Vào thời Tam Quốc, Ngụy – Thục – Ngô nhiều năm chinh chiến tranh đoạt thiên hạ. Cũng bởi vậy mà chiến tranh đã trở thành một trạng thái chủ lưu được cho là bình thường trong thời kỳ này.
Thế nhưng chiến tranh cũng sở hữu không ít những tính chất giới hạn tự thân của nó. Ví dụ như việc phát động một cuộc chiến sẽ kéo theo sự thương vong khó tránh về nhân lực và sự hao tốn khổng lồ về tiền tài, của cải.
Dưới bối cảnh này, các vị quân chủ thời bấy giờ đã áp dụng phương thức sử dụng gián điệp – thủ đoạn được cho là "một vốn bốn lời" để đối phó với kẻ địch.
Năm xưa, Tào Ngụy vốn sở hữu quốc lực hùng hậu, nhân tài không thiếu, là cái bóng mà Thục – Ngô khó có thể vượt qua. Cho nên không khó để nhìn ra rằng, trên phương diện sử dụng gián điệp, thế lực này cũng đi trước hai đối thủ Tôn – Lưu.
Thậm chí trang Qulishi (Trung Quốc) còn cho rằng, nếu năm đó gián điệp của nhà Ngụy thực hiện thành công 2 phi vụ dưới đây, gia tộc họ Tào rất có thể sẽ trở thành kẻ thống nhất thiên hạ.
Âm mưu thâm độc của gián điệp Tào Ngụy nhằm vào Tôn Quyền
Năm 244 sau Công nguyên dưới thời kỳ tại vị của Ngụy Thiếu Đế Tào Phương, đại tướng quân Tào Sảng và Thái úy Tư Mã Ý giữ chức đại thần phụ chính.
Cũng trong năm ấy, huyện lệnh Mã Mậu ở huyện Chung Ly thuộc địa khu Giang Hoài của Ngụy quốc đột nhiên phản bội theo Đông Ngô.
Bấy giờ, Mã Mậu tuyên bố rằng ông cùng Xa kỵ Tướng quân Ngụy quốc là Tư không Vương Lăng có hiềm khích, bị trả thù tới mức không chỗ dung thân nên mới liều chết nương nhờ Tôn Ngô.
Tôn Quyền đối với Mã Mậu khi đó có thể xem là vô cùng hoan nghênh. Dù cho ông từng làm quan Ngụy quốc, nhưng vẫn là một người hữu dụng khi đã nắm trong tay tình hình bố trí binh lực cũng như nội tình ở địa phương của mình.
Mã Mậu nhờ vậy mà được triều đình Đông Ngô phong làm Chinh Tây Tướng quân, Cửu Giang Thái thú, thậm chí còn được ban tước Hầu, trở thành nhân vật được chào mời và có tiền đồ rộng mở ở đất Ngô.
Thế nhưng không ai có thể ngờ tới rằng, họ Mã này thực chất lại là kẻ "nằm vùng" do Tào Ngụy phái tới, mà mục tiêu hàng đầu chính là tìm cơ hội ám sát Tôn Quyền.
Sau khi đã vững chân trong triều đình nhà Ngô, Mã Mậu bắt đầu gia tăng phe cánh bằng cách kết nạp thêm hai đồng bọn là Chu Trinh và Ngu Khâm.
Trải qua một thời gian dài quan sát, ba kẻ này đã phát hiện ra rằng Tôn Quyền hàng tháng đều đi săn thú.
Từ đó, phe cánh của Mã Mâu bắt đầu âm thầm lên kế hoạch tổ chức mai phục, chờ thời cơ tiếp cận được Tôn Quyền thì lập tức hạ sát ông ngay trong lúc đi săn.
Không ngờ rằng phi vụ liều lĩnh này đã không may bị bại lộ trước ngày hành động. Mã Mậu sau đó cũng bị Tôn Quyền truy bắt và giết chết.
