xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm, để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Đối với vụ việc nêu trên, trường hợp nếu lái xe quan sát thấy cán bộ cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe nhưng lại có hành vi cố tình tăng ga để tông trực diện vào cán bộ này, bỏ mặc hậu quả xảy ra thì hành vi này có dấu hiệu của tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Còn trong trường hợp lái xe nêu trên không quan sát thấy vị trí của người thi hành công vụ, tăng ga nhằm mục đích bỏ chạy nhưng gây hậu quả thương tích cho người thi hành công vụ thì hành vi này sẽ bị xem xét và xử lý về tội "Chống người thi hành công vụ" theo Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Mức xử phạt cao nhất của tội danh này có thể lên tới 7 năm tù.
Ngoài trách nhiệm bị truy cứu hình sự, lái xe còn có thể phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015, bao gồm tổn thất do sức khỏe, tính mạng bị xâm hại...
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm (Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội) cho biết thêm, hành vi của lái xe ô tô là cực kỳ nguy hiểm, có thể tước đoạt tính mạng của người khác, gây nguy hiểm cho bản thân lái xe và những người xung quanh.
Qua những vụ việc này, các cơ quan chức năng cần xử lý kịp thời, nghiêm minh để răn đe, giảm bớt những vụ việc thể hiện tính chất manh động cao độ đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Ông Quỹ khuyến cáo lái xe, dù trong bất cứ trường hợp nào cũng không tăng ga bỏ chạy. Bởi việc bỏ chạy sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc, thậm chí lái xe có thể phải ngồi tù.
Lái xe hãy tuân thủ luật giao thông đường bộ, dừng xe khi nhận được tín hiệu dừng xe của lực lượng chức năng. Trường hợp, lái xe không nhất trí với các lỗi vi phạm có thể khiếu nại gửi tới cơ quan chức năng.
Vụ ô tô kéo lê CSGT trên đường: Có dấu hiệu chống người thi hành công vụ
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 2 người trở lên.
b) Giết người dưới 16 tuổi.
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai.
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình.
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác.
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân.
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ.
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp.
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người.
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê.
n) Có tính chất côn đồ.
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm.
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức.
b) Phạm tội 2 lần trở lên.
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên.
đ) Tái phạm nguy hiểm.