Bài viết của GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường phân tích cụ thể về những tác động tích cực của dự án tới kinh tế xã hội.
TP.HCM từ góc nhìn địa kinh tế
Sài Gòn dưới thời Pháp đã có một tên gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông” vì được đặt vào tâm điểm của Nam Kỳ, giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ, bên sông Sài Gòn thuộc lưu vực sông Đồng Nai trên khúc Soài Rạp trước khi đổ ra biển. Khung cảnh thiên nhiên đẹp gắn với kiến trúc Pháp, kiểu sống phong lưu của người Nam Bộ ngả sang văn hóa lịch thiệp kiểu Pháp... làm nên một Sài Gòn hoa lệ. Nhưng chắc như thế cũng chưa thể được mệnh danh là một viên ngọc vùng cực Đông của Châu Á.
Thực tế, Sài Gòn xưa nổi lên do vị trí địa kinh tế thuận lợi, trên tuyến hàng hải giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khi giao thông đường biển vẫn là chủ yếu. Chiến tranh đã làm “Hòn ngọc Viễn Đông” không tỏa sáng được và để Singapore vượt lên thay thế.
Bước sang thế kỷ XXI, TP.HCM lại đứng trước cơ hội giành lại lợi thế địa kinh tế của mình. Tuyến hàng hải, hàng không Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương ngày nay càng có ý nghĩa địa kinh tế, địa chính trị lớn hơn. Tầm nhìn của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về Châu Á - Thái Bình Dương cũng đã chuyển thành Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nếu như kênh đào Kra dự kiến xây dựng tại nơi hẹp nhất của phần chuôi bán đảo Malacca (Malaysia) mà hình thành thì lợi thế cạnh tranh thậm chí sẽ hoàn toàn thuộc về TP.HCM.
Lợi thế cạnh tranh của TP.HCM và Singapore giờ chỉ còn phụ thuộc vào sức mạnh đô thị mỗi nơi, trong đó có sức hút về du lịch, hiệu quả của dịch vụ logistic và tính hiện đại của cuộc sống đô thị. Hiện xét về mật độ kinh tế, TP.HCM vẫn còn thua Singapore khá xa, do đó, để vượt lên, thành phố cần phát triển kinh tế gắn với quá trình đô thị hóa có chất lượng. Một mặt, thành phố cần tìm lộ trình phù hợp để đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên sử dụng các nguồn lực với hiệu suất cao, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thế hệ công nghệ thông minh. Mặt khác, thành phố cần chuyển mạnh sang hướng phát triển dịch vụ chất lượng cao, trong đó du lịch phải trở thành kinh tế mũi nhọn.
Nhìn vào bức tranh đô thị hóa vùng TP.HCM, tỷ lệ đô thị hóa khá cao chạy từ phần đô thị của TP.HCM theo hướng bên phải sang Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa tới Vũng Tàu. Theo hướng bên trái đã hình thành chuỗi đô thị từ TP.HCM qua Tân An, Mỹ Tho tới Gò Công. Trong một tương lai không xa, chuỗi đô thị hình vành khăn từ Gò Công vòng qua TP.HCM tới Vũng Tàu sẽ hình thành ôm lấy khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ hướng ra biển mở trong một vịnh kín gắn với cửa các sông Soài Rạp, Lòng Tàu, Đồng Tranh, Thị Vải.
Trong địa thế như vậy, Khu Đô thị Cần Giờ sẽ là động lực cho vùng đô thị công nghiệp và dịch vụ Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng. Quy hoạch chung của vùng TP.HCM, cũng như quy hoạch chung TP.HCM cần được điều chỉnh dựa vào các yếu tố địa kinh tế nói trên. Từ đó phải làm nổi bật được điểm khác biệt, thu hút được sự chú tâm của thế giới.
