Quảng trường Thiên An Môn là quảng trường lớn nhất, trung tâm nhất của thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Gọi là Quảng trường Thiên An Môn vì ngoài chiếc sân rộng có sức chứa hàng chục vạn người thì nó còn có tòa lầu Thiên An Môn cực kỳ hoành tráng. Đây là cửa phía nam của Hoàng thành được xây dựng từ năm 1420, đời Minh có tên là Thừa Thiên Môn, đến đời Thanh đổi tên là Thiên An Môn. Chính tại tầng 2 của tòa lầu này, vào ngày 1/10/1949, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã long trọng tuyên bố sự ra đời của nước CHND Trung Hoa. Từ đó trở đi, những ngày lễ quan trọng nhất của Trung Quốc, trong đó có ngày Quốc khánh 1/10, bao giờ cũng được tổ chức tại quảng trường này.
Ngoài lầu Thiên An Môn, ở đây còn có các công trình hoành tráng khác rất hấp dẫn đối với du khách. Bên phải quảng trường là trụ sở Quốc hội Trung Quốc, bên trái là Bảo tàng Lịch sử, phía nam là bia kỷ niệm các anh hùng nhân dân, và tiếp đó là Nhà kỷ niệm Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Tuy nhiên, với bất kỳ ai đã có may mắn được tới Quảng trường, thì một trong những ấn tượng sâu sắc nhất là bức chân dung Chủ tịch Mao Trạch Đông được treo rất trang trọng trước lầu Thiên An môn. Ngoài giá trị về mặt xã hội và nghệ thuật, tính cho tới thời điểm hiện thời, đây là bức tranh chân dung được vẽ bằng tay lớn nhất thế giới! Nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc và những bí mật xung quanh bức chân dung khổng lồ có một không hai này. Phải mãi tới gần đây thông qua tài liệu "Thiên An Môn Quảng trường bị vong lục" những bí mật ấy mới được sáng tỏ.
Theo tài liệu trên, cuộc nội chiến vào cuối những năm 40 của thế kỷ XX tại Trung Quốc giữa một bên là lực lượng cách mạng, mà nòng cốt là Đảng Cộng Sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo và một bên là lực lượng phản cách mạng Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu (lịch sử Trung Quốc gọi là cuộc nội chiến Quốc - Cộng) đã bước vào hồi kết với thắng lợi không thể đảo ngược thuộc về phía cách mạng. Cuối năm 1948 đầu năm 1949, chỉ trong chiến dịch Bình - Tân (tức Bắc Binh - Thiên Tân), Hồng quân Trung Quốc dưới sự chỉ huy của Nhiếp Vinh Trăn, La Vinh Hằng... đã tiêu diệt 52 vạn lính Quốc Dân Đảng, giải phóng toàn bộ vùng Hoa Bắc. Tướng Phó Tác Nghĩa, Tư lệnh quân Quốc Dân Đảng vùng Hoa Bắc đầu hàng đã tạo điều kiện để Bắc Bình (tức Bắc Kinh) được giải phóng một cách hòa bình. Vì thế các công trình kiến trúc của Bắc Kinh hầu như được bảo tồn nguyên vẹn. Đây cũng là một trong những lý do để sau đó Bắc Kinh được chọn làm thủ đô của nước Trung Hoa mới.
Sau khi Bắc Kinh được giải phóng, ngày 23/3/1949 Mao Trạch Đông từ Tây Bá Pha (thuộc huyện Trác, tỉnh Sơn Tây) đã trở về Bắc Kinh và cho tiến hành các công việc chuẩn bị lễ thành lập nước. Vì vậy, ngày 2/9/1949, Chu Ân Lai đã ra chỉ thị với nội dung: "Trong ngày lễ thành lập nước sẽ tổ chức duyệt binh. Thời gian duyệt binh được tổ chức vào ngày thành lập chính phủ, địa điểm duyệt binh tốt nhất là ở trước Thiên An Môn". Bản chỉ thị cũng nêu rõ: lầu Thiên An Môn sẽ được chọn làm đài chủ tịch của ngày quốc lễ, nên cần phải được trang hoàng cho tốt.
