Tập bằng niềm tin!
Nói đến bắn súng, nhiều người chỉ biết tới tên tuổi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với tấm HCV Olympic 2016 lịch sử. Nỗ lực của Hoàng Xuân Vinh còn được ghi nhận khi tập luyện trong điều kiện khó khăn hơn VĐV các nước bạn rất nhiều nhưng vẫn tỏa sáng trên đấu trường đỉnh cao thế giới.
Nhưng thực tế, không chỉ có riêng Hoàng Xuân Vinh mà bao năm qua, các VĐV Việt Nam đều phải đối mặt với sự thiếu thốn đủ bề từ cơ sở vật chất, dinh dưỡng, thuốc men… Nói như Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng thì trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, kinh phí đầu tư cho thể thao hạn chế, để giành được những tấm HCV SEA Games, ASIAD, Olympic, VĐV Việt Nam đã phải cố gắng tới 200% sức lực.
Thế vẫn chưa phải là cuối cùng! Có VĐV ở một số môn, phân môn thể thao, hàng ngày vẫn miệt mài tập luyện bất kể nắng mưa, cũng chịu thương chịu khó mà chẳng có cơ hội thi đấu… SEA Games do nước chủ nhà không có điều kiện (hoặc không muốn tổ chức).
"Lần cuối cùng tôi được thi đấu SEA Games và giành HCB đã trôi qua cách đây 15 năm ở Philippines.
Trước đó, năm 2003, tôi giành tấm HCV đầu tiên khi SEA Games tổ chức ở Việt Nam. Ngày ấy, bắn đĩa bay mới du nhập vào Việt Nam được 5 năm và ít ai nghĩ chúng tôi có thể vượt qua những nước mạnh như Thái Lan, Singapore, Malaysia để giành cả HCV cá nhân lẫn đồng đội.
Giờ nghĩ lại, cảm giác mọi thứ cứ như ngày hôm qua. Thấm thoát mình cũng "U40" rồi, có đồng đội cùng tập ở Hà Nội gọi mình bằng "cô". Tôi chỉ mong sao SEA Games 31 năm sau có nội dung bắn đĩa bay để mọi người đỡ quên môn thể thao này và mình có cơ hội một lần nữa mang vinh quang về cho Tổ quốc", Hoàng Thị Tuất chia sẻ cùng Dân Việt.
Trong điều kiện khó khăn chung của Thể thao Việt Nam, bắn đĩa bay nữ lại không có trong chương trình thi đấu SEA Games suốt từ năm 2007 tới nay, nên Hoàng Thị Tuất cùng các đồng đội gần như chỉ biết "tập chay" quanh năm:
"Chúng tôi nói đùa mà như thật với nhau là tập bằng… niềm tin! Do không có đạn nên chỉ biết tập thể lực và hàng ngày cứ đi lặp lại động tác giơ súng, hướng vào khoảng không ngắm bắn khoảng 30 phút đến 1 giờ/ngày.
Chỉ đến khi có giải mới được bắn đạn thật. Trước các giải quốc tế, cụ thể là giải vô địch Đông Nam Á thì đội được đi tập huấn khoảng 1 tháng ở Thái Lan để tập với đạn".
Như vậy, 1 năm, các xạ thủ bắn đĩa bay chỉ được nghe tiếng đạn nổ trong khoảng hơn 1 tháng. Khoảng 9-10 tháng còn lại chỉ biết "tập chay" với niềm tin và đam mê:
"Không có SEA Games, chúng tôi dồn hết tâm lực vào giải vô địch Đông Nam Á. Trong chừng mực nhất định, giải Đông Nam Á còn khó hơn SEA Games khi có sự xuất hiện của các xạ thủ Đài Loan từng dự Olymnpic.
Từ năm 2015 đến 2019, tôi vẫn giành 4 HCV và 1 HCB. Xa hơn nữa, sau 3 HCV ĐNÁ liên tiếp từ 2006 đến 2008, tôi nhận HCB suốt từ năm 2009 đến 2014. Sự nghiệp cũng có thăng trầm nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy chán nản.
Lúc này, tôi vẫn cảm thấy rất "sung" và không hề có ý nghĩ dừng lại. Cảm giác không gian trường bắn, những tiếng đạn nổ như ăn sâu vào trong máu rồi, không sao dứt được", Hoàng Thị Tuất bộc bạch.
"Giỏi việc nước, đảm việc nhà"
Trong câu chuyện với Hoàng Thị Tuất, tôi cảm nhận được một nguồn năng lượng tích cực dồi dào giúp chị luôn tự tin, mạnh mẽ vượt qua mọi "rào cản" trong cuộc sống để tiến lên phía trước.
Chẳng những là nữ xạ thủ bắn đĩa bay số 1 Việt Nam và Đông Nam Á trong nhiều năm qua, mới đây, Hoàng Thị Tuất cũng đã được nhận quyết định vào biên chế Sở VHTT Hà Nội, bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ Giáo dục thể chất Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với nghiên cứu chính về bài tập cho bắn đĩa bay.
