Dân Việt

"Cuộc chiến" kéo người trẻ về phía sách

Ngọc Minh Tâm 14/07/2020 15:55 GMT+7
Dường như trong thời buổi công nghệ hiện đại này, dù người lớn hay trẻ nhỏ cũng khó cưỡng lại trước sức cám dỗ của các thiết bị giải trí. Đời sống tinh thần của người dân phố thị hôm nay cũng có nhiều đổi khác khi xem thú vui mua sắm như là một cách hưởng thụ.

Giữa bối cảnh ấy, chị Nguyễn Kim Thoa (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa và Giáo dục Tân Việt) đã xây dựng cả một không gian sách rộng tới ba ngàn mét vuông giữa trung tâm thương mại sầm uất nhất Hà Nội. Bốn năm qua, không chỉ thay đổi hoàn toàn hàng trăm thư viện trường học ở các tỉnh phía Bắc, chị Thoa cùng Tân Việt Books còn biến những "nhà kho chứa sách" trở thành không gian thân thiện, níu bước chân các em học sinh ngồi lại với sách.

Không thể tưởng tượng được thư viện của trường lại đẹp đến thế

"Cuộc chiến" kéo người trẻ về phía sách - Ảnh 1.

Không gian thân thiện, níu bước chân học sinh ngồi lại với sách

Thú thực là sau khi bị cuốn vào không gian thư viện của một trường tiểu học ở tỉnh Thái Bình, nhìn các cháu hào hứng, say mê đọc sách, tôi mới biết đến dự án "Thay đổi quan niệm về thư viện trường học" của chị. Cũng từ đó tôi mới biết chị được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng Giấy khen vì thành tích xuất sắc trong việc "Phát triển văn hóa đọc".

- Tôi làm về xuất bản nên có liên quan nhiều với giáo dục. Trong những chuyến công tác đến các trường học, tôi thấy thư viện của nhiều trường còn quá sơ sài. Có những nơi, không gian thư viện thì rộng, nhưng cách bài trí bên trong lại quá đơn điệu. Người lớn còn không muốn bước vào thư viện thì làm sao có thể "dụ" trẻ con đến đọc sách được. Trước thực trạng đó, tôi mong muốn và có một khát khao: phải làm sao để thư viện trường học trở thành nơi thực sự hữu ích, tương xứng với giá trị vốn có của nó. Thư viện trường học phải là "Trái tim của nhà trường" như tổ chức giáo dục thế giới UNESCO đã nói thì chúng ta mới thể lôi cuốn trẻ em đến với sách được.

Công nghệ ngày càng chi phối nhiều hơn đến đời sống con người. Nhu cầu hưởng thụ cũng dành nhiều hơn cho vật chất. Hiện tại, mọi ngành nghề đều đang loay hoay trong đại dịch COVID-19. Chị có nghĩ với cả ba khó khăn rất lớn đó thì việc kéo người ta đến với sách vở là một "cuộc chiến" không cân sức?

"Cuộc chiến" kéo người trẻ về phía sách - Ảnh 2.

Tân Việt Books giao lưu, chia sẻ, truyền cảm hứng đọc sách cho sinh viên

- Đúng là đầu tư trong giai đoạn này đầy mạo hiểm, rủi ro luôn rập rình. Tỉ lệ thành công chỉ 50 - 50, giống như một canh bạc. Tất nhiên tôi có thể từ chối đơn vị cho thuê mặt bằng trong bối cảnh hiện nay, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Đổi lại, không gian sách cũng cho tôi những giá trị để tăng thêm phần tự tin. Tôi cho rằng, tạo ra không gian khác biệt, tự nó đã là một giá trị rất "riêng". Hơn nữa, không gian sách còn là điểm đến cuối tuần cho cả gia đình - nơi yếu tố giải trí gắn liền với giáo dục và tri thức. Có thể đây chỉ là nơi để người ta đi thăm thú, trải nghiệm chứ không hẳn là đến mua sách, nhưng người ta vẫn sẽ thích không gian đó. Một khi không gian sách đã lôi cuốn được họ thì chắc chắn họ sẽ tìm đến sách theo cách tự nhiên nhất. Tham vọng của tôi chính là lôi kéo người ta đến với sách, thấy được những giá trị của sách, yêu mến sách, rồi dần dần tạo thói quen để đọc sách trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Dần dần lan tỏa giá trị của sách trong cộng đồng, đó cũng là lý do vì sao tôi quyết tâm mở ra những không gian tri thức mới cho người Việt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Vì những giá trị lớn lao mà lặng thầm của sách

Có lẽ cần phải thẳng thắn rng, tỷ lệ người Việt đọc sách còn thấp. Tôi biết không ít phụ huynh luôn kêu gào bắt con cái đọc sách, trong khi chính bản thân họ không chịu đọc sách. Như thế làm sao có thể hình thành cho con cái thói quen đọc sách được. Việc chị làm thư viện cho trẻ con, hay làm không gian sách để lôi kéo trẻ con đến với sách, tôi có cảm giác phần nào đó chị đang làm thay phụ huynh trong việc dần dần rèn cho trẻ thói quen đọc sách?

