Dân Việt

Lấp khoảng trống về chính sách với lao động nữ

Nguyệt Tạ 17/07/2020 06:08 GMT+7
Mặc dù các quy định về lao động nữ đã được đề cập khá rõ trong các văn bản luật có liên quan, nhưng nhiều chính sách vẫn cần được quy định rõ hơn trong các nghị định, nhất là chính sách chăm sóc sức khỏe, nuôi con nhỏ, phòng ngừa quấy rối tình dục tại nơi công sở...

Nhiều mặt tồn tại

Bộ LĐTBXH vừa phối hợp Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới. Đây là cơ hội để Việt Nam nhìn nhận toàn diện các chính sách đối với lao động nữ, qua đó đưa ra được những khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo sự bình đẳng cho chị em.

Lấp khoảng trống về chính sách với lao động nữ  - Ảnh 1.

Lao động nữ làm việc tại Công ty May 10. Ảnh: T.N

Chính phủ giao Bộ LĐTBXH chủ trì, xây dựng dự thảo nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới để trình Chính phủ trong tháng 9/2020. Bộ LĐTBXH đã thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập nghị định.

Thực tế công tác bình đẳng giới nói chung và thực thi quyền lợi chính sách cho lao động nữ nói riêng của Việt Nam đã đạt được một số thành tựu, tuy nhiên khi thực hiện đã phát sinh một số vấn đề bất cập. Đầu tiên phải kể tới là Nghị định số 85/2015 chủ yếu quy định chi tiết các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 về bảo vệ lao động nữ mà chưa chú trọng các quy định nhằm thể chế hóa chính sách của Nhà nước bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động.

Thứ hai là một số quy định bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới tuy hợp lý nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là các quy định về cơ chế, nguồn lực thực thi (như chính sách ưu đãi về thuế, việc xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo, tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động cho lao động nữ…).

Ba là, chưa có quy định chi tiết về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc (như các quy định nhận diện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; các biện pháp duy trì và xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục; trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống quấy rối trình dục tại nơi làm việc…).

Thay đổi cách tiếp cận

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ luật Lao động 2019 với nhiều sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến lao động nữ. Theo đó, những thay đổi này đã đảm bảo bình đẳng giới theo hướng hiện đại, phù hợp hơn với bối cảnh mới của quan hệ lao động trong kinh tế thị trường, thực thi các cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam đối với vấn đề này. Các nội dung đã thể hiện được sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận, từ bảo vệ lao động nữ sang bảo đảm, thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần phải quan tâm hơn tới một số chính sách cho lao động nữ. Cụ thể là chính sách tạo điều kiện cho lao động nữ nuôi con nhỏ, quy định thời gian tăng ca, cũng như xây dựng thêm các trường học, trường mầm non ở các khu công nghiệp, đông dân cư...

"Hiện nay công nhân nữ ở các khu công nghiệp quá vất vả, kinh tế khó khăn nên họ phải thuê nhà. Thời gian làm việc, tăng ca liên tục không thể chăm sóc con cái, trong khi đó các trường công thì ít, chỉ trông trẻ vào giờ hành chính khiến công nhân nữ rất vất vả. Thêm vào đó cần có quy định bắt buộc về phòng vắt sữa tại công ty cho lao động nữ có con nhỏ..." - ông Quảng thông tin.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, các quy định mới nhằm khắc phục những bất cập của Nghị định số 85/2015 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động 2012 về chính sách đối với lao động nữ như: Các quy định về cơ chế, nguồn lực thực thi (chính sách ưu đãi về thuế, việc xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo, tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động cho lao động nữ…), quy định chi tiết về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc…

Bà Hà nhấn mạnh dự thảo nghị định mới sẽ hướng tới cụ thể hóa đầy đủ những chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động 2019. Đồng thời thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, nhằm tạo cơ hội tốt hơn cho phụ nữ, để họ có quyền đưa ra các quyết định.

Bà Hà cũng thông tin về nội dung sửa đổi một số vấn đề lớn như quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 35), quy định về tuổi nghỉ hưu (Điều 169). Vấn đề tuổi nghỉ hưu với lao động nữ được đưa ra thảo luận hàng chục năm trước, năm 2019 vừa qua đã được Quốc hội thông qua. Các biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình…