Lực có nghĩa là sức lực, sức mạnh tiềm ẩn bên trong cơ thể. Khái niệm về lực theo khoa học vật lý có phần rõ ràng dễ hiểu hơn khái niệm về lực trong võ thuật. Các môn phái võ thuật cổ truyền Đông Phương, dù cương hay nhu, nội gia hay ngoại gia quyền, muốn sử dụng chiêu thức có hiệu quả tất cả đều phải dùng lực. Thuật ngữ diễn tả cho khái niệm lực ấy trong võ thuật gọi là "kình". Kình thường gắn liền với nhiều huyền thoại võ công của các cao thủ bởi tính cách hiệu quả kỳ bí của nó
Người xưa nói: "Luyện quyền bất luyện công, đáo lão nhất trường không". Y nghĩa đó ngầm nhắc đến công phu của kình, một sức mạnh tiềm ẩn bên trong mà chỉ có ai dày công luyện tập mới đạt được kết quả. Nếu không có lực thì các chiêu thức võ thuật dù có tuyệt nghệ đến đâu cũng chỉ là đơn điệu thuần cơ học. Đó là lý do cho thấy có những bậc thầy sử dụng đòn thế tuy ít nhưng hiệu quả rất cao và độ sát thương gây cho đối phương không lường được là vì phát huy được lực trong dụng võ.
Khái niệm về kình trong võ thuật cổ truyền Đông Phương chính là lực tạo ra do khí đi vào hệ cơ bắp trong một cơ chế sinh học đặc biệt và lực lại là hệ quả tất yếu của quá trình phát kình với các hiệu ứng mang tính vật lý, đó là tạo ra áp lực lên đối tượng và gây ra tác động ớ các mức độ và mục đích khác nhau. Nói một cách dễ hiểu là đòn đánh ra có một sức xuyên phá lớn làm cho đối phương bị chấn thương. Theo nhiều tài liệu võ thuật, có một số nguyên tắc cơ bản chung để phát huy lực pháp. Bất luận công việc gì, môn học nào, muốn có kết quả cũng đều đòi hỏi phải có công phu. Lý thuyết về sức mạnh của các chuyên gia võ học là sự phối hợp của nhiều yếu tố sau đây:
Khối lượng và điểm tiếp xúc: Vật tiến công có trọng lượng càng lớn, sức mạnh xúc tác càng cao và điểm tiếp xúc của vật càng nhỏ thì sức xuyên phá càng lớn.
Tập trung tinh thần: Đây là yếu tố không kém phần quan trọng bởi nếu tinh thần không tập trung được thì dễ bị tản lực khi ra đòn.
Sự thăng bằng: Giữ vững trọng tâm cơ thể khi phát đòn sẽ giúp cho lực tập trung không bị phát tán.
Kiểm soát hơi thở: Hơi thở có một vị trí quan trọng trong nguyên tắc phát lực, nhờ vào vận khí đúng lúc mà sức công phá của đòn tăng lên gấp bội và khả năng duy trì được sức bền.
Kết cấu cơ thể: Cơ thể có cấu trúc tốt sẽ thuận lợi trong việc luyện tập và phát huy hiệu quả phát lực, điều này do bẩm sinh hoặc do kết cấu giữa việc luyện tập và chế độ dinh dưỡng.
Gia tốc: Theo nguyên tắc vật lý, gia tốc tỷ lệ thuận với tốc độ, vì vậy đòn nào có gia tốc càng lớn thì sức tiêm kích của đòn ấy càng mạnh.
Một người không biết khí công cũng có thể đạt được Kình lực nếu như họ sử dụng hết sức mạnh cơ bắp. Một người luyện võ thì dùng ít cơ bắp hơn nhưng vẫn đạt được kình lực.
Võ công càng cao siêu thì lượng cơ bắp sử dụng càng ít đi để đạt được kình lực. Và nếu luyện được khí công, có nội công thâm hậu thì lại càng dùng ít cơ bắp đi nữa để có kình lưc… Như vậy sức mạnh đòn đánh ngang nhau sử dụng hiệu quả hơn trọng lượng cơ thể mình thì là tốt hơn.
Ví dụ như trong phim Diệp Vấn 3… Frank (Mike) đấm Diệp Vấn (Chân Tử Đan) mạnh như thế. Ông ta không hề luyện nội công tại sao có thể đánh người ta bay ra mấy mét? Đó chính là kình lực từ cơ bắp + trọng lượng cơ thể.
Kình lực của Frank đó chính là ngoại công. Mà khi vào chiến đấu đừng coi thường ngoại công. Nội công thì phải luyện chục năm mới thành, nhưng ngoại công thì vài tháng. Chính vì thế mà luyện võ cần luyện ngoại công trước rồi mới tới nội công. Tiếc là nhiều người không hiểu điều đó mà đã vội vàng tìm tới nội công… Ra đường gặp người khoẻ lại tự hỏi sao mình thiền nhiều mà vẫn bị bại trận.
Đó cũng chính là cái tạo ra sự ưu việt của Vịnh Xuân Quyền. Nhất là dòng Diệp Vấn. Chúng ta sử dụng tối thiểu cơ bắp để đạt được tối đa kình lực. Khi luyện tới mức Nhất Thốn Kình có nghĩa là ta chỉ cần nhích lên 2.5cm thì như nghìn cân đánh vào.