Vụ điều tra khám phá vụ án giết người, cướp tài sản vô cùng dã man, tàn bạo tại hiệu vàng Vĩnh Tường ở nhà số 33 phố La-Côm (phố Hoàng Văn Thụ ngày nay) là chiến công này đã được ghi trong biên niên sử của CAND Việt Nam.
VỤ THẢM SÁT MAN RỢ
Sáng sớm 4/8/1946, chuông điện thoại tại Ty Công an Hải Phòng đổ dồn, cấp báo: Đêm qua, tại hiệu vàng Vĩnh Tường do ông Nguyễn Thế Toàn (45 tuổi) làm chủ hiệu ở nhà số 33 phố La-Côm đã xảy ra 1 vụ giết người, cướp của. Lập tức, các nhân viên Ban Trật tự - tư pháp Ty Công an Hải Phòng xuống ngay hiện trường, tiến hành mở cuộc điều tra.
Ông Nguyễn Thế Toàn-một nhà buôn lớn. Nhà ông nằm giữa phố La-Côm, bên phải có ngõ nhỏ sát 1 hiệu giày, bên trái là hiệu may Tân Tân. Toàn bộ hàng hóa trưng bày gồm các đồ vàng, bạc, các hàng thêu, hàng len dạ đều bị bọn cướp lấy đi hết. Cẩn trọng tiến hành vẽ sơ đồ, chụp ảnh hiện trường, các nhà chức trách còn thu được các dấu vết vân tay nghi bọn cướp để lại trên các hộp sơn mài đựng đồ vàng bạc.
Vừa bước chân vào cửa, ở buồng 1 bên trái (theo lối đi vào), các nhà chức trách giật mình trước xác cháu bé tên Mẫn (con út ông Toàn) mới 9 tháng tuổi. Cháu bị nhiều nhát dao đâm. Cháu bé đã phải chết một cách bi thảm dưới lưỡi dao tàn bạo của bọn sát nhân khiến những người chứng kiến cuộc khám nghiệm đã không cầm được nước mắt.
Bước sang buồng bên phải (buồng số 3), mắt mọi người như tối sầm lại. Tất cả sững sờ đau xót và căm giận khi thấy xác của 9 người chồng lên nhau. Bác sỹ Tín, Giám đốc Nhà thương Hải Phòng được trưng tập làm nhiệm vụ khám nghiệm tử thi cho biết: Người bị đâm ít nhất là 5 nhát dao…
NHỮNG KẺ MẶT NGƯỜI DẠ THÚ
Những nhân chứng cho biết: chiều 3/8/1946, ông Vĩnh Tường (tức ông Toàn) có mua được một số hàng từ tàu Mác-ty về. Chẳng hiểu quá trình vận chuyển số tài sản trên đã lọt vào mắt bọn lưu mạnh, côn đồ nào chăng?
Cũng cần nhắc lại, thời điểm tháng 8/1946, tình hình Hải Phòng cũng như cả nước đang cực kỳ rối ren, thù trong giặc ngoài. Nhưng lực lượng cách mạng kiên quyết giữ vững mặt bằng trật tự an toàn xã hội, ổn định cuộc sống thường nhật cho quần chúng nhân dân nên tất cả mọi tội ác đều phải được phanh phui, vạch trần.
Trong bối cảnh cực kỳ phức tạp như vậy, Công an Hải Phòng đã tổ chức các biện pháp điều tra và cơ bản nắm được cốt lõi sự việc của vụ án. Có thể tóm tắt như sau: Biết gia đình ông Nguyễn Thế Toàn - chủ cửa hiệu vàng Vĩnh Tường giàu có, chiều hôm đó lại mới mua thêm hàng hóa nên một số kẻ đang là binh sỹ quân đội Pháp nhòm ngó, lập kế hoạch cướp bóc.
Khoảng 8 giờ tối 3/8, có 1 chiếc xe cam-nhông (loại xe vận tải của quân đội Pháp) đến đỗ trước cửa hiệu vàng Vĩnh Tường. Khi xe tắt máy, một người Pháp bước xuống băng ngang đường rồi xộc thẳng vào cửa hiệu Vĩnh Tường và đóng sập ngay cửa lại. Bà con hàng phố ít ai chú ý đến sự kiện này, vì từ trước tới nay trong việc giao dịch với khách, ông Vĩnh Tường vẫn kín đáo như thế. Vả lại thời buổi loạn lạc này, cố thủ trong nhà là trên hết!
