ENV là đơn vị từng dành nhiều năm nghiên cứu, điều tra và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, trong công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã nói chung và hổ nói riêng.
Bán 1 móng hổ có thể bị phạt 5 năm tù
Bà Hà cho biết: Tình trạng buôn bán hổ hiện vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Chỉ tính riêng năm 2019, ENV đã ghi nhận gần 30 vụ việc bắt giữ liên quan đến hoạt động buôn bán hổ. Đó là chưa kể đến hàng trăm các vụ việc quảng cáo, buôn bán các sản phẩm từ hổ được ghi nhận trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo mà Báo NTNN vừa phản ánh.
"Với sự "hậu thuẫn" của các quy định pháp luật hiện hành, tôi cho rằng chỉ cần các cơ quan chức năng có quyết tâm và thực sự quan tâm đến việc xử lý loại tội phạm này, chúng ta có thể đẩy lùi tội phạm về hổ nói riêng và tội phạm về động vật hoang dã trong một tương lai không xa".
Bà Bùi Thị Hà
Trong loạt bài mà Báo NTNN đăng tải, các đối tượng buôn bán rất tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng và sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để buôn bán tràn lan các mặt hàng liên quan đến hổ. Tình trạng này, theo bà nguyên nhân do thực thi pháp luật chưa nghiêm hay chính sách pháp luật còn lỏng lẻo?
- Hiện nay, về cơ bản Việt Nam đã có những văn bản quy phạm pháp luật để quản lý và đặc biệt là xử lý vi phạm liên quan đến hổ. Hành vi săn, bắt, giết, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán hay tàng trữ hổ, sản phẩm, bộ phận không thể tách rời sự sống của hổ đều là hành vi vi phạm pháp luật hình sự và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên đến 15 năm tù giam.
Có lẽ nhiều người chưa biết, nhưng chỉ cần buôn bán một chiếc móng hổ cũng đã có thể bị truy cứu cứu trách nhiệm hình sự và xử phạt đến 5 năm tù. Hay hành vi vi phạm tưởng chừng như rất nhỏ như quảng cáo bán cao hổ, nanh móng hổ trên Internet cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 70-100 triệu đồng (quảng cáo hàng cấm).
Ông Nguyễn Quốc Hiệu - Cục phó Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT) cho biết: "Tôi cũng đã đọc các bài báo nói về tình trạng buôn bán hổ. Tuy nhiên, thông tin về tình trạng buôn bán hổ chúng tôi vẫn chưa có được nhiều, chỉ biết là hoạt động này mang tính chất xuyên biên giới, nguồn hổ được chuyển từ nước ngoài về khá nhiều".
Về việc có nên gắn chíp cho hổ nuôi nhốt ở Việt Nam hay không, theo ông Hiệu, với những con nguy cấp, quý hiếm, nếu gắn được chíp thì tốt. Việc gắn chip sẽ do Cites cấp và quản lý.
Tất nhiên, không phải các văn bản đã hoàn thiện nhưng theo đánh giá của ENV, các văn bản hiện hành đã đủ để có thể xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm liên quan đến hổ. Vấn đề ở đây là khâu thực thi pháp luật, đảm bảo hiệu quả thực thi, phòng ngừa tội phạm.
Ví dụ, chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ được một đối tượng vận chuyển hổ trái phép, các cơ quan chức năng không nên chỉ dừng lại ở đối tượng này mà cần tiếp tục mở rộng điều tra, để có thể tìm ra và xử lý cả đường dây buôn bán hổ.
Việc xử lý đối tượng cũng cần phải áp dụng hình phạt tù giam nghiêm khắc để răn đe đối tượng vi phạm. Hay khi phát hiện một đối tượng quảng cáo bán da, nanh móng hổ trên Internet, dù đối tượng không trực tiếp tàng trữ sản phẩm nhưng vẫn hoàn toàn có thể xử phạt vi phạm hành chính đối tượng cho hành vi quảng cáo hàng cấm để răn đe!
