Dân Việt

Giao đất cho Chủ tịch xã, rừng phòng hộ bị "hạ sát" ở Vĩnh Phúc: Dấu hiệu lập hồ sơ khống

Ngô Hùng 15/07/2020 16:58 GMT+7
Liên quan đến việc được giao hơn 55ha đất, rừng phòng hộ bị "hạ sát", Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết, trong hồ sơ giao đất đúng là đứng tên ông nhưng thực tế vị này không hề có đơn xin nhận giao đất lâm nghiệp, cũng không phải chủ rừng.

Trả lời PV, ông Lý Văn Lương - Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho rằng tất cả hồ sơ ông đứng tên bao gồm "Quyết định giao rừng và đất lâm nghiệp của UBND huyện Mê Linh, đơn xin nhận đất lâm nghiệp, khế ước giao rừng tự nhiên, khế ước giao rừng trồng, biên bản giao nhận đất lâm nghiệp tại thực địa, biểu thống kê số lượng, chất lượng rừng" đều là hồ sơ được làm khống và ông chưa từng ký tên vào bất kỳ loại giấy tờ nào ở trên.

Vụ giao đất cho Chủ tịch xã, rừng phòng hộ bị "hạ sát" ở Vĩnh Phúc: Có việc lập hồ sơ khống? - Ảnh 1.

Ông Lý Văn Lương trong buổi trao đổi với Dân Việt.

Lý giải về điều này, ông Lương cho rằng, những bộ hồ sơ khống này có thể xuất phát từ thời điểm thực hiện Nghị định 02 về việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp, phải làm sao đó để giao hết diện tích rừng tại địa phương cho người dân.

"Ở xã Ngọc Thanh có nhiều trường hợp như tôi, có đứng tên trên giấy tờ nhưng không có đất để sử dụng, quản lý. Ngược lại, nhiều người có đất, quản lý rừng lại không có giấy tờ. Mọi việc chỉ vỡ lở ra khi xảy ra tranh chấp hay khi nhà nước thực hiện dự án, cần kiểm kê. Tôi cũng chưa bao giờ được nhận bất kể đồng tiền nào liên quan đến việc quản lý rừng, cũng như chưa từng chuyển nhượng đất cho ai", ông Lương cho biết thêm.

Vụ giao đất cho Chủ tịch xã, rừng phòng hộ bị "hạ sát" ở Vĩnh Phúc: Có việc lập hồ sơ khống? - Ảnh 2.

Theo ông Lương, tất cả những hồ sơ liên quan đến việc giao đất cho ông, ông không hề ký tên hay quản lý, sử dụng diện tích đất rừng trên.

Cũng theo ông Lương, sau khi phát hiện ra mình có tên nhưng không có rừng, từ năm 2017 đến nay, ông đã 3 lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng, đề nghị thu hồi và hủy bỏ quyết định 229/QĐ-UBND ngày 20/12/1996 của UBND huyện Mê Linh về việc giao đất cho ông. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, không hiểu sao đơn của ông vẫn chưa được giải quyết.

Còn theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc, liên quan đến vụ việc ông Dương Văn Trần (xã Ngọc Thanh, TP.Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) xâm phạm, tàn phá diện tích lớn rừng phòng hộ ở địa bàn xã này, sau khi kiểm tra là có cơ sở.

"Hành vi xâm phạm rừng phòng hộ của ông Trần được lặp đi lặp lại nhiều lần, thậm chí từng có dấu hiệu hình sự, cơ quan công an cũng đã vào cuộc điều tra nhưng không khởi tố", ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, sau khi báo chí phản ánh, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo kiên quyết không cho bất cứ ai thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến rừng phòng hộ. Cần thiết sẽ kiến nghị thu hồi rừng vì không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao khoán.

"Về việc để xảy ra tình trạng phá rừng, trách nhiệm trước hết phải thuộc về chủ rừng. Việc thực hiện hợp đồng giao khoán đã có các chế độ do nhà nước chi thông qua Ban quản lý dự án ở thành phố Phúc Yên", ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khi PV đề cập đến việc số tiền bảo vệ rừng đi đâu khi mà chủ rừng xác định không nhận, ông Hùng trả lời không biết.

Vụ giao đất cho Chủ tịch xã, rừng phòng hộ bị "hạ sát" ở Vĩnh Phúc: Có việc lập hồ sơ khống? - Ảnh 3.

Ai là người được hưởng số tiền hỗ trợ trông coi, quản lý rừng? Ai là người phải chịu trách nhiệm trước việc rừng phòng hộ bị "hạ sát" vẫn là câu hỏi lớn.

Trước đó, như Dân Việt có loạt bài Vĩnh Phúc: Giao hơn 55ha đất cho Chủ tịch xã, rừng phòng hộ bị "hạ sát", phản ánh việc ông Lý Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh được giao hơn 55ha đất, sau đó rừng phòng hộ bị "hạ sát".

Từ năm 2012, những người dân các thôn Thanh Lộc, Thọ An và Tân An (xã Ngọc Thanh) đã tố cáo ông Dương Văn Trần và Doanh nghiệp tư nhân Duy Thông do ông Trần làm Giám đốc đã tổ chức chặt phá, đốt rừng phòng hộ tại khu vực Đá Bia do ông Lý Văn Lương được giao quản lý.

Những nội dung tố cáo của người dân trong xã đã được UBND TX.Phúc Yên (cũ) lúc đó kết luận là có cơ sở. Tuy nhiên, trong nhiều năm sau, ông Trần tiếp tục thu gom rừng bằng việc nhận chuyển nhượng và tiếp tục có những vi phạm.

Vụ giao đất cho Chủ tịch xã, rừng phòng hộ bị "hạ sát" ở Vĩnh Phúc: Có việc lập hồ sơ khống? - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Lâm Tới, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP.Phúc Yên cho biết hiện đích thân ông đang thụ lý hồ sơ vụ việc, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan công an xử lý

Tại biên bản làm việc với UBND xã Ngọc Thanh ngày 13/6/2018, chính ông Dương Văn Trần thừa nhận "về giấy tờ sử dụng đất gia đình tôi không có". Ông Trần cũng thừa nhận: "Gia đình tôi sử dụng một phần diện tích lô số 35A và 38 của ông Lý Văn Lương".

Ngày 11/7, trao đổi với Dân Việt, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Phúc Yên cho biết: Hiện UBND TP.Phúc Yên đã giao Công an TP.Phúc Yên, Hạt Kiểm lâm TP.Phúc Yên và UBND xã Ngọc Thanh điều tra, làm rõ việc phá rừng phòng hộ tại xã Ngọc Thanh và báo cáo kết quả trước ngày 15/7/2020.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.