Nhìn tổng quan lịch sử Trung Hoa giai đoạn Tam Quốc, không khó để nhận thấy ba vị quân chủ Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền là những tên tuổi nổi bật hơn cả.
Mặc dù bộ ba Tào – Tôn – Lưu này đều là những người đứng đầu khét tiếng nhất thời đại bấy giờ, thế nhưng điểm khác biệt lại nằm ở chỗ: Cả Lưu Bị và Tôn Quyền đều lần lượt lên ngôi xưng đế, duy chỉ có Tào Tháo nắm trong tay khối cơ đồ hưng thịnh nhất thì lại chưa một lần bước lên ngai vàng, tới lúc qua đời vẫn chỉ mang chức vương.
Thậm chí, danh xưng mà người đời hay gọi ông sau này là Ngụy Võ Đế cũng phải nhờ tới con trai Tào Phi sau khi lên ngôi mới truy phong cha mình mà có.
Nếu nói rằng Tào Tháo cả đời không có dã tâm soán Hán, vậy thì đó chắc chắn là giả thiết đáng cười nhất thiên hạ.
Vậy vì sao một Tào Tháo cả đời bị coi là "gian thần", lại có thừa thực lực soán Hán nhưng lúc sinh thời vẫn không ra tay đoạt lấy đế nghiệp?
Theo quan điểm của Qulishi, đây thực chất là một bước đi khôn ngoan của Tào Tháo nói riêng và là một nước cờ mang tính quyết định đối với gia tộc họ Tào nói chung.
Bởi lẽ chỉ cần nhìn vào quá trình Tào Tháo lợi dụng Hoàng đế Hán triều dưới đây cũng có thể nhìn ra sự khôn ngoan trong nước đi của "gian hùng" khét tiếng này.
Lợi dụng Hán Hiến Đế để tạo dựng danh tiếng và chỗ đứng cho Tào Ngụy trên con đường theo đuổi ngai vàng
Vào tháng 8 năm Kiến An thứ nhất, Tào Tháo quyết định đón Hán Hiến Đế về Hứa Đô. Việc làm này của ông khiến cho không ít bá quan văn võ dưới trướng đem lòng thắc mắc, duy chỉ có phe cánh do Tuân Úc cầm đầu là vô cùng ủng hộ.
Phải biết rằng, bước đi chiến lược này đã khiến Tào Mạnh Đức trở thành tâm điểm giữa vô số các phe phái chư hầu đang tranh đoạt thiên hạ ở thời điểm đó, đồng thời cũng giúp ông nắm được quyền khống chế một cách hợp lý nhất, đại nghĩa nhất.
Đối với Tào Tháo mà nói, sự tồn tại của Hán Hiến Đế khi ấy không khác nào một quân cờ có công dụng đem ngai vàng Thiên tử đặt vào cửa nhà họ Tào.
Thế nhưng sự kiện khiến Tào Mạnh Đức thực sự thay đổi cách nhìn về quân cờ mang danh Hoàng đế này lại là sau thất bại tại trận Xích Bích.
Kết cục thảm bại sau trận đánh lịch sử này đã khiến một Tào Tháo cả đời gần như đánh đâu thắng đó cũng phải trầm xuống và bắt đầu nhìn lại cách xây dựng chính quyền Tào Ngụy của chính mình.
Khách quan mà nói, đối với Hán Hiến Đế Lưu Hiệp, Tào Tháo hoàn toàn có thể xem là một "vị cứu tinh".
Thế nhưng chỉ tiếc rằng rất lâu sau đó, vị Hoàng đế này mới nhận ra một sự thật: Tào Tháo cùng Đổng Trác, Lý Giác, Quách Tỵ trên căn bản cũng chẳng mấy khác biệt. Ông trong tay họ sau cùng cũng chỉ là một kẻ bù nhìn mà thôi.
Nhìn từ góc độ của Tào Tháo, Hán Hiến Đế Lưu Hiệp từ đầu đến cuối chẳng qua chỉ như một món tiền đặt cược mà ông nắm trong tay.
Nếu như món tiền cược có thể đem về một món lời lớn, vậy thì người sở hữu nó sẽ không khỏi mừng rỡ.
Thế nhưng trong trường hợp món tiền ấy mang tính đe dọa với tài sản của họ, vậy thì trước khi xóa sổ, họ đương nhiên sẽ muốn đem giá trị cuối cùng của nó phát huy tới trình độ cao nhất.
Tuy nhiên điểm bất hạnh lại nằm ở chỗ: Bản thân Hán Hiến Đế đối với chính quyền Tào Ngụy đã và đang ngày càng lớn mạnh lại không có quá nhiều tác dụng, hay nói chính xác là tác dụng tiêu cực nhiều hơn tích cực.
Ban đầu, Tào Tháo chọn Hán Hiến Đế thực chất là để lợi dụng cái danh trung quân ái quốc, bảo vệ xã tắc để mưu cầu lợi ích cho gia tộc, tạo tiền đề để trục lợi ở Trung Nguyên, thống nhất thiên hạ.
Cho nên khi thế chân vạc đã định hình, Hoàng đế nhà Hán gần như không còn phát huy bất kỳ tác dụng nào.