Không ám sát được Hậu chủ Lưu Thiện, gián điệp Tào Ngụy vẫn khiến Thục Hán phải chịu tổn thất nặng nề
Không lâu sau, Ngụy quốc lại tiếp tục tiến hành một phi vụ tương tự, chỉ có điều đối tượng được nhắm tới lần này quân chủ Thục Hán lúc bấy giờ - Lưu Thiện.
Khi ấy, đại tướng quân của Thục Hán là Khương Duy đang tiến hành Bắc phạt Tào Ngụy. Trong cuộc chiến Tây Bình, Trung Lang tướng nhà Ngụy là Quách Tu (có tư liệu dịch là Quách Tuần) đã chủ động đầu hàng quân Thục.
Khương Duy năm xưa vốn xuất thân là hàng tướng của nước Ngụy theo phò nhà Thục. Vì thế, đối với việc Quách Tu quy hàng, ông cũng không mấy đem lòng nghi ngờ, thậm chí còn chủ động thỉnh cầu Lưu Thiện phong chức cho người này.
Hậu chủ Lưu Thiện cũng vô cùng khảng khái, phong Quách Tu làm Tả tướng quân Thục Hán. Thế nhưng cả Khương Duy và Lưu Thiện đều đã xem nhẹ kẻ họ Quách này.
Trên thực tế, Quách Tu sở hữu thân phận thực sự là gián điệp do nước Ngụy phái tới, mục tiêu chính là tìm cơ hội để ám sát Lưu Thiện.
Sau khi được phong chức Tả tướng quân, họ Quách này đã trở thành võ quan cao cấp trong triều đình Thục Hán và thường xuyên có cơ hội gặp mặt Hoàng đế.
Tiếc rằng Lưu Thiện từ xưa tới nay đều đề phòng nghiêm ngặt, tùy tùng bên người vốn rất nhiều. Quách Tu từng nhiều lần tìm cơ hội tới gần Hậu chủ nhưng đều bị những người này cản trở.
Bản thân họ Quách này cũng là người nóng nảy, nhận thấy cơ hội ám sát nhà vua không hề dễ dàng liền nhanh chóng thay đổi mục tiêu, chuyển sang đại nhân vật có ảnh hưởng lớn thứ hai của Thục Hán lúc bấy giờ - Đại thần Phí Y.
Tới năm 253, triều đình Thục quốc cử hành tiệc rượu, Phí Y thay Lưu Thiện tới chủ trì. Khi nhận thấy vị đại thần này đã ngà ngà say, Quách Tu vốn đã giấu sẵn dao trong người liền làm bộ tiến đến mời rượu, sau đó bất ngờ rút hung khí đâm về phía Phí Y.
Kết quả là đại thần họ Phí vốn không kịp đề phòng, lại bị ám sát ở khoảng cách gần nên đã bị trọng thương và mất mạng ngay lúc ấy. Quách Tu sau đó cũng bị quân lính nhà Thục giết chết.
Mặc dù không thể thành công ám sát Lưu Thiện như kế hoạch ban đầu, thế nhưng gián điệp họ Quách cũng đã thành công hạ sát nhân vật có ảnh hưởng lớn thứ hai với nội bộ nhà Thục là Phí Y, như vậy cũng xem như đã lập công lớn với Tào Ngụy.
Ngụy Thiếu đế Tào Phương sau khi biết được tin này liền hạ thánh chỉ, truy phong cho Quách Tu thành Phụng Xa Đô úy của Ngụy quốc.
Trên thực tế, nếu cả hai âm mưu ám sát nói trên đều thành công như kế hoạch ban đầu, thời kỳ Tam Quốc loạn lạc rất có thể sẽ kết thúc sớm hơn, Tào Ngụy cũng hoàn toàn có cơ hội vươn lên trở thành bá chủ thiên hạ.
Tiếc rằng lịch sử vốn không có nếu như, và có lẽ thiên mệnh cũng đã không ưu ái cho thế lực này có cơ hội thống nhất Tam Quốc…