Bà đánh giá thế nào về công tác bảo tồn động vật hoang dã nói chung và bảo tồn hổ nói riêng ở Việt Nam, từ hệ thống văn bản chính sách cho tới thực tế?
- Bảo tồn hổ là một công tác được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chúng ta đã có một Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014. Bên cạnh đó, Nhà nước đã xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về quản lý bảo vệ động vật hoang dã nói chung và hổ nói riêng.
Tuy nhiên, trong khi quy chế xử lý vi phạm khá toàn diện, những quy định về quản lý hiện vẫn còn có sự chồng chéo về mặt thẩm quyền và còn những vấn đề chưa được quy định toàn diện hoặc chưa được hướng dẫn đầy đủ. Ví dụ, hiện nay vẫn chưa rõ ràng về việc chúng ta được phép nuôi hổ cho mục đích gì? Liệu chỉ được phép nuôi hổ vì mục đích bảo tồn hay có thể nuôi hổ vì các mục đích giáo dục, du lịch sinh thái, biểu diễn xiếc và thậm chí là vì mục đích thương mại?
Vậy theo đề xuất của bà, chúng ta cần có những giải pháp gì để hạn chế sự chồng chéo trong quản lý?
- Theo ENV, cần có quy định rõ ràng đối với từng loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm như hổ về việc được nuôi những loài này về mục đích gì. Đặc biệt, cần quy định rõ ràng về việc không cho phép nuôi các loài nguy cấp, quý, hiếm như hổ về mục đích thương mại, đồng thời cụ thể hóa các điều kiện nuôi hổ tại các cơ sở phi thương mại, cơ sở bảo tồn.
Cũng không nên chỉ quan tâm đến việc đăng ký thành lập mà cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát hoạt động của cơ sở sau thành lập, tránh vi phạm cũng như đảm bảo chỉ cho phép sinh sản hổ vì mục đích bảo tồn/mục đích phi thương mại khác khi cơ sở có kế hoạch sinh sản cụ thể được Nhà nước phê duyệt và duy trì hổ cái, tránh giao phối cận huyết hoặc lai tạp nguồn gen.
Gắn chíp theo dõi hổ nuôi nhốt như gấu?
Một trong các mục tiêu được của Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ là phải "Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động gây nuôi bảo tồn hổ", bà có thể nói rõ hơn về mục đích chương trình này? Có nên thực hiện triệt để việc gắn chíp cho hổ để theo dõi như với gấu?
- Để thực hiện mục tiêu này, một hoạt động được đề ra là "Điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi (thực hiện qua hồ sơ gen, hình ảnh, gắn chip điện tử và gắn thẻ đánh dấu)".
Bộ NNPTNT thời gian qua cũng đã nghiên cứu và trao đổi với các nhà tài trợ về việc thực hiện hoạt động này nhưng vẫn chưa chính thức triển khai.
Về việc gắn chíp cho hổ, theo quan điểm của ENV, việc thiết lập hệ thống nhận dạng đối với hổ và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm để quản lý là một hoạt động tốt. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ thực sự có ý nghĩa nếu đi kèm với đó là một cơ chế kiểm tra, giám sát đầy đủ và thường xuyên của cơ quan chức năng địa phương.
Hiện nay trên cả nước có khoảng hơn 300 cá thể hổ nuôi nhốt tại hơn 20 cơ sở. Theo tôi, cần có cơ chế kiểm soát số lượng cá thể hổ được sinh sản tại các cơ sở bởi việc gắn chíp thường xuyên, liên tục với các cá thể hổ con mới sinh ra là không khả thi nếu xét đến đặc tính sinh sản của hổ. Trong khi đó, những cá thể hổ sinh ra không có giá trị bảo tồn nếu không có sự tham gia của các khoa học và thực hiện thông qua các chương trình bảo tồn được Nhà nước phê duyệt.
Xin cảm ơn bà!