Tuy vậy, chừng nửa giờ sau có người nhìn thấy 4 người mặc áo màu vàng, quần soóc (sắc phục của quân đội Pháp) đi chân tay không nhưng trong người hình như đều thủ dao, mác đẩy sập cửa vào nhà ông Vĩnh Tường. Không nghi ngờ gì nữa, đấy chính là bọn cướp! Cô Sen - người ở trong nhà mới 22 tuổi là nhân chứng sót lại của vụ thảm sát trên nhớ lại:
Khi bọn cướp ập vào, trong nhà có 13 người: ông Vĩnh Tường và vợ con ông gồm 9 người, 2 người ở và 2 người bạn của ông Vĩnh Tường là bà Xuân và ông Di vừa từ Hà Nội xuống chơi. Vừa khống chế cả gia đình, bọn chúng cử 2 tên xộc vào buồng ông Vĩnh Tường dẫn ông ra quầy để lấy chìa khóa rồi đẩy vào buồng bên phải (buồng số 3). Còn cả nhà bị 2 tên giơ súng đe dọa dồn vào buồng số 1. Lát sau, mọi người thấy ông Vĩnh Tường kêu thất thanh. Nhân lúc tên gác cổng xách súng chạy vào buồng số 3, cô Sen liền dắt 2 cháu nhỏ chạy xuống bếp , chui vào chiếc bệ bằng xi-măng, kéo mấy chiếc chậu, thùng và tấm tôn che lại.
Sau đó là cuộc tàn sát 9 mạng người của bọn sát nhân. Hành vi giết người tàn bạo dã man như vậy, diễn ra trong suốt 2-3 giờ mà nạn nhân không ai kêu cứu là cớ làm sao? Rất có thể bọn cướp sau khi dồn mọi người ra buồng số 1, sau đó đưa từng nạn nhân sang buồng số 3 để đầu độc họ bằng một loại thuốc mê cực mạnh rồi mới ra tay sát hại. Đến 11 giờ đêm, cô Sen mới nghe có nhiều tiếng giầy lộp cộp đi ra ngoài ngõ. Cho tới khi trời hửng sáng, trong nhà im ắng, cô Sen mới dìu 2 em nhỏ đi tắt lối nhà vệ sinh qua hiệu may Tân Tân, rồi ra đường đến nhà ông Nguyễn Thế Thược (là em ruột ông Vĩnh Tường) ở gần đó.
Từ tất cả những chứng cứ tài liệu thu thập được, Công an Hải Phòng đã xác định rõ chân dung những tên cướp tàn ác. Chúng là bọn vô lại đang tại ngũ trong quân đội Pháp. Ba tuần sau vụ án xảy ra đã chứng minh nhận định trên: Lực lượng trinh sát của Công an Hải Phòng đã thu được một số tang vật của vụ án, trong đó có một ít đồ bằng bạc bị ném bên bờ sông, cạnh trại lính Pháp ở Hạ Lý. Khi thu thập các dấu vân tay của các đối tượng nghi vấn để so điềm chỉ (giám định đường vân), Công an Hải Phòng đã tìm ra các đối tượng gây nên vụ thảm sát và cướp của tại hiệu vàng Vĩnh Tường. Những kẻ mặt người dạ thú ấy có cả người Việt lẫn Tây, đó là: Jean Jacque, Presil, George và tên Yến (tây lai) ở Trại lính Pháp đóng tại "Căng" Lạc Viên (quận Ngô Quyền).
Với những chứng cứ không thể chối cãi, quân đội Pháp đã phải trừng trị đích đáng những tên tội phạm giết người, cướp của mà các nhà chức trách Việt Nam đã đưa ra. Chiến công điều tra khám phá vụ án trên không những đã lật mặt những tên cướp trong đội quân xâm lược, mà còn đem lại niềm tin cho quần chúng nhân với lực lượng Công an Hải Phòng trong những ngày đầu còn trứng nước…