Đừng để “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”
Trước khi huyện Cần Giờ sáp nhập vào TP.HCM, thành phố này không có biển. Sau 41 năm sáp nhập, nhiều người dânTP.HCM vẫn không biết rằng họ có biển. Trong khi đó, người Cần Giờ dù sở hữu khoảng rừng rộng và bờ biển đẹp, là cư dân của thành phố phát triển bậc nhất Việt Nam nhưng vẫn là nghèo, thậm chí mấy năm gần đây mới được hòa điện lưới quốc gia.
Cần Giờ có tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn. Ở đây có rừng ngập mặn thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới, gắn với những chiến công huyền thoại của đặc công rừng Sác. Gắn với rừng là hệ thống sông cùng kênh rạch chằng chịt và hoang sơ. Biển có dạng một vịnh có nước sâu, nằm trong vùng ít bão và không thuộc vùng dưới mức nước biển khi xảy ra kịch bản xấu nhất của nước biển dâng. Với những lợi thế đó có thể tổ chức du lịch biển chất lượng cao nếu khắc phục được vùng nước nông lẫn phù sa ven bờ.
Từ năm 2000, lãnh đạo thành phố đã nhìn thấy tiềm năng du lịch của Cần Giờ và giao cho một đơn vị thực hiện dự án xây dựng Khu Đô thị du lịch. Kinh tế lúc đó còn eo hẹp nên tư duy tới diện tích hơn 600ha là đã quá lớn. Sau gần 20 năm, dự án được điều chỉnh tăng diện tích lên 2.870ha hướng tới một đô thị du lịch sinh thái tiến biển hiện đại. Bởi một khu đô thị lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế theo cấp số nhân so với độ tăng diện tích theo cấp số cộng.
Trước động thái này, cũng có băn khoăn việc tăng diện tích sẽ phá vỡ quy hoạch đã được duyệt. Nhưng quy hoạch luôn phụ thuộc vào khả năng tài chính để thực hiện. Tản Đà đã nói “giấc mơ con đè nát cuộc đời con” là để ám chỉ thực tế đó. Khi có khả năng lớn hơn thì điều chỉnh quy hoạch cũng là việc bình thường và tích cực.
Định vị dự án tại hệ sinh thái rừng - biển Cần Giờ
Dự án Cần Giờ nay đã được Thủ tướng chính thức thông qua. Việc đánh giá tác động xã hội và đánh giá tác động môi trường ở mức độ nghiên cứu tiền khả thi cũng đã hoàn thành.
Về tác động xã hội, do Dự án tiến biển nên không lấy đất của dân, cũng như đất của rừng. Người dân chịu tác động chủ yếu là dân làm nghề đánh bắt hải sản ven bờ và nghề làm muối. Ý kiến của người dân rất đồng thuận với việc triển khai Dự án với kỳ vọng sẽ đổi đời trong hoàn cảnh phát triển mới. Như vậy, có thể yên tâm về tác động xã hội của dự án.
Về tác động môi trường, Báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Cũng vẫn còn một số ý kiến e ngại về tác động đến hệ sinh thái biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn trong quá trình xây dựng cũng như hoạt động của đô thị sau này. Các ý kiến đều rất có trách nhiệm, đặt ra được trên công luận nhiều vấn đề phải thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu khả thi và quy hoạch chi tiết 1/500. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra một danh sách các vấn đề cần quan tâm về tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường. Chủ đầu tư đã có cam kết thực hiện.
Đầu tư phát triển các dự án lớn với những ý tưởng khác biệt luôn tạo ra các câu hỏi về bền vững môi trường. Những vấn đề cần đặt ra phải làm và một chủ đầu tư có trách nhiệm đã cam kết là đủ điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư. Vấn đề tiếp theo là triển khai hệ thống giám sát và đánh giá tác động môi trường như thế nào để tất cả đều yên tâm. Chắc chắn CĐT sẽ thực hiện việc này như một nguyên tắc quản lý tại mọi dự án quan trọng.
Hy vọng, Dự án sẽ sớm tạo dựng được một thành phố du lịch xanh, thông minh và khác biệt trên thế giới.