Bị đánh đến phải nằm một chỗ
Hơn 10 năm sống trong vòng xoáy của bạo lực gia đình (BLGĐ), chị L.T.M (Sơn Tây, Hà Nội) không thể nhớ được đã bị chồng bạo hành bao nhiêu lần. Trên người chị chồng chất các vết sẹo do chồng đánh, tinh thần thì thường xuyên hoảng loạn. "Lần gần đây nhất ông ấy đánh tôi đến gãy chân, chảy máu đầu phải nhập viện điều trị và nằm bất động 2 tháng" - chị M kể.
"Cứ 5 phụ nữ (khoảng 21%) thì có một phụ nữ bị bạo lực về kinh tế. Bạo lực kinh tế bao gồm việc cấm vợ đi làm, lấy tiền của cô ấy kiếm được dù không được cô ấy đồng ý và từ chối đưa tiền cho cô ấy để chi trả các chi phí gia đình".
Theo điều tra quốc gia lần 2
về BLGĐ năm 2019
Nhớ lại quãng thời gian sống như địa ngục, những giọt nước mắt của chị M không ngừng rơi. Trước đây chị kết hôn cũng vì tình yêu, hai người đều nghèo khó nghĩ thương nhau thì lấy nhau, ai ngờ được thời gian ngắn thì chồng theo bạn bè chơi bời, nghiện rượu không chịu làm việc. Nhà đã nghèo nay nghèo hơn. "Chưa hết, mỗi lần ông ấy say xỉn là về là phá tung nhà, đánh đập tôi khiến sức khỏe tôi cũng giảm đi nhiều, lao động cũng hạn chế. Nhà nghèo, mẹ bệnh, con cái khổ theo" - chị M tâm sự. Đến giờ, chị M đã đặt quyết tâm ly hôn để có được cuộc sống bình yên, tránh xa người chồng bạo lực.
Chị N.T.Vân (Hà Nội) còn khổ hơn khi là người khiếm thị lại bị chồng đánh đập. Chồng chị lúc đầu cũng nói lời ngon ngọt, yêu thương nhưng lấy về mới biết anh ta chỉ lấy chị vì tiền. Đến khi chơi bời, phá hết tài sản, anh ta bắt chị đi làm, kiếm tiền phục vụ anh ta, nếu không nghe là anh ta đánh đập. Cay đắng hơn, vì là người khiếm thị nên lúc chồng đánh, chị chẳng chạy được, chỉ rúc đầu vào góc nhà chịu đựng những cú đấm, đạp.
Cuối cùng, chị Vân cũng phải chọn cách ly hôn. "Tôi chỉ muốn nói với chị em cùng cảnh ngộ rằng: Nếu người chồng còn có thể sửa đổi thì hãy cố gắng còn nếu anh ta "hết thuốc chữa" thì mình không nên sợ hãi, chịu đựng. Hãy tìm đến bạn bè, đến tổ hội để có sự giúp đỡ, chia sẻ, tự tin hơn" - chị Vân chia sẻ.
Bạo lực gia đình gây đói nghèo
BLGĐ và bạo lực với phụ nữ không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe thể xác và sức khỏe tinh thần mà còn để lại những thiệt hại to lớn về kinh tế.
Điều tra quốc gia lần 2 về BLGĐ năm 2019 vừa được công bố cho thấy có 3 loại thiệt hại kinh tế đã được ghi nhận từ các vụ BLGĐ. Đầu tiên là chi phí trực tiếp khi nạn nhân phải nằm viện hoặc phải sửa chữa, thay thế tài sản bị hư hỏng/phá hủy trong gia đình. Thứ hai là chi phí cơ hội do bị bỏ lỡ công việc có lương hoặc công việc không lương và chồng/bạn tình phải nghỉ làm. Thứ 3 là là thiệt hại khi năng suất lao động bị giảm sút.
Các nghiên cứu chỉ ra, bình quân một phụ nữ bị BLGĐ trong 12 tháng qua đã bị mất khoảng 9,5 triệu đồng do hệ quả trực tiếp, tương đương với một phần tư thu nhập hàng năm của họ. Những phụ nữ bị BLGĐ thường giảm 30,8% thu nhập hàng năm so với phụ nữ không bị bạo lực. Tổng thiệt hại năng suất lao động của Việt Nam do BLGĐ đương đương với 1,81% GDP năm 2018.
Bà Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến và sức khỏe dân số (CCIHP) cho biết: "BLGĐ ảnh hưởng đến phụ nữ xuyên suốt cuộc đời của họ được phản ánh thông qua thu nhập. Phụ nữ bị chồng BLGĐ thường bị mất năng suất lao động do bị mất tập trung hoặc gián đoạn công việc vì bị ốm, bị thương, phải nghỉ làm, hoặc là bị chồng quấy nhiễu công việc".
Nghiên cứu cho thấy có 72% phụ nữ được khảo sát cho biết công việc của họ bị đứt đoạn do bị BLGĐ và 1,9% tổng số phụ nữ khảo sát cho biết họ khá tự ti không dám chia sẻ với ai, không dám ra ngoài. Hơn 14% phụ nữ được hỏi cho biết họ không thể tập trung và 5,7% cho biết họ không thể đi làm, phải nghỉ ốm điều trị bệnh vì bị BLGĐ.