Cụ thể, ngày 3/7, UBND tỉnh Phú Thọ đã có Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 10/9/2014 của UBND tỉnh ban hành Quy định cụ thể một số nội dung về quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Theo quyết định này, đối với các trường hợp sáp nhập xã vào phường, thị trấn, sáp nhập xã miền núi vào xã đồng bằng, trung du vào xã miền núi, hạn mức công nhận đất ở theo số lượng nhân khẩu trong hộ gia đình được tiếp tục thực hiện theo địa giới của đơn vị hành chính và tiêu chuẩn của các xã trước khi sáp nhập.
Sáng 20/7, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Chí Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê cho biết, sau khi nhận được Quyết định số 15 của UBND tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Cẩm Khê đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành cùng với UBND thị trấn Cẩm Khê xuống làm việc với 4 hộ dân. Các hộ dân đều vui vẻ theo phương án đã đề ra.
"Trước đây, hạn mức giao đất tái định của xã Thanh Nga tối đa được nhận là 400m2, nhưng khi sáp nhập về thị trấn thì hạn mức chỉ còn 200m2. Do đó việc đền bù, GPMB, sắp xếp đất tái định cư gặp khó khăn. Bây giờ giữ nguyên định mức cũ, người dân được hưởng lợi nên rất vui vẻ.
UBND huyện đã ra thông báo thu hồi đất gửi cho người dân rồi. Trong tuần này sẽ tiến hành kiểm kê, đền bù, GPMB. Đất tái định cư cũng đã có đầy đủ, chỉ chờ làm xong các thủ tục, sẽ cho người dân tiến hành gắp phiếu, chọn vị trí", ông Lợi chia sẻ.
Trước đó, Dân Việt có loạt bài phản ánh về việc, 4 năm nay, nhiều hộ dân ở xã Thanh Nga, nay sáp nhập vào thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê bị mắc kẹt giữa "ốc đảo" ở KCN Cẩm Khê do Công ty Cổ phần xây dựng Đức Anh (Công ty Đức Anh) làm chủ đầu tư. Lúa chết, ao không thể thả cá, nước ngập vào nhà khiến các gia đình phải sơ tán mỗi khi có mưa.
Theo người dân nơi đây, việc san lấp mặt bằng của KCN Cẩm Khê khiến đất cát đổ hết sang ao, chuồng của người dân.
Sau mỗi cơn mưa, bùn đất trôi hết xuống ao, nước tràn đến tận sân nhà. Ngan, vịt phải đóng chuồng, chuyển lên nhà trên sống cùng người dân. Ngoài ra, do ô nhiễm, nhiều nhà còn phải gửi con cháu đi chỗ khác ở.
Cũng theo người dân, họ đang rất mong muốn được bồi thường GPMB và bố trí khu tái định cư. Tuy nhiên, cho đến nay, mọi việc mới chỉ dừng lại ở việc kiểm đếm. Người dân liên tục làm đơn gửi lên chính quyền xã trong 4 năm nhưng đều không được xử lý.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hà Thanh Bình - Trưởng phòng TN&MT huyện Cẩm Khê cho biết, dự án KCN Cẩm Khê đã được Chính phủ và chính quyền tỉnh chấp thuận, cho triển khai trên địa bàn huyện Cẩm Khê từ năm 2016. Việc đền bù GPMB đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên hiện nay còn sót lại 4 hộ dân nằm trong "lòng chảo" KCN Cẩm Khê.
Theo ông Bình, hiện nay đã bố trí được 1 hộ tái định cư, 3 hộ còn lại đã mời làm việc nhưng vẫn khúc mắc do chủ trương xác nhận lại đơn vị hành chính nên liên quan đến hạn mức đất ở.
"Trong 3 hộ chưa chịu di dời, có 1 hộ bị thu hồi 400m2 đất ở, 2 hộ còn lại bị thu hồi 200m2, nhưng khi làm việc các hộ đều yêu cầu phải được đền bù 400m2 như chính sách cũ. Về vấn đề này, do liên quan đến vấn đề quản lý đất đai nên chính quyền huyện Cẩm Khê đã có văn bản xin ý kiến của tỉnh Phú Thọ hướng dẫn thực hiện không những về việc giao đất ở mà còn việc đấu giá đất và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất để đảm bảo đúng quy định pháp luật", ông Bình cho biết.
Cũng trong sáng 20/7, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Giáp, 1 trong 4 hộ dân sống trong "ốc đảo" ở KCN Cẩm Khê cho biết, người dân đã nhận được thông báo thu hồi đất của UBND huyện Cẩm Khê. Ông Giáp và những người dân mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng thực hiện "lời hứa" như đã nói trong buổi gặp mặt cách đây ít ngày.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.