Nhận được chỉ thị trên, tướng Diệp Kiếm Anh, Thị trưởng lâm thời thành phố Bắc Kinh, đã ra lệnh cho các bộ phận hữu quan khẩn trương tiến hành mọi công việc chuẩn bị cần thiết, trong đó có một công việc đặc biệt, đó là trong ngày lễ phải có bức chân dung Mao Trạch Đông. Bức chân dung này sẽ được treo chính giữa mặt trước lầu Thiên An Môn, nên ngoài việc phải đảm bảo về mặt nghệ thuật thì nó cũng phải có kích thước phù hợp với cảnh quan để mọi người trên quảng trường cùng được chiêm ngưỡng. Sau khi cân nhắc, ban tổ chức đã trao nhiệm vụ này cho Chu Lệnh Chiêu, Giáo sư, chuyên gia nghệ thuật Khoa Mỹ thuật thực dụng Trường Nghệ thuật quốc lập Bắc Kinh.
Để thực thi nhiệm vụ được giao, Giáo sư Chu lập tức bắt tay vào việc. Ông đã lựa chọn một số sinh viên xuất sắc nhất của Khoa Mỹ thuật, trong số đó có Trần Nhược Cúc làm trợ thủ.
Tại bức tường phía đông của Thiên An Môn, Chu Lệnh Chiêu và các cộng sự đã cho dựng một giá vẽ bằng gỗ cao 3 tầng rồi căng vải lên đó. Bức chân dung được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu, Giáo sư Chu chịu trách nhiệm vẽ phác thảo và lựa chọn màu sắc.
Tấm ảnh Mao Trạch Đông đội mũ bát giác được chọn làm ảnh mẫu cho bức vẽ. Tuy nhiên, chiếc áo Tôn Trung Sơn trong ảnh khi vẽ đã được thay bằng kiểu áo hở cổ. Sau khi xem bức tranh, tướng Nhiếp Vinh Trăn đã cho rằng việc thay đổi thành áo hở cổ là không thỏa đáng, vì trong ngày đại lễ thì mọi thứ phải thực sự nghiêm cẩn. Vì vậy, Giáo sư Chu và các học trò của mình đã vẽ lại như trong tấm ảnh mẫu.
Vào cuối tháng 9/1949, bức chân dung hoàn thành. Một đội công nhân xây dựng được điều tới để treo bức tranh lên mặt tiền của lầu Thiên An Môn. Và đây chính là bức chân dung Mao Trạch Đông mà mọi người được thấy trong ngày lễ thành lập nước CHND Trung Hoa 1/10/1949.
Vào mùa thu năm 1950, họa sĩ Tân Mãng, nhân viên Phòng Mỹ thuật nhân dân thành phố Bắc Kinh nhận được lời mời của Hồ Kiều Mộc, thư ký riêng của Mao Trạch Đông, tới Trung Nam Hải và được giao nhiệm vụ vẽ chân dung Mao Chủ tịch với kích thước rất lớn, nhưng không được biết để dùng vào việc gì. Vốn đã từng là giảng viên của Trường Nghệ thuật Lỗ Tấn tại Diên An vào cuối những năm 30 và đầu những năm 40 của thế kỷ XX, Tân Mãng đã thực thi nhiệm vụ một cách rất bài bản. Tân Mãng đã lựa chọn một bức ảnh Mao Chủ tịch không đội mũ, mắt nhìn hơi nghiêng lên phía trên làm ảnh mẫu. Để bức vẽ tránh được những sai sót do kích thước quá lớn, Tân Mãng đã mời thêm một số họa sĩ, trong đó có Tả Huy, Trương Tùng Hạc từ khu giải phóng tới cùng cộng tác. Khi vẽ, Tân Mãng đứng ở phía xa chỉ huy, còn Tả Huy, Trương Tùng Hạc... thì đứng dưới giá vẽ thực hiện.
Tuy nhiên khi bức chân dung hoàn thành và được treo lên thì một số người xem có nhận xét: "Bức vẽ Mao Trạch Đông mà chỉ có một cái tai thì chưa giống lắm, hơn nữa khuôn mặt lại nhìn nghiêng lên phía trên".
