Dân Việt

Gia tăng tình trạng nghèo tạm thời về thu nhập

Quốc Dinh 24/07/2020 06:00 GMT+7
Báo cáo đánh giá từ khảo sát hơn 900 hộ gia đình và hơn 900 đơn vị sản xuất kinh doanh dễ bị tổn thương (bao gồm hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa) tại 58/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Báo cáo đánh giá "Tác động kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam - Phân tích có tính tới yếu tố giới" - do UNDP, UNWOMEN và Trung tâm Phân tích và dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) công bố ngày 23/7 cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến thu nhập của các hộ gia đình sụt giảm, đẩy các hộ nghèo lún sâu hơn vào tình trạng nghèo thu nhập.

Thu nhập của nhiều hộ giảm tới 70%

Báo cáo đánh giá từ khảo sát hơn 900 hộ gia đình và hơn 900 đơn vị sản xuất kinh doanh dễ bị tổn thương (bao gồm hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa) tại 58/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Gia tăng tình trạng nghèo tạm thời về thu nhập - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 khiến thu nhập của nhiều hộ gia đình Việt Nam giảm tới 70%. Ảnh: Q.D

"Có lẽ chúng ta cần một chính sách mạnh mẽ hơn để ổn định cuộc sống, tạo thêm sinh kế cho người dân, đặc biệt cho nhóm người lao động dễ bị tổn thương, bao gồm phi chính thức, người di cư và đồng bào dân tộc thiểu số".

Ông Nguyễn Minh Cường

Kết quả cho thấy, dịch Covid-19 có ảnh hưởng khác biệt đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt là hộ gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có lao động phi chính thức và người nhập cư, dẫn tới gia tăng cao tình trạng nghèo tạm thời về thu nhập, đặc biệt trong nhóm hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.

Thu nhập hộ gia đình giảm sâu nhất do dịch Covid-19 được ghi nhận vào tháng 4/2020, khi chỉ bằng 29,7% so với tháng 12/2019. Con số này sang tháng 5/2020 là 51,1%. Nói cách khác, so với tháng 12/2009 thu nhập trung bình của các hộ được khảo sát đã giảm hơn 70%.

Khác với tình trạng nghèo kinh niên với thu nhập bình quân trên đầu người liên tục dưới mức nghèo trong một thời gian dài - nghèo tạm thời liên quan đến sự biến động của thu nhập thay đổi quanh ngưỡng chuẩn nghèo, dẫn đến động thái các hộ gia đình rơi vào hoặc thoát khỏi tình trạng nghèo trong thời gian ngắn.

Mặc dù không dễ dàng quan sát được như trong các giai đoạn "bình thường", động thái nghèo tạm thời tạo ra mối lo ngại lớn trong bối cảnh khủng hoảng như đại dịch Covid-19 gây ra. Nếu không có chính sách can thiệp đúng đắn và kịp thời, nghèo đói tạm thời có thể thay đổi các đặc điểm cấu trúc của hộ gia đình hoặc lao động và vì thế họ có thể trở thành các hộ nghèo kinh niên.

Báo cáo đánh giá cao những hành động kịp thời và quyết liệt của Chính phủ trong việc khống chế dịch Covid-19 cũng như ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Trong đó, gói bảo trợ xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã nhìn nhận các tác động tiêu cực khác nhau, nhắm đúng mục tiêu vào nhóm hộ nghèo và cận nghèo, cũng như nhóm lao động dễ bị tổn thương.

Khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ

Theo các chuyên gia, đại dịch cũng làm giảm đáng kể doanh thu của cả hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế đó buộc hầu hết các nhóm này phải cắt giảm hoạt động kinh doanh, giảm số lượng người lao động, do sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu đầu ra và những gián đoạn trong cung ứng đầu vào.

Chia sẻ tại phần thảo luận phục hồi tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam, ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, các chính sách, giải pháp đối phó với đại dịch Covid-19 được Việt Nam thực hiện rất tốt, điều này đã được bạn bè quốc tế công nhận và coi Việt Nam là hình mẫu xuất sắc trong công tác chống dịch.