"Cuộc chiến" kéo người trẻ về phía sách - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Kim Thoa - "Cũng nhờ đọc sách, tôi thấy mình bao dung hơn!"

- Tôi làm nghề sách nên có điều kiện tiếp cận với sách nhiều hơn. Trong đó, có nhiều gương người thực, việc thực mà khi vô tình đọc được, tôi càng hiểu rõ hơn sách đã  ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự thành công của họ. Thậm chí có những người nhờ sách mà dám "cãi lại số trời". Ví dụ như cuộc đời của dịch giả, diễn giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi chị đọc được cuốn sách "Từ điển tiếng Anh" - vốn là quyển sách của em trai chị. Từ một cô bé phải bỏ dở chương trình lớp 8 vì bệnh loạn dưỡng cơ, xương cứ giòn ra, cơ thể ngày một teo tóp dần, chẳng thể đi lại được bình thường, Bích Lan đã trở thành dịch giả. Gần 30 cuốn sách được chị chuyển ngữ với văn phong chuẩn xác, đầy cảm xúc và vô cùng tinh tế.

Từ những thực tế đó tôi mới ngẫm lại, có những cuốn như "Phương pháp đọc sách nhanh" được xuất bản từ những năm 1929 - 1930 ở Mỹ, có nghĩa là người phương Tây đã chú trọng đến việc đọc từ hàng trăm năm trước. Rồi cũng từ thực tế khảo sát việc đọc của người trẻ ở nước ta - khi chúng tôi khảo sát, chỉ có khoảng 10% số sinh viên được hỏi có đọc 01 cuốn sách/năm. Mà 01 cuốn sách đó, hầu hết lại là sách/truyện ngôn tình… Là người làm sách, cầm kết quả khảo sát đó, tôi buồn lắm. Cũng vì xót xa cho sách, xót xa cho những hạn chế nhận thức về giá trị của sách mà tôi thấy mình cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc lan tỏa văn hóa đọc.

Nghe chị chia sẻ, tôi đã hiểu hơn vì sao chị nuôi ước muốn "uốn cây từ thuở còn non", vì sao chị lại quyết liệt đến độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro như thế…

"Cuộc chiến" kéo người trẻ về phía sách - Ảnh 4.

Tân Việt Books mở ra những không gian tri thức mới cho người Việt

- Giờ đây, tôi rất muốn tác động đến các bậc phụ huynh, để cha mẹ có thể thay đổi cái nhìn về văn hóa đọc. Đúng là việc đọc mất khá nhiều thời gian, và khi mới bắt đầu đọc thì rất ngại. Đó là tâm lý chung. Nhưng khi đọc sách trở thành thói quen, thấy việc đọc hữu ích như thế nào, thì câu chuyện đọc sách sẽ hoàn toàn khác. Những giá trị từ việc đọc sách là thứ không thể nhìn thấy ngay và không thể hiện hữu trước mắt. Minh chứng là đa phần những người thành công trên thế giới đều chịu tác động rất lớn từ sách vở. Ảnh hưởng bởi cuốn sách mà họ vô tình đọc được hay triết lí rút ra từ những cuốn sách họ dày công nghiên cứu là điều không thể phủ nhận. Như câu chuyện của người điều hành Tập đoàn Alibaba - tỷ phú Mã Vân chẳng hạn. Ông thi trượt đại học đến hai lần. Khi chuẩn bị tới lần thi thứ ba, mọi người trong gia đình ra sức can ngăn, thậm chí cô giáo của ông còn khiêu khích: "Em mà thi đỗ đại học thì cô đi bằng đầu". May mắn thay, trong thời gian ấy, Mã Vân đọc được cuốn "Đường đời" của nhà văn Lộ Dao. Ông đã thoát khỏi ảnh hưởng từ những người xung quanh, học được lòng kiên trì và quyết tâm sắt đá của nhân vật Cao Gia Lâm. Và lần thi thứ ba ấy, Mã Vân đã đỗ đại học. Chuyện còn dài, nhưng có thể thấy nếu Mã Vân không đọc cuốn "Đường đời" để rồi quyết tâm thi đại học lần thứ ba thì chắc chắn loài người sẽ không thể có được một Tỷ phú Alibaba như ngày hôm nay.

Sách là vậy, cứ âm thầm với những giá trị vô cùng lớn lao. Bản thân tôi cũng nhận được rất nhiều tri thức từ việc đọc, hiện hữu nhất là khả năng diễn đạt được nâng lên. Tôi học được tư duy mạch lạc hơn, cách diễn đạt tuy mộc mạc nhưng không kém phần lãng mạn từ các tác giả phương Tây. Cũng nhờ đọc, mà tôi thấy mình bao dung hơn!

Cảm ơn chị đã chia sẻ những câu chuyện thú vị xung quanh giá trị của sách!