Sau khi nghe được những lời nhận xét đó, nhóm của Tân Mãng quyết định vẽ lại, và lần này họ lấy bức ảnh mẫu chụp Mao Trạch Đông chính diện, đôi mắt đang nhìn thẳng ra phía trước. Bức tranh này đã được hoan nghênh nhiệt liệt và đó chính là bức tranh Mao Trạch Đông mà mọi người được thấy ở trước lầu Thiên An Môn dịp Quốc khánh Trung Quốc năm 1950.
Các bức tranh chân dung Mao Trạch Đông được treo ở Thiên An Môn cứ mỗi năm thay đổi một lần bằng một bức tranh vẽ hoàn toàn mới. Nói chung các bức tranh đó được vẽ vào khoảng trước hoặc sau tiết lập thu, và được treo lên Thiên An Môn để thay tranh cũ vào dịp chuẩn bị lễ Quốc khánh 1/10.
Từ năm 1953, các bức chân dung này đều do Trương Chấn Sĩ, Giáo sư Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc, một họa sĩ vẽ tranh chân dung nổi tiếng nhất Trung Quốc, đảm trách. Tới năm 1964, do tuổi cao sức yếu nên Trương Chấn Sĩ xin nghỉ, và công việc này được giao cho Vương Quốc Đông, giảng viên hội họa, công tác tại Công ty Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc, gánh vác.
Bức chân dung đầu tiên mà Vương Quốc Đông vẽ được lấy mẫu từ một bức ảnh chụp ở tư thế nghiêng, mắt nhìn thẳng. Vương và các cộng sự đã tập trung rất nhiều công sức để biểu đạt cái thần khí của mắt và vùng phía trên lông mày, làm nổi bật cốt cách của một vị lãnh tụ nhân từ nhưng có trí tuệ siêu việt. Mặc dù đây là bức tranh sơn dầu, nhưng Vương Chấn Đông đã khéo kết hợp với hội họa truyền thống Trung Hoa nên bức tranh thấm đẫm tính dân tộc, rất được mọi người thán phục. Nó được đánh giá là bức tranh chân dung Mao Trạch Đông thành công nhất kể từ năm 1949, mở ra một hướng đi mới cho sự sáng tạo vẽ chân dung nói chung và vẽ chân dung Mao Trạch Đông nói riêng.
Thật ra, khi vẽ những bức bức tranh này, Vương Chấn Đông và cộng sự đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề chất liệu cũng như kích thước vải dùng để vẽ, và ảnh hưởng của thời tiết lên bức tranh.
Do kích thước bức tranh cực lớn (cao 6m, rộng 4,6m không kể khung) nên bắt buộc phải dùng tới 3 tấm vải ghép lại với nhau. Nhưng dù đã cố gắng ghép thế nào đi chăng nữa thì do chất liệu vải của mỗi tấm là không thể giống nhau nên đường ghép giữa các tấm vẫn cứ lộ ra, ảnh hưởng rất lớn đến mỹ cảm của bức tranh chân dung, nhất là khuôn mặt. Để giải quyết vấn đề này, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công nghiệp nhẹ Trung Quốc, Nhà máy Dệt sợi bông Cáp Nhĩ Tân kết hợp với Nhà máy Dệt thảm Thiên Tân đã bỏ ra rất nhiều công sức nghiên cứu, cuối cùng không những đã khắc phục được vấn đề kích thước khổ vải, mà còn tạo ra được những loại vải dày mỏng khác nhau để các họa sĩ lựa chọn lấy chất liệu vải phù hợp nhất.
Tuy nhiên vì bức tranh luôn được treo ở mặt tiền của lầu Thiên An Môn nên nó không hề được che chắn, vì vậy yếu tố thời tiết đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của tranh. Nhất là việc tranh được căng trên nền bằng gỗ hoặc kim loại thì gió mưa thường làm cho mặt tranh bị thấm nước, khiến cho màu sắc bức tranh bị xuống cấp nhanh chóng. Để giải quyết điều này, các nhà quản lý bức tranh đã phải kết hợp với các nhà hóa học dày công nghiên cứu, cuối cùng đã tìm ra một loại hợp kim nhôm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng trên.
