Sẵn sàng ứng phó các tình huống khi đưa bệnh nhân 91 về nước.
7h, lực lượng công an, dân phòng và hàng chục bảo vệ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã bắt đầu phong tỏa, kiểm soát các lối đi chính trong khuôn viên bệnh viện. Bệnh nhân 91 sẽ di chuyển đến sân bay bằng cổng ra đường Nguyễn Chí Thanh. Hiện tại, bệnh viện đã tạm thời phong tỏa khu vực này.
Trước khi buổi họp báo bắt đầu, Đại sứ quán Anh, đại diện Đoàn bay 919 của Hãng hàng không Vietnam Airlines (cơ quan chủ quản nơi phi công người Anh làm việc) đã có mặt tại bệnh viện để chia tay bệnh nhân trở về nước.
Tại buổi họp báo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, chia sẻ: "Hôm nay là ngày rất vui đối với ngành y tế và các y bác sĩ Việt Nam. Chúng tôi vừa gửi bệnh nhân 91 lời tạm biệt và giấy chứng nhận trước khi ra viện".
Ông cho biết sắp tới, Việt Nam sẽ đón thêm nhiều bệnh nhân Covid-19 từ nước ngoài, ngành y tế và người dân tuyệt đối không được chủ quan, vì cuộc chiến vẫn còn kéo dài. “Bệnh nhân 91 là bài học cho thầy trò, anh em chúng ta tiếp tục chiến đấu”, PGS Khuê nhắn nhủ các bác sĩ.
BSCKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, cho biết: “Quá trình hồi phục của bệnh nhân là chuyến bay rất dài. Vì tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân nên chúng tôi sẽ không chiếu lên đây”.
Bệnh nhân có 2 giai đoạn điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ phải sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo) và những phương pháp hồi sức hiện đại nhất. Trải qua 6 cuộc hội chẩn trực tuyến của 3 vùng miền, các bác sĩ đã tập trung toàn lực, thuốc điều trị cho bệnh nhân 91.
"Ngày chuyển viện, những bác sĩ lạc quan nhất cũng không thể tin là bệnh nhân qua khỏi. Đến hôm nay, bệnh nhân hoàn toàn hồi phục trong sự hạnh phúc của tập thể y bác sĩ", bác sĩ Linh xúc động chia sẻ.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, các bác sĩ cứu chữa bệnh nhân với tâm thế "còn nước còn tát", tập trung phương tiện hiện đại nhất và trí tuệ chung.
"Đoàn bay vui mừng vì chuyến bay an toàn còn thầy thuốc thì vui mừng khi bệnh nhân khỏi bệnh ra viện. Khi điều trị bệnh nhân âm tính với Covid-19, chúng tôi quyết định chuyển ông sang bệnh viện đa khoa hiện đại. Nếu không chuyển qua bệnh viện này, chắc có lẽ bệnh nhân không thể qua được", ông Khuê nhận định.
Bệnh nhân 91 là trường hợp mắc Covid-19 nặng nhất và có thời gian điều trị lâu nhất tại Việt Nam. Nam phi công có tổng thời gian 116 ngày điều trị sau khi dương tính virus SARS-CoV-2, gồm 65 ngày chữa Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và 51 ngày hồi sức tích cực, phục hồi chức năng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.
Đại diện Phòng khám Gia đình (FMP) - đơn vị bảo hiểm của bệnh nhân 91 - cho biết: "Đây là ca bệnh phức tạp và có nhiều vấn đề trong điều trị, di chuyển. Sau khi đánh giá, bệnh nhân có 7 giai đoạn di chuyển về bệnh viện quê nhà. Cơ sở chúng tôi đánh giá bay là phải chuẩn bị chu đáo, tất cả nguy cơ có thể xảy ra. Chúng tôi đã cố gắng vạch ra tất cả tình huống có thể xảy ra để cho bệnh nhân về nước. Không chỉ vấn đề cung cấp oxy mà tính đến trường hợp biến cố, máy bay sẽ hạ cánh khẩn cấp. Chúng tôi gồm bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm nên có thể tin tưởng chuyển bệnh nhân toàn về nước".
Hai ngày trước, đại diện đơn vị này đã cùng với các bác sĩ bàn cách đưa bệnh nhân về nước. Ê-kíp đã thảo luận từng chi tiết, như khoảng cách chân ghế giữa Airbus 350 và Boeing 787. Mọi vấn đề đều được xem xét để giúp chuyến bay an toàn.
"Chúng tôi hứa không làm các bạn thất vọng. Với bệnh nhân, tôi nghĩ ra khỏi bệnh viện là bước tiến tốt, nhưng tái hòa nhập và làm việc, là cả cuộc chiến rất dài với ông", đại diện phòng khám chia sẻ.
Ông Lưu Hoàng Minh, Phó trưởng Đoàn bay 919, cho biết phi công có thể trở về quê hương trên chuyến bay do chính họ cầm lái.
"Ngày đầu, chúng tôi lo lắng và thành lập group hàng ngày động viên bệnh nhân an tâm về trình độ bác sĩ Việt Nam. Cảm ơn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã hỗ trợ chúng tôi mang món ăn đến cho anh ấy. Hàng ngày, chúng tôi luôn nhắn tin động viên, cầu mong anh ấy sớm trở lại. Với nhiệt tình và quyết tâm của ngành y tế Việt Nam, chúng ta đã có điều kỳ diệu", ông Minh nói.
Đồng thời, các phi công của đoàn gửi lại cảm ơn, mong các bác sĩ tiếp tục cống hiến và hy vọng chuyến bay diễn ra an toàn.
"Boeing 787-10 là chiếc hiện đại nhất anh ấy cũng từng cầm lái. Chúng tôi mong mang đến cho anh ấy cảm giác vui vẻ, như trở về ngôi nhà thứ hai. Đêm nay là chặng đường dài nhưng anh ấy sẽ có những đồng nghiệp bên cạnh, anh ấy sẽ quay trở về cảm giác của một phi công", ông chia sẻ.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Ian Gibbons - Tổng lãnh sự quán Anh - gửi lời cảm ơn các bác sĩ đã hết lòng cứu chữa bệnh nhân: "Tôi vui mừng khi chứng kiến 4,5 tháng qua, cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam đã thành công, cho đến nay cũng không có bệnh nhân nào nặng hơn bệnh nhân 91".
Nam phi công này được xem là “trường hợp đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ y tế Việt Nam”. Để giữ được mạng sống cho bệnh nhân này, Bộ Y tế đã huy động tất cả chuyên gia đầu ngành trong các ngành truyền nhiễm, hô hấp, hồi sức, huyết học, phục hồi chức năng… Với nhiều cuộc hội chẩn cấp quốc gia, các thầy thuốc gần như dốc toàn bộ y - tâm - trí - lực, đưa bệnh nhân “từ cõi chết trở về”. Ngày 6/7, nam phi công 43 tuổi đã được công bố khỏi bệnh, có thể ra viện và không cần cách ly.
Dự kiến lịch trình chuyến bay đưa bệnh nhân 91 về nước:
Tổng thời gian các chuyến bay khoảng hơn 32 tiếng, bao gồm cả chuyến bay từ TP.HCM đến Hà Nội để nối chuyến sang Frankfurt (Đức).
+ Chuyến bay từ TP.HCM - Hà Nội (VN)
+ Chuyến bay từ Hà Nội 23h ngày 11/7, đến Frankfurt (Đức) lúc 6h (LT) ngày 12/7
+ Chuyến bay từ Frankfurt lúc 8h ngày 12/7 đến Heathrow lúc 8h30 (LT) ngày 12/7