Trong số 12 hoàng đế triều đại nhà Thanh, hậu cung của Hoàng đế Càn Long là tuyệt vời nhất. Hậu cung của vị Hoàng đế này là tập hợp những mỹ nhân từ khắp nơi ở Trung Nguyên. Hơn nữa, Càn Long có thể nói là một người có yêu cầu rất cao về ngoại hình, chỉ có một người con gái xinh đẹp mới có thể vào cung điện và trở thành phi tần của ông.
Tuy nhiên, trong hậu cung của Càn Long Đế vẫn có một hầu gái được ông tuyển chọn, dù nàng cả đời không sinh được mụn con, nhưng vẫn được sủng ái, đến Hoàng hậu cũng phải đố kỵ.
Người phụ nữ đó chính là Tuệ Hiền Hoàng quý phi Cao thị (1711-1745). Nàng xuất thân từ tầng lớp Bao y (những người phục vụ trong hoàng cung), chịu sự quản thúc của phủ Nội vụ.
Dù xuất thân nhỏ bé nhưng Cao thị lại có ngoại hình nổi bật và tình cách dịu dàng. Nàng được Ung Chính Đế tuyển chọn nhập phủ hầu hạ Bảo Thân vương Hoằng Lịch, cũng chính là Càn Long Đế sau này. Không lâu sau, nàng tiếp tục được Ung Chính Đế tấn thăng làm Trắc Phúc tấn, địa vị chỉ sau Đích Phúc tấn Phú Sát thị.
Sau khi Ung Chính Đế băng hà, Bảo Thân Vương Hoàng Lịch kế vị. Lúc này dù vẫn chưa sinh được người con nào cho ông nhưng Cao thị vẫn được lập làm Quý phi, thân phận chỉ dưới Phú Sát Hoàng hậu.
Thậm chí sau đó, cả gia tộc Bao y họ Cao đều được nâng kỳ, nhập thành Mãn Châu Tương Hoàng kỳ, thân phận Bao y hoàn toàn được gột rửa, giúp tăng địa vị và thân phận của Cao Quý phi trong hậu cung lên hơn bao giờ hết.
Kể từ khi được gả cho Càn Long Đế, Cao Quý phi luôn nhận được sủng ái, điều đó khiến Phú Sát Hoàng hậu rất ghen tỵ. Mỗi khi nàng bị bệnh, Hoàng đế luôn rất lo lắng và ban cho cô những loại thảo dược tốt nhất.
Trong một lần Cao Quý phi lâm trọng bệnh, Càn Long Đế rất đau lòng. Để có thể khiến tâm trạng nàng vui vẻ, Càn Long Đế ra chỉ dụ nâng lên thành Hoàng quý phi, đây cũng là lần đầu tiên trong hậu cung của ông có địa vị phi tần này.
Đáng tiếc, Hoàng quý phi Cao thị không thể qua khỏi và mất khi mới 34 tuổi. Càn Long Đế rất thương tiếc, thường làm thơ điếu tặng nàng và gọi là "Tuệ Hiền Hoàng quý phi". Ngoài Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, thì Tuệ Hiền Hoàng quý phi là phi tần duy nhất khiến Càn Long Đế qua nhiều năm vẫn giữ việc viết thơ tưởng nhớ như vậy.
Sau khi Dụ Lăng được hoàn thành, Tuệ Hiền Hoàng quý phi được chuyển vào an táng tại đây, bên cạnh Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu và Triết Mẫn Hoàng quý phi. Nàng cũng là một trong số 5 vị hậu phi hiếm hoi được an táng cùng Càn Long Đế trong địa cung của Dụ Lăng.
Chưa hết, sau này khi Gia Khanh Đế lên ngôi, đổi họ "Cao thị" của Tuệ Hiền Hoàng quý phi thành "Cao Giai thị", xếp vào một trong những quý tộc Mãn Châu.