Dân Việt

Vụ công ty gỗ chôn lấp 13 tấn chất thải: Giám đốc công ty mong điều tra, xử lý nghiêm

Nha Mẫn 23/07/2020 19:06 GMT+7
Công an đã xác định có 13 tấn rác thải bị chôn lấp và hiện vẫn điều tra, để xử lý theo quy định của pháp luật.

Xác định chôn lấp 13 tấn rác thải

Nhiều ngày qua, liên quan đến sự việc phát hiện chất thải bị chôn lấp trong khuôn viên của Công ty TNHH Shing Mark Vina (khu công nghiệp Bàu Xéo, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), ngành chức năng đã ráo riết vào cuộc xem xét để có phương án xử lý công ty này.

Vụ công ty gỗ chôn lấp 13 tấn chất thải: Giám đốc công ty mong muốn điều tra xử lý nghiêm - Ảnh 1.

Chất thải khai quật được

Cụ thể, trước mắt, cơ quan chức năng đã xác định sai phạm của công ty trên là đốt, đổ, chôn lấp chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường, sai quy định của pháp luật.

Sau khi khai quật các vị trí chôn lấp chất thải, cộng với những chứng cứ đã thu thập được,  cơ quan công an xác định Công ty TNHH Shing Mark Vina (chuyên sản xuất đồ dùng bằng gỗ, do ông Chao Chung Lee, 71 tuổi, làm Tổng Giám đốc) đã đốt, đổ, chôn lấp hơn 13 tấn chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường. 

Khi sự việc xảy ra, đại diện công ty là người Việt Nam đã trực tiếp làm việc với cơ quan chức năng. Nhưng người này lại nói rằng, mọi sai phạm đều do công nhân chưa hiểu biết, làm không báo cáo và phía công ty không biết (?).

Phía công ty mong muốn điều tra xử lý nghiêm

Bà Trần Thị Tôn Vân - Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH Shing Mark Vina - cũng khẳng định lãnh đạo công ty không chỉ đạo việc đưa số lượng chất thải nói trên ra đổ, chôn lấp ra môi trường. 

Việc này chỉ một số cá nhân nào đó cấu kết với nhau để thực hiện. Ông Chao Chung Lee cũng đề nghị cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai sớm điều tra làm rõ vụ việc, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trước sự việc nghiêm trọng này, lãnh đạo công an tỉnh đã chỉ đạo khai quật 6 vị trí quanh hai  bờ hồ số 2 trong khuôn viên công ty. Đồng thời, huy động hàng chục công nhân tới đây để thu gom, phân loại rác. Kết quả khám nghiệm đã phát hiện có 5 vị trí đổ, chôn lấp chất thải.

Vụ công ty gỗ chôn lấp 13 tấn chất thải: Giám đốc công ty mong muốn điều tra xử lý nghiêm - Ảnh 2.

Đại diện công ty cũng có mặt tại thời điểm khai quật

Cụ thể, ở vị trí số 1 và vị trí số 2, có đổ 3.400kg chất thải, gồm vải có mùi dung môi và tạp chất hữu cơ. Vị trí số 4 có đổ chất thải với khối lượng 4.470kg, gồm vải, tấm da nhân tạo, chất thải rắn màu trắng, chất thải rắn màu đen. 

Toàn bộ chất thải được khai quật có mùi sơn, dung môi, hóa chất (nghi là chất thải nguy hại). Ở vị trí số 5 có đổ chất thải với tổng khối lượng 660kg, gồm chất thải rắn màu đen và chất thải rắn màu xanh- đen, nghi là chất thải nguy hại. 

Riêng tại vị trí số 6 có đổ thải chất thải rắn nghi là tro thải lò hơi và trộn lẫn thành phần hữu cơ khác với khối lượng là 4.580kg. Lực lượng chức năng đã thu gom, lập biên bản tạm giữ, niêm phong, cân xác định khối lượng toàn bộ chất thải đã khai quật ở trên (tổng khối lượng chất thải là 13.110 kg).

Số chất thải trên được đưa về kho lưu giữ chất thải của Công ty TNHH Thanh Tùng 2 để bảo quản phục vụ công tác thu mẫu, phân tích và phục vụ công tác điều tra, xác minh theo đúng quy định của pháp luật.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết: "Hành vi trên của Công ty TNHH Shing Mark Vina có dấu hiệu của tội gây ô nhiễm môi trường". 

Vụ công ty gỗ chôn lấp 13 tấn chất thải: Giám đốc công ty mong muốn điều tra xử lý nghiêm - Ảnh 3.

Khai quật 6 vị trí thì phát hiện 5 vị trí có chất thải.

Theo các chuyên gia về môi trường, chất thải nguy hại công nghiệp nếu đem chôn lấp sẽ rất nguy hiểm cho con người. 

Việc xử lý chất thải công nghiệp độc hại ở nước ta đã được quan tâm của các cơ quan. Nhưng có một thực tế, các hoạt động dường như “muối bỏ bể”. Những vấn đề cần xử lý tận gốc còn tồn tại rất nhiều. Một trong những nguyên nhân sâu xa chính là sự thiếu ý thức của các doanh nghiệp xử lý chất thải công nghiệp.

Căn cứ vào Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt: Điều 22 đó là vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại.

Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 2.500kg đến dưới 3.000kg chất thải nguy hại. Khoản 7 Điều 23 thì vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải nguy hại thì Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Trường hợp các chất thải nêu trên là chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật dưới 3.000kg thì sẽ bị xử phạt 500.000.000 đến 1.000.000.000 đồng.

Ngoài ra thì sẽ bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi vi phạm…

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây ô nhiễm môi trường" tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật...

Tùy thuộc vào khối lượng và trọng lượng chất thải mà sẽ có hình phạt tương ứng. Hình phạt cao nhất khi phạm tội này là phạt tù đến 7 năm, kèm theo hình phạt bổ sung khác. Nếu là pháp nhân thương mại phạm tội thì sẽ là phạt tiền kèm theo đình chỉ hoạt động (có thời hạn hoặc vĩnh viễn).

Do đó với sai phạm này tuỳ vào mức độ sai phạm của công ty để căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.