Thậm chí lúc bấy giờ nếu so sánh với Hán Hiến Đế, uy danh lẫn năng lực của Tào Tháo đều đã mạnh hơn rất nhiều.
Vì vậy sự tồn tại của vua Hán đối với Tào Ngụy ở vào thời điểm ấy chỉ còn duy nhất một ý nghĩa: Điều khiển các trung thần cũ của Hán thất và tranh thủ sự ủng hộ của bách tính.
Thanh trừng trung thần nhà Hán, phanh phui bộ mặt của triều đình, Tào Tháo mở đường cho hậu duệ của Tào gia đoạt lấy đế nghiệp
Đặc biệt, Tào Tháo đã làm ra một hành động bị cho là cú đánh trí mạng vào uy lực cuối cùng của Hán thất.
Năm 213, Tào Tháo nam chinh đánh Đông Ngô, yêu cầu Hán Hiến Đế phong mình làm Ngụy công, thêm cửu tích, lập nước Ngụy. Đây có thể xem là một tín hiệu chính trị vô cùng nguy hiểm với Hán thất.
Bởi lẽ trước kia, quan lại được phong tước vị cao nhất cũng chỉ đến mức phong Hầu, còn phong Công là một khái niệm dường như không tồn tại, duy chỉ có một ngoại lệ là An Hán Công Vương Mãn – kẻ sau đó từng một lần soán Hán tự lập năm xưa.
Điểm đáng nói nằm ở chỗ, thứ Vương Mãn mưu cầu là cơ nghiệp của Tây Hán, nay Tào Tháo lại một lần nữa đưa ra yêu cầu này, có thể nói là dã tâm đã lộ rõ.
Tuy nhiên yêu cầu phong làm Ngụy công mới chỉ là một lần dò xét của Tào Tháo. Sau đó, ông liền triển khai bước thứ hai, đó là yêu cầu nhà vua tấn thăng Vương tước.
Trên thực tế, sự khác biệt của tước Công và tước Vương có thể nói là một trời một vực. Bởi vào thời nhà Hán, chức tước ban thưởng cao nhất cho công thần cũng chỉ đến mức phong Hầu, thế nhưng cũng không có luật cấm phong Công, huống chi công lao của Tào Tháo quả thực không nhỏ, phong Công cũng không bị xem là quá miễn cưỡng.
Thế nhưng yêu cầu phong Vương lại là bước đi phá vỡ ranh giới chính trị nhạy cảm cuối cùng. Vì năm xưa, Hán Cao Tổ Lưu Bang khi lập quốc đã từng đưa ra lời thề: "Ai không phải họ Lưu mà làm vương thì thiên hạ cùng đánh nó".
Mặc dù minh ước này chỉ là lời chót lưỡi đầu môi nhưng lại sinh ra ảnh hưởng trọng yếu với cơ nghiệp 400 năm của Đại Hán. Vì vậy có thể nói, nếu như có kẻ dám khiêu chiến minh ước nói trên thì sẽ trở thành nghịch thần phản Hán.
Đúng như dự đoán, yêu cầu này của Tào Tháo đã khiến cho các đại thần trung thành với Hán thất phản ứng kịch liệt, đặc biệt là Tuân Úc.
Tuân Úc năm xưa dù được Tào Tháo tín nhiệm nhưng vẫn một lòng trung thành với Hán thất. Nay Tào Tháo đã lộ rõ dã tâm đoạt quyền, vì vậy những đại thần như ông lại vô tình trở thành những kẻ ngáng đường.
Kết quả là Tào Tháo tìm cách đẩy Tuân Úc vào cửa tử, nhanh chóng thanh trừng phe phái trung thần với nhà Hán để dọn đường chính trị cho gia tộc của mình.
Sự nghiệp chính trị và tương lai soán Hán của gia tộc họ Tào cũng chính thức rộng mở từ đây.
Có thể nói rằng, nếu không có tác động của Tào Tháo đối uy quyền của nhà Hán thì một Tào Phi chủ yếu dựa vào kế thừa sự nghiệp cha mình sau này rất khó có thể lên ngôi Hoàng đế.
Ngược lại, nếu Tào Tháo lúc sinh thời trực tiếp soán Hán, hành động liều lĩnh này của ông chắc chắn sẽ dẫn đến sự chia rẽ nội bộ trong tập đoàn Tào Ngụy, thậm chí còn có thể xảy ra những hậu quả khó lường.
Vì thế, một Tào Mạnh Đức khét tiếng "gian hùng" đã quyết định hy sinh ngai vàng của bản thân, dốc toàn tâm toàn lực để xông pha trận đầu trên bàn cờ chính trị này, từ đó xé bỏ tấm bình phong của Hán Hiến Đế và Hán thất, phanh phui cho thiên hạ thấy rõ bộ mặt yếu ớt, vô năng của Thiên tử và sự trống rỗng, mục nát của cơ nghiệp Hán triều đã đến hồi mạt vận.
Từ những phân tích trên đây, có thể nói rằng dù cho không trở thành vua, thế nhưng Tào Tháo chính là người mở đầu vĩ đại cho đế nghiệp của con cháu Tào Ngụy sau này.