Dân Việt

Hệ thống bảo hiểm xã hội đang chịu sức ép lớn

Minh Nguyệt (thực hiện) 18/07/2020 07:00 GMT+7
Số người đăng ký hưởng TCTN tăng khiến cho công tác thực hiện chi trả khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung, đã xuất hiện nhiều trường hợp trục lợi chính sách TCTN của cả lao động và người sử dụng lao động.

PV Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH về thực trạng, giải pháp ngăn ngừa tình trạng này.

Thưa ông 6 tháng đầu năm, kinh tế đất nước đối mặt với nhiều khó khăn do tác động dịch Covid-19. Điều này đã tác động như thế nào tới việc thực hiện chính sách BHXH nói chung, chính sách BHTN nói riêng thưa ông?

- Dịch Covid - 19 đã tác động rất mạnh tới nền kinh tế, gần 900.000 người thất nghiệp, khoảng 1,2 triệu lao động đã phải rời khỏi thị trường lao động. Con số này sẽ còn tăng mạnh vào dịp cuối năm. Điều này đồng nghĩa với việc số lao động tham gia BHXH sẽ giảm đi, số lao động thất nghiệp lớn khiến cho số lao động đăng ký hưởng BHTN cũng tăng, số hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng cao. Đây sẽ là sức ép với hệ thống BHXH nói chung và chính sách BHTN và trợ cấp thất nghiệp nói riêng.

Hệ thống bảo hiểm xã hội đang chịu sức ép lớn - Ảnh 1.

Có tình trạng lao động thất nghiệp đi làm nhưng vẫn không khai báo để được nhận TCTN (Ảnh minh họa, Công ty May Nam Thái Nguyên). Ảnh: P.V

img

"6 tháng vừa rồi Bộ LĐTBXH đã đề xuất thực hiện gói an sinh 62.000 tỷ đồng giải quyết nhu cầu sống tối thiểu cho lao động không có nguồn thu nhập".

Ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH.

Để hỗ trợ người lao động, 6 đầu năm Bộ LĐTBXH đã đề xuất và thực hiện gói an sinh 62.000 tỷ đồng giải quyết nhu cầu sống tối thiểu cho lao động không có nguồn thu nhập.

Hiện nay, cả nước đang ghi nhận số hồ sơ đăng ký hưởng BHTN tăng đột biến, cùng với đó là tình trạng một số lao động trục lợi để hưởng TCTN. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Qua khảo sát, nắm bắt chúng tôi thấy rằng tình trạng lao động mất việc nộp đơn hưởng TCTN đang gia tăng ở nhiều địa phương. Ví dụ như Đồng Nai là hơn 34.000 người, TP.HCM là hơn 50.000 người... Đây là hệ lụy của việc kinh tế bị tác động bởi dịch Covid-19. Để không ai bị lọt lưới an sinh, Bộ LĐTXBH cũng đã thiết kế nhiều chính sách. Với lao động bị ảnh hưởng không có quan hệ lao động, thì Nhà nước sẽ dùng ngân sách để hỗ trợ trực tiếp. Với những lao động có quan hệ, hợp đồng lao động, có đóng BHXH thì sẽ được chi trả, hỗ trợ qua quỹ BHTN.

Làm gì để tăng cường công tác quản lý, giám sát, hạn chế tình trạng trục lợi BHTN thưa ông?

- Giải pháp thì vẫn là tăng cường tư vấn chính sách pháp luật cho người lao động. Khi hiểu được quyền lợi nghĩa vụ của mình khi tham gia BHXH và BHTN thì lao động sẽ tuân thủ. Nếu vi phạm người lao động sẽ bị xử lý, xử phạt, hoặc truy thu tiền nếu hưởng sai. BHTN chỉ là một trong những chính sách thuộc BHXH, nếu không tuân thủ sau này lao động rất khó để thụ hưởng các chính sách khác.

Bên cạnh giải pháp tuyên truyền, BHXH và Bộ LĐTBXH cũng sẽ tiến hành thanh kiểm tra đột suất với những trường hợp có nghi ngờ sai phạm trong việc đóng - hưởng BHXH, BHTN trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!