Người đồng đội bắn đĩa bay nội dung hỗn hợp nam nữ cùng Hoàng Thị Tuất là Lê Nghĩa (HCV cá nhân nam SEA Games 2015) cũng phải tấm tắc khen: "Không hiểu sao bạn ấy lại có thể làm được nhiều việc như thế cùng một lúc. Vừa chăm sóc gia đình con cái, vừa học, vừa tập luyện".
Về phần mình, Hoàng Thị Tuất từ tốn bày tỏ: "Tôi là người ưa vận động và không chịu nổi cảm giác ngồi không, lãng phí thời gian. Tôi luôn muốn làm điều gì đó có ích trong từng giây phút.
Có những ngày lịch trình kín mít cho mọi việc, đến đội tập luyện, đưa đón 2 con gái đang tuổi ăn tuổi lớn đi học, đến trường Sư Phạm học vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần, đi ship hàng vào buổi tối để có thêm đồng ra đồng vào… Nhiều khi cảm giác "nghẹt thở" nhưng vui khi cảm thấy mình sống có ý nghĩa.
Cũng may, chồng con hiểu, thương mình lắm nên càng có thêm động lực cố gắng hơn".
Thầy đã chỉ đường cho tôi
Nhìn lại hành trình theo đuổi đam mê, Hoàng Thị Tuất bảo rất biết ơn thầy Nghiêm Việt Hùng - HLV duy nhất theo chị suốt từ năm 2003 đến nay.
"Tôi bắt đầu đến với bắn súng năm 1995 và tập súng trường. Năm 1998 khi đĩa bay bắn đầu phát triển ở Việt Nam thì tôi chuyển sang tập và lúc đó còn là đồng đội của thầy Hùng.
Sau này khi thầy Hùng chuyển sang công tác quản lý, lãnh đội, tôi là học trò của thầy và đã học hỏi được rất nhiều, đặc biệt ở khả năng làm tư tưởng, tâm lý trước giờ thi đấu".
Nói đến HLV Nghiêm Việt Hùng, Hoàng Thị Tuất nhớ lại những thời điểm phải thi đấu trong điều kiện thời tiết mưa gió và trước khi vào trường bắn chị có cảm giác lo lắng, áp lực, sợ bắn không tốt:
"Những lúc như vậy, thầy chỉ nói 1 câu: Việc của em là thi đấu, em cứ thật thoải mái bắn. Nếu đạt thành tích tốt thì em hưởng, còn nếu không tốt thì anh chịu trách nhiệm. Các sếp mắng anh chứ có mắng em đâu!". Nói chung trong suốt những năm làm việc cùng nhau, thầy và cũng như một người anh chưa bao giờ đặt áp lực cho chúng tôi và luôn biết nói gì ngay trước thời điểm thi đấu để giúp chúng tôi có trạng thái tốt nhất.
Tôi muốn gửi lời cảm ơn thầy rất nhiều!", Hoàng Thị Tuất trải lòng.
Trong suy nghĩ của mình, Hoàng Thị Tuất cho rằng trên con đường dẫn tới thành công, những lần "vấp ngã" là điều không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là mình luôn tiếp nhận thất bại với sự lạc quan, biết sửa sai, học hỏi để chiến thắng:
"Để có được tấm HCV SEA Games đầu tiên năm 2003, tôi mất 8 năm kể từ khi làm quen với bắn súng và 5 năm bắn đĩa bay.
Sự kiên nhẫn, kinh nghiệm, trạng thái tâm lý… là điều mình đã có khi bước vào trường bắn. Ấy vậy mà giờ vẫn phải học con gái.
Mới đây, tôi đi thi lái xe ô tô và bị trượt ở đúng cái lỗi mà bình thường khi tập không bao giờ mắc.
Về nhà, tôi cũng buồn buồn nhưng cô con gái lớn 15 tuổi vừa thi vào lớp 10 xong nói 1 câu khiến tôi được nhìn lại chính mình.
Con gái bảo, mẹ có biết để con giải được 1 đề toán, con phải luyện đi luyện lại bao nhiêu lần không?
Tôi tin các VĐV trẻ sau này, có những cháu bằng hoặc hơn con tôi vài tuổi nếu chăm chỉ, kiên trì tập luyện với niềm đam mê bất tận thì chắc chắn sẽ thành công!"
Hoàng Thị Tuất: "Thời điểm chuẩn bị cho SEA Games 2003, chúng tôi được đưa đi Trung Quốc tập huấn khoảng 10 tháng. Hết visa 6 tháng về nước mấy ngày rồi lại đi tiếp. Hồi đó được đầu tư nhiều và thành quả đã tới. Tôi mong SEA Games 31 năm sau, bắn đĩa bay nữ sẽ trở lại để không chỉ tôi mà đặc biệt hơn là lớp VĐV trẻ kế cận chúng tôi được quan tâm, đầu tư nhiều hơn".