Dân Việt

TP.HCM: Sẽ có 2.299 cán bộ dôi dư phải nghỉ việc từ đầu tháng 8

Bạch Dương 10/07/2020 11:44 GMT+7
Theo tờ trình của UBND TP.HCM gửi HĐND tại kỳ họp 20 HĐND TP.HCM khóa IX, tính đến tháng 12/2019, số lượng người làm việc không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn là 6.787 người.
Đến 1/8, 2.300 cán bộ dôi dư của TP.HCM phải nghỉ việc - Ảnh 1.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại Kỳ họp 20 HĐND TP.HCM khóa IX.

Trong khi đó, với đề án sắp xếp cán bộ không chuyên trách theo Nghị định 34/2019 của Chính phủ, TP.HCM dôi dư 2.299 người. Tuy nhiên, Chính phủ không quy định giải quyết chế độ đối với những trường hợp này.

"Việc giải quyết sắp xếp bộ máy nhưng không xây dựng chế độ, chính sách hỗ trợ sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người hoạt động không chuyên trách và có thể tác động gây mất ổn định trong hệ thống chính trị", tờ trình nêu.

Cán bộ không chuyên trách cấp xã, theo Nghị định 121, gồm: Phó công an (nơi chưa có lực lượng công an chính quy); phó chỉ huy trưởng quân sự; cán bộ lao động - thương binh và xã hội; cán bộ dân số - gia đình và trẻ em; thủ quỹ - văn thư - lưu trữ; cán bộ quản lý nhà văn hóa; phó chủ tịch Ủy ban MTTQ; chủ tịch Hội người cao tuổi; chủ tịch Hội chữ thập đỏ...

UBND thành phố cho rằng, cán bộ không chuyên trách có cường độ làm việc không khác biệt so với cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn. Vì vậy, thành phố đề nghị hỗ trợ mỗi người cứ một năm công tác được 1,5 tháng tiền lương theo trình độ chuyên môn lúc thôi việc. Dự kiến, khoảng 120 tỷ đồng được chi trả chế độ cho 2.299 người (tính bình quân số năm công tác là 10 năm/người).

Theo Sở Nội vụ, việc thực hiện Nghị định 34 là một áp lực rất lớn, một khó khăn đối với bộ máy chính quyền phường, xã, thị trấn trên địa bàn, nhất là những quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao, số dân cư lớn. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng theo chủ trương chung.

ĐB Huỳnh Đặng Hà Tuyên góp ý, dự kiến thời gian áp dụng từ ngày 1/8, chỉ chưa đầy một tháng nữa triển khai là rất đột ngột, áp lực; số lượng cán bộ không chuyên trách còn lại rất khó đảm đương công việc vốn đã quá tải. ĐB Hà Tuyên đề nghị cần có lộ trình thực hiện việc sắp xếp, bố trí cho phù hợp với tình hình địa phương.

Đồng tình với ý kiến này, ĐB Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng: "Cần có phương án, lộ trình cụ thể, ai giảm, giảm thời gian nào? Nếu giảm một lúc 2.300 người, hòa tổng chung với cả trăm ngàn người lao động mất việc vì dịch Covid-19, thì đây quả thật là vấn đề xã hội cần được quan tâm".