Ngày 9/9/1976, Mao Trạch Đông tạ thế. Chính phủ Trung Quốc quyết định tổ chức quốc tang. Để chuẩn bị cho việc đau thương này, Vương Quốc Đông lại được giao trọng trách vẽ bức chân dung cực lớn để treo trong buổi lễ. Với bút pháp cực kỳ độc đáo mà gam màu chủ đạo là màu đen nhạt, bức tranh không những đã thể hiện hình ảnh một vị lãnh tụ uy nghiêm, mà còn thể hiện một cách rất sinh động và hết sức sâu sắc tình cảm tiếc thương vô hạn của nhân dân Trung Quốc đối với Mao Trạch Đông. Bức tranh này đã được treo trên Thiên An Môn trong dịp lễ truy điệu Mao Trạch Đông và một thời gian dài sau đó. Đây cũng là bức chân dung Mao Chủ tịch cuối cùng do Vương Chấn Đông vẽ.
Tới đầu năm 1992, Vương Chấn Đông nghỉ hưu, và người kế tục nhiệm vụ của Vương là Cát Tiểu Quang.
Ngay từ năm 1971, Vương Chấn Đông đã nghĩ tới việc đào tạo người kế tục công việc của mình, và ông đã chọn Cát Tiểu Quang, một sinh viên xuất sắc của Khoa Mỹ thuật. Sau khi tốt nghiệp, Cát về công tác tại Công ty Mỹ thuật do Vương phụ trách, và từ đó đã trở thành trợ thủ không thể thiếu của Vương Chấn Hưng trong mọi công việc sáng tạo, nhất là việc tạo ra những bức chân dung Mao Chủ tịch cũng như các bức chân dung Mác, Ăngghen, Lênin.
Trong quá trình làm việc cùng Vương Chấn Hưng, Cát đã nhận ra rằng nếu khi vẽ chỉ căn cứ vào một bức ảnh để làm mẫu thì rất khó thể hiện được một cách đầy đủ cái "thần" của nhân vật, nhất là người đó lại là một vị lãnh tụ. Lại càng khó hơn nữa khi bức chân dung đó lại có kích thước quá lớn như vậy. Vì vậy, Cát đã bỏ ra nhiều công sức thu thập các ảnh chụp Mao Trạch Đông qua tất cả các thời kỳ, ở mọi tư thế khác nhau. Bộ sưu tập của Cát đã có tới hơn 60 tấm, từ đó Cát đã chọn ra được hơn 10 tấm có những đặc điểm cần thiết nhất để làm tài liệu tham khảo cho công việc.
Căn phòng mà Cát Tiểu Quang sử dụng để vẽ chân dung Mao Chủ tịch nằm ngay ở phía tây bắc lầu Thiên An Môn. Đó là một căn phòng có diện tích mặt bằng 90m2, cao hơn 8m, khung nhà được làm bằng sắt để đề phòng hỏa hoạn. Mái nhà được lợp bằng kính mờ để luôn tạo được độ sáng tự nhiên. Vì phòng không được phép có máy điều hòa nên mùa đông thì rất lạnh, còn mùa hè thì lại rất nóng. Trong ngôi nhà đó, ít nhất mỗi năm Cát cũng cho ra đời một bức chân dung Mao Chủ tịch với kích thước lớn để phục vụ cho ngày 1/10.
Theo Cát Tiểu Quang thì với mỗi bức tranh trên, ngoài việc tuân thủ những đặc điểm không thể thiếu, bao giờ Cát cũng gửi vào đó những cảm xúc rất riêng của người họa sĩ. Những cảm xúc này chỉ có được khi người họa sĩ toàn tâm toàn ý tập trung cho công việc. Chính điều này đã khiến cho mỗi bức chân dung Mao Chủ tịch do Cát Tiểu Quang sáng tạo ra có những đặc điểm rất riêng không thể trộn lẫn và rất được người xem hâm mộ.
Bức chân dung Mao Trạch Đông treo ở trước lầu Thiên An Môn là bức chân dung thứ 15 do Cát Tiểu Quang vẽ năm 2005. Bức tranh chân dung này có chiều cao 6m, chiều rộng 4,6m. Nếu kể cả phần khung thì tổng trọng lượng của bức tranh là 1,5 tấn. Được biết, đây là bức chân dung có kích thước lớn nhất thế giới thời điểm đó.