Tháng 8/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Tô Công Lý (36 tuổi, phó Tổng Giám đốc Công ty Công Lý) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau; 7 tháng sau, Tổng giám đốc Công ty Công Lý Tô Hoài Dân (cha ruột ông Lý) cũng bị khởi tố, cho tại ngoại do có cùng hành vi phạm tội với con trai.
Liên quan vụ án này, ngày 20/7, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Thánh xác nhận, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã đề nghị UBND tỉnh Cà Mau cung cấp thêm thông tin để phục vụ điều tra.
"Hiện tại, tỉnh chưa cung cấp hồ sơ theo yêu cầu, còn đang xin gia hạn thêm thời gian", ông Thánh nói và cho biết, việc này có nhiều vấn đề cần được rà soát lại
Một dự án đầy kỳ vọng...
Sáng 2/4/2010, Công ty Công Lý tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau trên diện tích gần 252.000 m2 tại phường Tân Xuyên, TP.Cà Mau, với tổng vốn đầu tư trên 350 tỷ đồng; đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần tư vấn khảo sát thiết kế và xây dựng Vinh Mẫn và đơn vị cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ thuộc Công ty TNHH thương mại – dịch vụ kỹ thuật Huê Thành.
Ở thời điểm đó, dự án này được xem là một trong những dự án đầy kỳ vọng, khi được xây dựng với hệ thống thiết bị công nghệ Vibio với công suất xử lý 200 tấn rác/ngày. Đây là một quy trình công nghệ áp dụng có khả năng xử lý từ 50 đến 400 tấn chất thải hữu cơ sinh hoạt/ngày; thiết kế theo tiêu chuẩn ICC và có khả năng mở rộng công suất hoạt động của hệ thống để xử lý bất kỳ khối lượng rác thải phát sinh.
Mục tiêu của dự án đề ra là phải xử lý toàn bộ nguồn rác thải sinh hoạt của TP.Cà Mau và các vùng lân cận. Ngoài ra, khi hoàn thành sẽ góp phần tạo việc làm cho người lao động địa phương.
Sau 2 năm đầu tư, xây dựng, Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau đi vào hoạt động vào năm 2012; đây là công trình xử lý rác đầu tiên của tỉnh Cà Mau được đầu tư đồng bộ, khép kín liên hoàn, tạo ra các sản phẩm hữu ích không gây ô nhiễm môi trường – một trong những vấn đề bức xúc của địa phương ở thời điểm hiện tại.
... đến những lùm xùm
6 năm sau khi đi hoạt động, vào tháng 7/2018, chủ đầu tư nhà máy xin ngưng hoạt động trong 3 tháng để bảo trì, bảo dưỡng, và được UBND tỉnh Cà Mau chấp thuận. Tuy nhiên, khi hết thời gian, nhà máy vẫn chưa hoạt động trở lại mà tiếp tục có văn bản xin gia hạn thời gian ngưng hoạt động thêm 3 tháng; đồng thời kêu thua lỗ, và đưa ra một số "yêu sách" đối với chính quyền tỉnh Cà Mau.
Cụ thể, chủ đầu tư nhà máy yêu cầu Nhà nước hỗ trợ thêm giá xử lý từ 340.000 một tấn rác lên 500.000 đồng, cùng một số vấn đề khác chưa được tỉnh giải quyết. Đại diện chủ đầu tư lúc đó cho rằng, chỉ sau 6 năm hoạt động, công ty lỗ 133 tỷ đồng, nếu được hỗ trợ thêm giá như yêu cầu thì công ty chỉ đủ để hoạt động chứ không có lãi.
Đến lúc này, kỳ vọng về một nhà máy xử rác hiện đại duy nhất của tỉnh Cà Mau đã gần như sụp đổ, khi nhà máy ngưng hoạt động suốt nhiều tháng khiến các địa phương như huyện Trần Văn Thời, Năm Căn, Cái Nước, TP.Cà Mau... bị tồn đọng lượng lớn rác thải. Rác sau khi thu gom được tập kết tại các bãi ven đường, bốc mùi nồng nặc, khiến người dân xung quanh sống trong cảnh ngột ngạt.
Tiếp đến, ngày 1/11/2018, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đã bác bỏ các "yêu sách" của Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau đưa ra đối với tỉnh, sau khi kiểm tra thực tế tình hình bảo trì, bảo dưỡng của nhà máy trong 3 tháng xin ngưng hoạt động. Đồng thời đề nghị chủ đầu tư sớm khắc phục những khó khăn để vận hành lại nhà máy, việc chậm trễ thì doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, Công ty Công Lý còn gây xôn xao dư luận vào cuối tháng 4/2019, khi có tờ trình UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ chi phí chôn cất cho hơn 300 xác thai nhi được phát hiện trong hơn 6 năm nhà máy hoạt động; yêu cầu chính quyền kiểm tra, kiểm soát rác từ đầu nguồn để giảm thiểu việc thai nhi theo xe rác về nhà máy.
Tuy nhiên, Công an tỉnh Cà Mau sau quá trình xác minh đã kết luận việc Công ty Công Lý khai báo phát hiện hàng trăm xác thai nhi lẫn trong rác vào nhà máy như trên, và nhà máy đã bỏ tiền ra chôn cất trong khuôn viên nhà máy là chưa có cơ sở.
Bộ Công an yêu cầu Cà Mau cung cấp hồ sơ làm rõ nhiều vấn đề
Mới đây, Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) đã đề nghị UBND tỉnh Cà Mau cung cấp thông tin việc quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư, xây dựng Nhà máy xử lý rác TP.Cà Mau, từ thời điểm thực hiện các thủ tục thẩm tra để cấp giấy chứng nhận đầu tư đến trước ngày 25/6/2019, kể cả việc có phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến việc đầu tư, xây dựng, thanh quyết toán dự án.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn phải cung cấp thông tin về trách nhiệm cụ thể từng thành viên thuộc Thường trực UBND tỉnh Cà Mau trong việc chỉ đạo, theo dõi, quản lý đầu tư, xây dựng, hỗ trợ vốn đầu tư cho dự án...
Liên quan đến nhà máy này, vào năm 2012, khi nhà máy hoàn thành, tỉnh Cà Mau đã cho chủ đầu tư ứng 20 tỷ tiền xử lý rác; đến cuối năm 2016, tỉnh lại cho ứng 25 tỷ để bảo trì nhà máy. Tính từ tháng 5/2012 – 4/2019, nhà máy được tỉnh hỗ trợ tiền từ nguồn ngân sách xử lý rác thải trên 107,6 tỷ đồng.