Theo ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Khảo thí Sở GDĐT Hà Nội, đề thi năm nay bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THCS, chủ yếu lớp 9 đã được giảm tải.
Tâm lý bình tĩnh, thoải mái để làm bài
Đó là lời khuyên của TS. Phạm Ngọc Hưng, giáo viên có nhiều năm chuyên ôn luyện thi cho học sinh. "Mặc dù đã có rất nhiều lời khuyên về việc 'bài dễ làm trước, bài khó làm sau', tuy nhiên nhiều thí sinh vẫn tự tin với sức học và làm bài khó trước. Khi gặp vấn đề khó hơn sức của mình, thí sinh rơi vào trạng thái lo lắng, vội vàng dễ mất điểm khi giải các bài toán dễ còn lại. Nhiều thí sinh còn chủ quan khi không đọc kỹ đề bài, đọc quá nhanh, quá lướt, dẫn đến xác định không đúng hoặc thiếu giả thiết, bài toán không giải được. Tình trạng này cũng khiến thí sinh có thể bỏ sót ý, dữ liệu của đề thi" - thầy Hưng nhận định.
Thầy Hưng cho hay thí sinh cần đặt mục tiêu chinh phục từng mốc 0,25 điểm. Vì vậy không nên để mắc các lỗi ở trên cùng các lỗi cơ bản khác như vẽ sai hình, đọc sai đề, tính toán nhầm, quên kết luận, trình bày bài không khoa học, tẩy xóa... Thí sinh cần bình tĩnh để tránh mất điểm ở những lỗi nhỏ không đáng có như quên điều kiện, quên đơn vị, quên kết luận...
Cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên môn Ngữ văn tại Hà Nội nhấn mạnh: “Với môn Ngữ văn, muốn giành điểm cao học sinh cần làm bài mỗi ngày để rèn kỹ năng viết, nâng cao khả năng diễn đạt. Song song với đó các em cần tăng cường thói quen đọc sách, báo, giúp mở rộng vốn từ, cập nhật tính thời sự để áp dụng vào bài làm”.
Với phần thi nghị luận xã hội, học sinh nên đưa vào bài thi những dẫn chứng mới, tiêu biểu, thay vì những dẫn chứng đã quá quen thuộc trong nhiều mùa thi. Bên cạnh đó, các em nên đọc nhiều, học nhiều và quan sát xung quanh để có dẫn chứng tiêu biểu, tươi mới, sáng tạo..
Phần nghị luận văn học, học sinh phải nắm vững các lý luận cơ bản, phân tích nhân vật (xuất thân, ngoại hình, tính cách, phẩm chất, số phận…), phân tích đoạn thơ, bài thơ cần lưu ý phân tích từ nghệ thuật đến nội dung.
Không luyện giải đề ở giai đoạn nước rút
Thầy giáo Hồng Trí Quang, giáo viên môn Toán Trung tâm giáo dục HOCMAI khuyên thí sinh không nên quá tập trung ôn luyện những bài toán khó. “Điều này sẽ khiến não bộ bị kiệt sức, cơ thể mệt mỏi trong ngày thi, tinh thần không thoải mái. Học sinh nên ôn tập vừa phải, khoa học để cơ thể được thư giãn, não bộ được nghỉ ngơi cho ngày thi sắp đến gần.
Trước khi đi thi, thí sinh cần chuẩn bị đầy đủ vật dụng sẽ mang vào phòng thi như bút, thước, compa, máy tính... Đây nên là những dụng cụ quen thuộc để các em thêm phần tự tin. Các em nên hít thở sâu để giảm sự hồi hộp và lo lắng" - thầy giáo này chia sẻ. Bên cạnh đó, thí sinh cần cẩn trọng khi làm bài để tránh mất điểm ở những lỗi nhỏ không đáng có như quên điều kiện, quên đơn vị, quên kết luận...
Thầy Quang cho biết việc giữ tâm lý ổn định, tự tin là quan trọng nhất. "Để có sự tỉnh táo, minh mẫn khi làm bài thi, thí sinh nên tạo nhịp sinh học giống ngày thi, không “ngủ ngày, cày đêm”.
Để giữ tâm lý ổn định, giảm bớt lo lắng và hồi hộp khi vào phòng thi, các em nên hít sâu, thở đều, nghĩ đến những điều tích cực hoặc điều gì đó khiến mình cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhàng.
Phụ huynh không thể học giúp con nhưng có thể giúp con trong việc giữ gìn sức khỏe và tâm lý. Nếu các em không làm bài tốt ở môn thi trước, các em sẽ cần sự động viên, khích lệ, chia sẻ của bố mẹ để có thể giải tỏa tâm lý, giảm bớt sự hụt hẫng, áp lực để có thể làm tốt các môn tiếp theo. Nếu các con làm tốt, phụ huynh cũng nhắc nhở con không chủ quan với các môn còn lại" - thầy Quang đưa ra lời khuyên.
Bạn Nguyễn Thị Thanh Lam, học sinh THPT Yên Hòa - Thủ khoa thi vào lớp 10 Hà Nội năm 2019 cho biết, bạn không chọn cách giải đề vào giai đoạn nước rút, cận kề ngày thi bởi trước đó đã làm nhiều dạng đề khác nhau.
"Khi nhận được đề thi, nên nhìn một lượt để xác định cách giải các câu hỏi ăn chắc điểm, ưu tiên làm câu dễ trước. Làm xong câu nào, soát lại luôn câu đó. Khi chắc chắn đúng hết những câu dễ thì mới chuyển làm câu khó. Tránh mắc phải những lỗi lặt vặt làm mất điểm như chép sai đề... Điều quan trọng nhất là chuẩn bị tâm lý, sức khỏe. Không nên tạo áp lực quá lớn trước kì thi. Khi tự tạo áp lực cho bản thân, sẽ khiến bạn càng mất tinh thần" - Lam chia sẻ.