Chương trình Mẹ chồng nàng dâu tập 180 đã có sự chia sẻ của mẹ chồng Nguyễn Thị Xê (87 tuổi, quê ở Cần Thơ) và chị Nguyễn Thúy Tư (58 tuổi, dân gốc Quảng Trị).
Bà Xê vừa lên sân khấu đã khiến MC Quyền Linh - Lê Lộc và khán giả cười sảng khoái vì sự đối đáp nhanh nhẹn, hóm hỉnh, minh mẫn của mình.
Buổi ra mắt, mẹ chồng đã nhận xét con dâu "xóc óc"
Chị Tư cho biết mình đã làm dâu mẹ được 35 năm. Hồi mới yêu, chị Tư đã biết mẹ không thích người miền Trung, tuyên bố thẳng là 4 cậu con trai không ai được cưới người miền Trung, trong khi chị lại là dân Quảng Trị. Chồng chị đã phải thuyết phục rất lâu mới được sự đồng ý của mẹ cho về ra mắt.
"Buổi ra mắt thấy họ hàng bà con chú bác đến ngồi chơi chờ mình đông lắm. Mẹ mới gọi đến bên cạnh, nhìn từ trên xuống dưới, nhìn từ dưới lên trên rồi cầm tay mình bảo: "Con bé này có bàn tay đẹp quá ta. Mà đẹp thế này thì có biết làm ăn gì không!!!".
Câu nói khiến chị Tư biết mình "xong rồi, biết số phận mình rồi".
Chỉ nghe kể lại mà MC Quyền Linh và Lê Lộc cũng sửng sốt, ái ngại cho tương lai làm dâu của chị Tư lúc bấy giờ.
Bà Xê nhớ lại, hồi đó gặp con dâu thấy cũng được, cao ráo, xinh xắn nhưng nói chuyện "chọt chẹt", "nói 10 tiếng mình chỉ hiểu 2 tiếng, nấu ăn kiểu miền Trung nên nấu gì cũng không ăn được". Dù bà cho cưới nhưng bà cũng không vui, không hài lòng.
Chị Tư chia sẻ mẹ chị mất sớm, bố lấy vợ khác, mình ở với anh trai nên khi đi lấy chồng luôn nghĩ có mẹ chắc mình sẽ hạnh phúc lắm, mình sẽ được hưởng tình mẹ con.
Nhưng sự thật không như mong đợi, mẹ chồng chị khó vô cùng, chị làm gì bà cũng không hài lòng, nấu ăn bà chê, chồng đi làm suốt, nhiều lúc chị muốn bỏ cuộc, chị khóc hoài và cô đơn vì không có ai để tâm sự.
"Rất may ông xã chị gánh vác hết. Có bữa chị đã gọi chồng ra quán cafe tâm sự và nói muốn bỏ cuộc nhưng khi nghe chị kể, ông xã chị đã nắm lấy tay chị, truyền cho chị hơi ấm: "Anh biết hết nhưng anh không có quyền chọn lựa mẹ. Em hãy cố ggắng cùng anh". Nhờ đó mà chị có nghị lực vượt qua. Tối đó, anh về viết một tờ giấy dài dằng dặc ghi rõ mẹ thích gì, không thích gì, từ bài cải lương mẹ thích đến món ăn, khẩu vị mẹ ghét để chị có thể làm hài lòng mẹ hơn".
Không chỉ thế, có bao nhiêu tiền lương, chồng chị đưa hết cho chị, sau đó bảo chị đưa biếu mẹ. Ông xã còn tự mua đồ ăn về, rồi nói với vợ là mẹ nấu cho. Suốt thời gian dài, chồng chị Tư đã phải "qua lại" làm cầu nối giữa mẹ chồng - nàng dâu.
Phải mất 5-6 năm sau, mẹ chồng nàng dâu mới hiểu nhau, tìm được tiếng nói chung và yêu thương nhau hơn.
Đến giờ, chị Tư hoàn hoàn tự tin mình đã làm "dâu miền Nam" được 80%. Chị có thể nấu tất cả các món ăn theo khẩu vị miền Nam, tuy nhiên 20% còn lại là giọng nói Quảng Trị chị vẫn không thay đổi được.
Chị Tư cũng chiều mẹ chồng hết mực. Bà thường xem cải lương sau đó hôm sau chia sẻ về câu chuyện, tính cách nhân vật, chị Tư dù không thích cải lương cũng phải cố xem để hôm sau còn nghe hiểu, trò chuyện với mẹ. Chị Tư cũng vui sướng cho biết, giờ chị mừng là nhà chồng ai cũng yêu thương chị, nhất là 2 cô em chồng.
Nói về sự khó khăn của mình với con dâu, bà Xê cười bảo: Tính cách của mình nó thế, khó tính, hơn nữa mình cũng thích trò chuyện nhưng con dâu miền Trung "nói 10 tiếng mình chỉ hiểu được 2" nên đâm ra bực bội.
Nhưng bà cho biết, ở lâu rồi quen, "ăn mắm nó thấm vào người" nên giờ nghe hiểu được rồi nên biết.
Đến giờ, bà Xê hoàn hoàn yêu thương, trân quý con dâu. Bà chỉ phàn nàn, con dâu phải cái "thương tiền", sống tiết kiệm lắm. Chồng nó mùa đồ ăn giá 100 nghìn, về chỉ dám nói 50 nghìn thì con dâu ăn ngon, mà nói 100 nghìn là lại kỳ kèo. Con dâu ốm mua thuốc 100 nghìn nói 50 nghìn thì con dâu khỏi, mà nói 100 nghìn khéo lại ốm tiếp.
Nhưng tiết kiệm với mình mà lại xởi lởi, thương người. Người ta khó khăn đến vay 50 nghìn, con dâu sợ thiếu động viên người ta vay 100 nghìn. "Già rồi phải thương mình, đừng lo chuyện bao đồng nữa nghe con", bà Xê khuyên con dâu.
Bà Xê nói một lời thấm thía: "Kiếp sau vú đi tìm con à", khiến chị Tư cười: "Thôi, con trốn".
Câu chuyện làm dâu đầy khó khăn, cực khổ đã có một cái kết cảm động, ấm áp, đầy tình người.