Tuy nhiên, đối với những chính sách về kinh tế, chúng ta đang gặp khá nhiều vấn đề, do không thể tiên lượng trước tình hình, đánh giá sai. Đặc biệt với các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đang không đáp ứng được kỳ vọng đặt ra.

Bên cạnh đó, việc các chính sách tập trung vào thúc đẩy nền kinh tế là đúng, tuy nhiên, cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tạo thêm công ăn, việc làm cho người lao động. Trải qua thời gian giãn cách và đóng cửa hoạt động kinh doanh, tính đến tháng 6/2020, Việt Nam đã mất 1,4 triệu việc làm, gần 31 triệu người lao động bị ảnh hưởng thu nhập, điều này sẽ tạo nên những thách thức rất lớn với vấn đề an sinh xã hội, đồng thời, chi tiêu suy yếu cũng làm giảm quá trình hồi phục kinh tế.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, Việt Nam cần xác định rõ đang nằm trong giai đoạn nào? Giai đoạn ứng phó dịch bệnh hay đã chuyển sang giai đoạn phục hồi? Để từ đó có thể đưa ra những chính sách thiết thực, hiệu quả hơn.

"Theo tôi, Việt Nam vẫn đang nằm trong giai đoạn ứng phó - "nằm trong phòng cấp cứu", chứ chưa thể chuyển sang giai đoạn bắt đầu hồi phục"- ông Minh Cường nhận định.

Nếu quan điểm là đang trong giai đoạn ứng phó, các chính sách tài khóa phải hiệu chỉnh, cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì được hoạt động trong giai đoạn khó khăn, ngăn chặn mất việc làm ở mức độ thấp nhất có thể. Trong đó, đẩy mạnh và nhanh việc giải ngân các khoản vay cho doanh nghiệp, miễn - giảm thuế, hoãn thanh toán đóng góp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế... Nhưng cần các thủ tục đơn giản để đẩy nhanh quá trình thực hiện.

"Có lẽ chúng ta cần một chính sách mạnh mẽ hơn để ổn định cuộc sống, tạo thêm sinh kế cho người dân, đặc biệt cho nhóm người lao động dễ bị tổn thương, bao gồm phi chính thức, người di cư và đồng bào dân tộc thiểu số"- ông Minh Cường nói.

img

Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế: Nâng cao tương tác của dân với Chính phủ

Thành công của việc chống dịch Covid-19 mang nhiều dấu ấn của việc phối hợp tốt hơn nhiều giữa các cơ quan với nhau, giữa chính quyền Trung ương và địa phương và giữa nhà nước với dân.

Trong giai đoạn này, tương tác giữa người dân và nhà nước có sự tiến triển, những thông điệp của Nhà nước đưa ra rõ ràng, minh bạch đúng yêu cầu của người dân. Người dân thấy rõ được dịch bệnh đang diễn biến như thế nào? Phòng tránh ra sao? Và kết quả là chúng ta đã khống chế được dịch Covid-19.

Ngoài sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ ra, thời gian này rất cần những giải pháp khi thực hiện phải đồng bộ, rất nghiêm, ai làm đúng việc của người đó và làm đến nơi đến chốn thì các gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ nhanh chóng, hiệu quả đến được tay người dân và doanh nghiệp để cùng khôi phục kinh tế.

img

Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UNWOMEN tại Việt Nam: Đẩy mạnh đầu tư công, tạo thêm thu nhập cho người dân

"Nếu không được khắc phục một cách toàn diện, hậu quả về sức khỏe và kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 có thể sẽ dẫn đến bất bình đẳng giới và nguy cơ đẩy lùi những thành quả thu được trong nỗ lực trao quyền cho phụ nữ trong những thập kỷ gần đây.

Chính phủ Việt Nam cần hành động nhanh chóng tăng cường đầu tư công, đầu tư để xây dựng công trình công cộng nhằm tạo ra việc làm cho người dân như đầu tư cầu đường, hạ tầng, phát triển đô thị…

Về tốc độ nếu như các gói hỗ trợ được triển khai kịp thời hơn, sẽ góp phần giảm thiểu gói nghèo, nhưng chúng tôi khuyến nghị đẩy nhanh hơn, đặc biệt tận dụng số hóa, để thanh toán khoản chi an sinh xã hội..."- bà Eisa cho biết.

Dân Quang (ghi)